Hằng năm cứ sau những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, cụ Dương Hiển Đạt lại cùng các bậc cao niên ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) chọn ngày đẹp trời nhất tề tựu về đình làng An Vĩnh kỳ công làm những mô hình thuyền đi biển và các vật dụng: Nồi đồng, nồi đất, lu đựng nước ngọt, nẹp tre, dây mây, thẻ tre... để phục vụ cho lễ “Khao lề thế lính Hoàng Sa”.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là hoạt động tâm linh của người dân huyện đảo Lý Sơn đã có từ hàng trăm năm trước. Cụ Đạt cho biết từ lúc còn là một cậu bé, cụ đã thấy các bậc cha ông kính cẩn tổ chức lễ tế này với sự tham gia của cả cộng đồng cư dân trên đảo.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm tri ân những người lính trong đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa đã xả thân để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc. Cũng chính vì vậy mà nơi trang trọng nhất trong đình làng An Vĩnh được treo hoành phi, liễn đối “Công đức dựng xây miền đảo lý.
Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa” thể hiện tấm lòng tri ân công đức với các bậc tiền nhân và nhằm khắc cốt ghi xương với hậu thế rằng biển đảo là quê hương là máu thịt của mỗi người dân nước Việt. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, ngay từ đầu thời Chúa Nguyễn – cách ngày nay hơn 400 năm, tại vùng cửa biển Sa Kỳ (nay thuộc các xã An Vĩnh, An Kỳ huyện Sơn Tịnh và An Hải, nay là xã Bình Châu huyện Bình Sơn) và đảo Lý Sơn hàng năm có 70 binh phu được nhà nước tuyển chọn đi Hoàng Sa tìm kiếm hải vật, sản vật để về dâng nộp cho triều đình và tuần phòng trên vùng biển Đông của Tổ quốc.
Đội Hoàng Sa cũng đã hoạt động liên tiếp sang đến thời Tây Sơn, với những cai đội nổi tiếng như Phú Nhuận hầu Võ Văn Phú, Hội Nghĩa hầu Võ Văn Khiết. Sang thời nhà Nguyễn, tức cách đây hơn 200 năm, ngay từ thời Gia Long cũng đã sai Phạm Quang Ảnh làm Cai đội Hoàng Sa tuyển chọn các binh phu đi Hoàng Sa và cả Trường Sa đo đạc thuỷ trình.
Nhà Nguyễn cũng đã cho lập các đội thuỷ quân để cùng với Đội Hoàng Sa và đội Quế Hương đi Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc, dựng bia chủ quyền, lập miếu, đo đạc thuỷ trình, lập bản đồ…Đặc biệt vào thời vua Minh Mạng, với những Cai đội, Chánh thuỷ quân suất đội nổi tiếng như Chánh Thuỷ quân suất đội Phạm Văn Nguyên (1835), Chánh Thuỷ quân suất đội Phạm Hữu Nhật (1836), Chánh Thuỷ quân suất đội Phạm Văn Biện... Hoạt động của đội Hoàng Sa, thuỷ quân Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (Trường Sa) được đặt dưới sự chỉ đạo của trực tiếp của nhà nước phong kiến Việt Nam, từ thời các chúa Nguyễn sang nhà Tây Sơn và cả triều Nguyễn sau này.
Trước khi lên đường thực thi nhiệm vụ dài ngày trên biển, mỗi người lính trong đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa luôn mang theo bên mình các vật dụng cần thiết trong đó có thẻ bài khắc tên từng người cùng quê hương bản quán và những nẹp tre, dây mây để phòng khi ngã xuống thì đồng đội dùng những vật dụng này bó xác thả xuống biển để may mắn được dòng hải lưu đưa thi thể vào bờ.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa cũng nhằm làm cho linh hồn của những người đã hóa thân vào biển cả của quê hương được thanh tịnh, siêu thoát. Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, tất cả những chuyến đi Hoàng Sa, những tên tuổi nổi tiếng đã nêu trên đều được ghi trong các bộ chính sử của Nhà nước phong kiến như: Đại Nam thực lục, Đại Nam hội điển sự lệ, Quốc triều chính biên toát yếu, Đại Nam nhất thống chí… và có trong cả các bộ sách của các sử gia phong kiến Việt Nam, như Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Hoàng Việt địa dư chí, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Việt sử thông giám khảo lược của Nguyễn Thông…
Mới đây nhất dòng họ Đặng ở huyện đảo Lý Sơn đã hiến tặng cho Nhà nước bản gốc Sắc chỉ của Vua Minh Mạng phái một đội thuyền gồm 3 chiếc với 24 lính thủy ra canh giữ đảo Hoàng Sa vào ngày 15/4 năm Minh Mạng thứ 15, tức năm Giáp Ngọ (1834) là một minh chứng nữa cho thấy quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là biên cương, là chủ quyền bất khả xâm phạm từ hàng trăm năm trước của Việt Nam.
Là quê hương của đội Hoàng Sa, Thuỷ quân Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có có nhiều di tích lịch sử văn hoá gắn liền với đội Hoàng Sa, thuỷ quân Hoàng Sa, như tại vùng biển Sa Kỳ (huyện Sơn Tịnh) có Vườn Đồn (nơi tập kết binh phu), miếu Hoàng Sa (nơi tế tự trước khi xuống thuyền); tại huyện đảo Lý Sơn có: Âm linh tự (nơi phối thờ các binh phu Hoàng Sa), nhà thờ họ Võ (thờ các Cai đội Võ Văn Phú, Võ Văn Khiết), nhà thờ họ Phạm Quang (thờ Cai đội Phạm Quang Ảnh), nhà thờ họ Phạm Văn (thờ các Chánh thuỷ quân suất đội Phạm Hữu Nhật, Phạm Văn Nguyên, Phạm Văn Biện), nhà thờ họ Đặng (nơi lưu trữ báu vật quốc gia trong suốt 175 năm qua và đã hiến tặng cho Nhà nước vào tháng 4 năm 2009), hàng ngàn ngôi mộ gió…
Vừa qua, Khu di tích đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa đã được Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng, tôn tạo và đã đưa vào sử dụng, bao gồm: Đình làng An Vĩnh – Lý Sơn (nơi binh phu Hoàng Sa tế tự và được thờ phụng), Nhà lưu niệm đội Hoàng Sa và Tượng đài Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Các ngôi mộ của Phạm Quang Ảnh, Võ Văn Khiết, Nguyễn Quang Tám, Phạm Hữu Nhật, miếu Hoàng Sa cũng đã được trùng tu.
Tại Lý Sơn cũng như các vùng biển khác trong tỉnh Quảng Ngãi hằng năm còn tổ chức các loại hình văn hóa truyền thống mang đậm sắc thái biển đảo, thu hút hàng vạn người tham dự, như: Lễ hội đua thuyền (Lý Sơn, Bình Sơn, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ…), lễ cầu ngư Sa Huỳnh, hội hát sắc bùa, hội bài chòi (Đức Phổ, Mộ Đức, Tư Nghĩa…), và gần như hầu hết các xã ven biển đều có tổ chức lễ hội tế Cá Ông, hát bả trạo, múa gươm, các trò diễn dân gian như hội Dồi bòng, đua cà kheo, lắc thúng… Đặc biệt nhất là Lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa trên đất đảo Lý Sơn.
Chính vì vậy mới đây ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh đồng ý cho chủ trương tổ chức Festival Biển đảo Việt Nam tại tỉnh Quảng Ngãi.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ nhấn mạnh: Mục đích của Festival Biển đảo tại Quảng Ngãi là nhằm khai thác, phát huy các di sản văn hóa dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, phát triển kinh tế, khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên vùng biển Đông, đặc biệt trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, giáo dục ý thức chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc; tăng cường ý thức trách nhiệm bảo vệ, tôn tạo các di sản văn hóa vật thể lẫn phi vật thể với các thế hệ hôm nay và mai sau.
Với mỗi người dân Quảng Ngãi nói riêng và người dân nước Việt nói chung, biển là quê hương, máu thịt, là mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, là “Nơi trộn lẫn mặt trời muối mặn đời ta/ Tổ quốc kiên trì nhoài ra phía biển/ Ôm những quần đảo trong vòng tay thương mến/ Mắt dõi nhìn hút cánh hải âu bay” như lời của nhà thơ Thanh Thảo trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8 được tổ chức tại Quảng Ngãi mới đây.
Lễ hội này không chỉ mang ý nghĩa phục vụ công tác nghiên cứu văn hóa cộng đồng cư dân ven biển Việt Nam, du lịch mà còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, truyền thống gìn giữ và bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải của đất nước.
Du lịch, GO! - Theo Du lịch Việt Nam, Vokimngan.vnweblogs
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.