Chùa Bái Đính là tên ngôi chùa nằm trên núi Bái Đính ở Xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Chùa cách đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành 6km, cách thủ đô Hà Nội gần 100 km. 

Đây là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam với nhiều kỷ lục trong nước và khu vực Đông Nam Á.

Chùa Bái Đính là một công trình Phật giáo được xây dựng do một nhóm tư nhân và các quỹ hảo tâm và từ thiện đống góp. Nơi đây không chỉ là một khu chùa thờ Phật tổ, thờ thần núi và chúa thượng ngàn mà còn gắn với lễ tế cờ khi vua Quang Trung ra Thăng Long đại phá quân Thanh. Ngôi chùa được phát hiện do đức thánh Nguyễn Minh Không (1065 – 1141) là người đã biến các hang động thành chùa khi đến đây tìm cây thuốc chữa bệnh hoá hổ cho vua Lý Thần Tông.

< Cổng Tam quan.

Đây là công trình lớn nhất Việt Nam được xây dựng và dự kiến hoàn thành vào năm 2010  nhân kỷ niệm 1000 năm vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Trong lịch sử vùng đất Ninh Bình, từ thời nhà Đinh, nhà Tiền Lê đã rất quan tâm đến Phật giáo và cho xây dựng nhiều  ngôi chùa. Do đó việc xây dựng một ngôi chùa lớn nhất Việt Nam ở Ninh Bình có ý nghĩa rất lớn.

Chùa Bái Đính mới gồm các hạng mục chính: tam quan nội, hành lang La Hán, Tháp chuông, chùa Pháp chủ, Điện tam thế và khu chùa cũ.

Bước vào chùa là cổng tam quan, đây là lối kiến trúc thường thấy trong các ngôi chùa ở Việt Nam. Tam quan nội của chùa Bái Đính là công trình được xây dựng bằng gỗ tứ thiết, có 4 cột lớn nặng 10 tấn. Tam quan có 3 tầng mái uốn cong, lợp men Bát Tràng, màu nâu sẫm. Trong tam quan có 10 tượng hộ pháp lớn bằng đồng, trong đó nổi bật là 2 tượng lớn cao 5,5m, nặng 12 tấn.

Qua tam quan, dọc theo con đường vào tháp chuông là hành lang La Hán. Trong dày hàng lang đặt 500 vị La Hán bằng đá, mỗi tượng có một tư thế và hình dáng khác nhau, được đúc bằng đá nguyên khối to, mỗi tượng cao khoảng 2,4m, nặng khoảng 4 tấn do bàn tay các nghệ nhân làng đá xã Ninh Vân – Hoa Lư – Ninh Bình chế tác. Chùa Bái Đính là ngôi chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam.

Từ  hành lang La Hán là đến tháp chuông. Tháp có kiến trúc cổ, hình bát giác, cao 3 tầng, mái cong gồm 24 mái đao vút lên ở tám phía với các đầu đao. Trong tháp có treo một quả chuông năng 36 tấn được coi là quả chuông lớn nhất Việt Nam.

Điện pháp chủ uy nghiêm,  đồ sộ được xây dựng bằng bê tông cốt thép giả gỗ với 2 tầng mái cong có 8 mái ở 4 phía. Điện có 5 gian, gian giữa đặt một pho tượng lớn bằng đồng nguyên khối cao 10m, nặng 100 tấn. Pho tượng đã được công nhận “Pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất Việt Nam”. Trong điện treo 3 bức hoành phi và 3 cửa võng. Đây là bức hoành phi và cửa võng lớn nhất Việt Nam.

Tọa lạc trên ngọn đồi cao là Điện Tam Thế. Điện có 3 tầng mái cong với 12 mái ở 4 phía, cao 34m dài 59,1m, rộng 40m, diện tích trong nhà khoảng 3000m2. Bốn phía nền của điện Tam Thế đều xây các tường đá tam cấp theo độ dốc của đồi với nhiều bậc đá đi lên tạo một không gian rộng, nghiêm trang và linh thiêng khi bước lên Điện.

Trong điện Tam Thế đặt 3 pho tượng tam thế bằng đồng đại diện cho quá khứ, hiện tại và tương lai, mỗi tượng nặng 50 tấn. Đây là bộ tượng tam thế lớn nhất Việt Nam mới chi có ở chùa Bái Đính.

Đối lập với vẻ uy nghi, đồ sộ của khu chùa mới, từ Điện Tam Thế đi qua bên núi là chùa Bái Đính cũ vẫn tĩnh mịch, trầm mặc và hoang sơ. Bước đến bậc đá đến chùa cũ, du khách nhớ lại câu chuyện thiền sư Nguyễn Minh Không vào núi Bái Đính tìm thuốc chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông bị hóa hổ. Thiền sư đã phát hiện động Tối, động Sáng, Thung Thuốc trên núi nên đã biến động thành chùa thờ Phật. Bên động Tối, động Sáng gồm nhiều hang nhỏ thông nhau và trong động thờ Mẫu Thượng Ngàn.

Cách chùa Bái Đính không xa là hang động Tràng An. Từ khu du lịch tâm linh,  đi tiếp hành trình đến khu du lịch sinh thái sẽ thấy thư thái khi thả hồn mình trên dòng sông thơ mộng.  Tại đây, du khách ngồi trên thuyền, đi dạo một vòng quanh hang động sẽ như thấy mình lạc vào cõi tiên, bỏ lại những lo toan, vướng bận của cuộc sống thường ngày.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, Khu du lịch sinh thái Tràng An có khoảng hơn 310 loại thực vật bậc cao, nhiều loại rêu tảo và nấm. Trong đó, một số loài gỗ thuộc diện quý hiếm như: sưa, lát, nghiến cùng nhiều loài cây có giá trị cao được sử dụng làm thực phẩm, làm thuốc chữa bệnh như: hoài sơn, kim ngân, bách bộ, rau sắng, …  Ngoài ra, còn có khoảng 30 loài thú, hơn 50 loài chim, hàng chục loài bò sát, có một số loài thú quý hiếm như: sơn dương, báo gấm, chim phượng hoàng…

Tràng An có gần 50 hang động dài từ vài chục mét đến hàng trăm mét. Các hang động được nối với nhau bởi gần 30 thung, mỗi thung là một bức tranh thủy mặc. Các thung đều thông nhau bởi các động xuyên thủy khiến núi non gắn bó, làm nên một dáng vẻ sống động. Những nhũ đá lấp lánh, được tạo hóa khéo sắp đặt, muôn hình vạn trạng trên vách hang, tạo nên những kỳ quan sinh động, để du khách phát huy trí tưởng tượng đặt tên cho các nhũ đá.

Giống như những cái tên hang, động của Vịnh Hạ Long, Tràng An có những cái tên lạ mà khơi dậy chí tưởng tượng và sự tò mò của du khách như: hang Seo lớn, hang Si, hang Ao Trai, hang Sính, hang Nấu Rượu, hang Địa Linh, hang Ba Giọt, hang Sáng, hang Tối, thung Láng, thung Mây, thung Trần, thung Khống, núi Vua, núi Chúa, núi Ông Trạng... Với những dải đá vôi, thung lũng và hệ thống sông ngầm đan xen tạo một không gian huyền ảo,thơ mộng, sơn thủy hữu tình như níu kéo bước chân du khách trên mảnh đất này!

Đến thăm chùa Bái Đính, du khách không khỏi ngạc nhiên trước vẻ hùng vĩ của núi rừng, sự linh thiêng của đất Phật và sự kỳ vĩ của những tuyệt tác kiến trúc mà con người tạo dựng nên nơi đây.

Du lịch, GO! - Theo Lenduong, ảnh internet