Đèo Khau Phạ hiểm trở và dài nhất trên tuyến Quốc lộ 32 với trên 30km. Nằm ở khu vực giáp giới giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, đèo Khau Phạ đi qua nhiều địa danh nổi tiếng về du lịch của tỉnh Yên Bái như: La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Tú Lệ, Chế Cu Nha, Nậm Có… ở độ cao trung bình từ 1.200m đến 1.500m so với mực nước biển, có Mù Cang Chải với ruộng bậc thang kỳ vĩ đã trở thành di tích quốc gia, khi được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng vào ngày 18/10/2007. Do đèo luôn có mây mù bao phủ, đỉnh núi cao 2.088 mét như nhô lên trên biển mây, nên đồng bào dân tộc Thái xưa kia gọi là "Khau Phạ", dịch ra tiếng Kinh có nghĩa là "Sừng trời".
Khau Phạ đẹp nhất vào mùa lúa, tầm tháng 9, tháng 10, khi lúa trên chân ruộng bậc thang chín vàng nương, đây cũng là thời điểm mà nhiều khách du lịch chinh phục đèo để ngoạn cảnh. Những cánh rừng già tại Khau Phạ còn lưu giữ được nhiều loại động, thực vật quý hiếm như: thông dầu, chò chỉ và các loại chim muông, thú quý hiếm khác. Trên đèo có đến vài chục đoạn cua gấp khúc tay áo. Đèo còn đặc biệt nguy hiểm vì tầm nhìn hạn chế, núi ở đây lại nằm trong vùng đất đỏ bazan, hệ đất yếu.
Không chỉ là một cung đường đèo nổi tiếng trong du lịch, địa danh Khau Phạ còn gắn liền với những chiến công được ghi trong lịch sử cách mạng tỉnh Yên Bái: Trước năm 1945, đội du kích Khau Phạ đã lợi dụng địa hình và nương theo mây gió quánh đặc trên đèo, "xuất quỷ nhập thần" liên tục đánh chặn các cuộc hành quân của thực dân Pháp từ Nghĩa Lộ đi Lai Châu, Lao Cai và ngược lại bằng súng kíp hoặc bẫy đá, khiến quân Pháp hãi hùng kiêng nể gọi là "những chiến binh mây mù".
Hiện nay, Yên Bái đang làm hồ sơ di tích, dựng tượng đài tưởng niệm Đội du kích Khau Phạ trên đỉnh đèo. Ngược thời gian tìm hiểu thêm những sự kiện lịch sử cách mạng, Khau Phạ còn được nhắc đến như một bản anh hùng ca về chí khí quật cường của dân ta chống lại sự xâm lược và ách thống trị của thực dân. Các phong trào chống Pháp của nhân dân Yên Bái theo ngọn cờ của Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Văn Giáp, phong trào Cần Vương... xây dựng các căn cứ kháng chiến ở Đại Lịch, Mường Lò, Mường Cơi, Thu Cúc, ngăn cản quân địch chiếm Văn Chấn liên tục nổ ra.
Đây là đội du kích ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thành lập vào tháng 10/1946 để củng cố chính quyền cách mạng ở vùng cao. Ngày đầu thành lập, đội chỉ có 7 đội viên, do ông Giàng Khua Kỷ là người dân tộc Mông, trước làm thống lý nhưng được cách mạng giác ngộ đã tham gia Ban chỉ huy đội du kích Cao Phạ. Mặc dù trang bị vũ khí của đội chủ yếu là súng kíp và các loại vũ khí thô sơ khác như: dao nhọn, mác, nỏ... nhưng đội đã nhanh chóng tập luyện để sẵn sàng đối phó với địch. Vừa tham gia luyện tập, 7 người trong đội đã nhanh chóng tuyên truyền, vận động thanh niên dân tộc Mông vào đội du kích theo cách mạng đánh Pháp.
Với 41 trận chiến đấu, trong đó có 16 trận chiến đấu độc lập, 25 trận đánh phối hợp với bộ đội chủ lực, đội du kích Cao Phạ đã tiêu diệt, bắt sống và gọi hàng 125 tên địch, thu 150 khẩu súng các loại cùng nhiều quân trang, quân dụng khác của quân địch. Riêng người chỉ huy đội du kích là Lý Nủ Chu đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba. Nhân dân xã Cao Phạ cũng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Ngược đèo Khau Phạ, bạn sẽ bắt gặp những cánh ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ, những đỉnh núi nhô lên trên mây ngàn hùng vĩ và những nụ cười thân thiện, tươi tắn của những người sống trên Sừng trời.
Du lịch, GO! - Theo báo Lào Cai, ảnh internet
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.