Giữa chốn u tịch, bỗng ngẩn ngơ khi nghe tiếng chuông trầm ấm thong thả rơi vào không gian. Đó là tiếng chuông Hòa Bình cất lên từ đỉnh núi Ngũ Phong, nơi Trung tâm Văn hóa Huyền Trân tọa lạc.

Chuyện kể, vua Chiêm Thành Jaya Simhavarman III (Chế Mân) để cưới được Công chúa Huyền Trân đã đem hai châu Ô, Lý dâng lên vua Trần sính lễ. Vâng mệnh vua cha là Trần Nhân Tông và vua anh Trần Anh Tông, Huyền Trân đã gác tình riêng, gạt lệ xuống thuyền theo chồng, lập mối hòa hiếu và mở mang bờ cõi của đất nước về phương Nam. Đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế cũng được khai sinh từ đó, đến nay đã hơn 700 năm.

Để ghi nhớ công ơn của Công chúa, Triều đình nhà Nguyễn (1802 - 1945) đã lập miếu Đại Đế Vương ở làng Lịch Đợi, phường Đúc, TP Huế, thờ các vị khai quốc công thần, trong đó có Công chúa Huyền Trân. Tiếc là miếu thờ này ngày nay không còn.

Người dân và giới học giả, giới nghiên cứu vẫn hằng mong Huế sẽ có một công trình vọng niệm xứng tầm với công lao và sự hy sinh của Huyền Trân- người có thể xem là công dân đầu tiên, công dân số 1 của đất Thuận Hóa - Phú Xuân. Và đến đầu năm 2006, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân được khởi công xây dựng. Một năm sau đó, ngày 26.3.2007, công trình khánh thành nhân kỷ niệm tròn 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân.

Hằng năm, cứ vào mồng 9 tháng Giêng âm lịch, lễ hội Huyền Trân lại được tổ chức long trọng tại đây nhằm tri ân các bậc tiền nhân có công khai phá, mở đất.

Đền Huyền Trân công chúa nằm trong khuôn viên rộng khoảng 28ha, nằm dưới chân núi Ngũ Phong thuộc P.An Tây, TP. Huế. Địa hình khu đất thoai thoải, kéo dài từ chân núi lên đến đỉnh, có rừng thông xanh mướt, giữa bốn bề là đồi núi trùng điệp.

Đứng trên đỉnh núi nhìn xuống, du khách có thể thu vào tầm mắt một khoảng không gian bao la, sơn thủy hữu tình, phía xa xa là TP. Huế bên dòng sông Hương thơ mộng.
Theo con đường dẫn vào bên trong, trước mắt du khách là bốn trụ biểu vươn cao, tiếp đến là khoảng sân rất rộng. Lối đi được lát gạch Bát Tràng, hai bên có hồ nước trong xanh soi bóng và cầu bắc qua, tương tự như cầu Trung Đạo bắc qua hồ Thái Dịch trước điện Thái Hòa của Đại Nội Huế, trong cùng là đền thờ Huyền Trân công chúa. Tất cả đều nằm trên một trục thẳng, tạo nên khoảng không gian thoáng đãng, không kém phần thâm nghiêm.

Bên trong điện thờ là pho tượng công chúa Huyền Trân ngồi trên ngai với khuôn mặt phúc hậu, dáng vẻ uy nghiêm. Tượng cao 2,37m, được đúc bằng đồng nguyên chất do các nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng của phường Đúc, TP. Huế thực hiện. Đỉnh nhang trước cửa đền luôn nghi ngút khói hương của du khách thập phương. Gió sớm mai thổi nhẹ mang theo hương trầm thoang thoảng khắp không gian ngôi đền, ướp vào cây cỏ, tạo cho du khách cảm giác lâng lâng, bình yên.

Khuôn viên phía sau điện thờ là lầu bát giác dựng tượng ni sư Hương Tràng (pháp danh của Huyền Trân công chúa sau khi xuất gia tu hành). Khuôn mặt hiền từ của bà như ánh lên một nỗi buồn man mác, trầm tư trước thế thái nhân tình, giống như điệu Nam Bình của khúc Nước non ngàn dặm, tương truyền là do Huyền Trân viết lúc nàng rời quê hương đi làm dâu xứ người:

Nước non ngàn dặm ra đi…
Mối tình chi!
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô, Lý
Xót thay vì,
Đương độ xuân thì…
Thắng cảnh tâm linh
Tiếp sau đền thờ Huyền Trân là đền thờ vua Trần Nhân Tông, người có công lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, là vị tổ của thiền phái Trúc Lâm. Ở đây có bức tượng thờ vua Trần Nhân Tông bằng đồng đỏ nguyên chất, cao 3m, nặng hai tấn, được đúc theo phiên bản lấy từ đền thờ các vua Trần cùng nhiều bức hoành phi, câu đối ca ngợi công đức vua Trần Nhân Tông. Trước ngôi đền uy nghi là đôi rồng chầu đạt kỷ lục dài nhất Việt Nam.
Phía bên trái đền thờ Huyền Trân là một pho tượng Di Lặc ngồi, hình nhân phúc hậu, khuôn mặt tươi vui, nụ cười mãn nguyện. Tượng Di Lặc như một điểm dừng để du khách tịnh tâm nguyện cầu sự an lành, thịnh vượng trước khi tiếp tục khám phá đỉnh núi.
Đi thêm 246 bậc theo con đường ngoằn ngoèo giữa những hàng thông xanh được trồng thẳng tắp, tôi đặt chân lên đỉnh núi Ngũ Phong, nằm ở độ cao 108m so với mực nước biển. Giữa đỉnh núi cao, tháp chuông Hòa Bình in vẻ trầm mặc giữa nền trời xanh. Tháp chuông này cao 7m, mái hình lục giác, bên trong treo một quả chuông nặng 1,6 tấn, cao 2,16m, cũng do các nghệ nhân phường Đúc thực hiện. Thân chuông có khắc các hình ảnh tượng trưng của bốn chùa: Giác Lâm (TP.HCM), Thiên Mụ (Huế), Diên Hựu (Hà Nội) và chùa Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh). Phần dưới cùng gần miệng chuông, chạm hình rồng mây ẩn hiện.

Giữa chốn núi rừng u tịch, tiếng chuông thong thả vang lên, lan tỏa trong không gian tĩnh lặng như tờ, mang theo lời nguyện lành như tám chữ được khắc trên mặt chuông: “Thế giới - Hòa bình - Nhân loại - Hạnh phúc”…

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ DulichHue, Phunu Online