Đỉnh Phan-xi-păng (Fanxipan) nằm trên dãy núi Hoàng Liên Sơn (thuộc tỉnh Lào Cai), cao 3.143m so với mực nước biển còn được gọi là nóc nhà Đông Dương. Phan-xi-păng thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn, cách thị trấn Sa Pa 9km về phía tây nam. Theo tiếng địa phương, núi tên là “Hủa Xi Pan” và có nghĩa là phiến đá khổng lồ chênh vênh.

Đây là nơi mà dân mê phượt nào cũng thích trèo lên tận đỉnh chót vót cho dù phải vượt qua bao hiểm nguy khó nhọc và cũng chẳng phải ai cũng có thể tiếp cận, nhận lấy được nổi hiểm nguy cùng sự thành công đó.

Trước đây, leo Phan-xi-păng mất khoảng 5-6 ngày, giờ thì không cần phải tốn nhiều thời gian đến thế. Chinh phục đỉnh Fan (dân du lịch thường gọi thế), cảm giác được chạm tay vào cái chóp bằng inox trên đỉnh núi cao nhất Đông Dương vẫn làm cho con tim những kẻ mê du lịch mạo hiểm đập loạn nhịp.

Vậy nhưng không nói chuyện bây giờ mà nói chuyện ngày xưa, thời trước và sau năm 2 ngàn chẳn... thì đường chinh phục vẫn còn khó đi lắm. Đặc biệt hơn là chuyện trùm phượt HoangbQuang, có thể gọi ông này là Fan siêu quái vì lời hứa sẽ leo Fan đủ 9 lần! Tính đến thời điểm năm 2007 thì lão quái nhà ta đã thực hiện được lần 5!

Bài tổng hợp này chắt lọc từ nhiều nguồn trên mạng, dĩ nhiên dữ liệu chính vẫn từ Blog HoangbQuang nhưng do bác này lâu ngày không cập nhật, hình ảnh của blog thuộc hàng... hiếm lại chết sạch nên mình phải tìm nguồn ảnh thay thế khá mất công nhưng cũng thật chưa đã. Các bạn thông cảm vậy.
.
HoangbQuang: Câu chuyện tớ muốn kể lần này chính là kỷ niệm của 5 lần leo lên đỉnh núi Fanxipan, nóc nhà cao nhất bán đảo Đông Dương. Nói thật, cái “chiến tích” leo lên đỉnh Fanxipan 5 lần của tớ chả ăn thua gì so với chuyện vừa rồi các bạn trẻ ở Sài Gòn đã leo lên đỉnh Everest, không những thế, hình như các bạn ấy cũng đã leo lên đâu là 3 đỉnh cao nhất các khu vực như: Châu Phi, Asean và Nam Mỹ thì phải… trước khi hoàn thành sứ mệnh mà cả dân tộc Việt giao phó: Đó là leo lên Everest, cắm lá cờ tổ quốc để quốc kỳ Việt Nam được tung bay cùng với quốc kỳ của các cường quốc năm châu ….

Nhưng so với một “lão già” tuổi thuộc dạng 6X, việc hoàn thành sứ mệnh lịch sử của bản thân tớ giao phó cho bản thân tớ là phải chinh phục Fanxipan 9 lần trong cuộc đời thì quả thật là cũng gian nan chẳng kém gì leo lên Everest… Nhất là khi leo lên đỉnh lần đầu tiên.

Câu chuyện 5 lần leo lên đỉnh Fanxipan của tớ được bắt đầu từ khúc giữa. Từ lần thứ 3. Tháng 01 năm 2004. Lần leo ấy là câu chuyện đáng nhớ nhất trong 5 lần lên tới đỉnh ngọn núi 3143m … Sau đó chúng ta sẽ trở lại từ khúc ban đầu, cái thủa leo Fanxipan mà dò dẫm vừa đi vừa phát đường, leo 5 ngày mới lên tới đỉnh ….

LEO PHANXINPAN LẦN 3
(Bài này đã được đăng trên tạp chí ĐẸP số tháng 05/2009)

LÊN ĐƯỜNG và LÊN ĐỈNH FANXIPAN

Cuối năm 2004, sau gần 18 tháng lăn lộn với công việc ở Công ty, quá mệt mỏi và đối diện mối nguy có thể bị strees nặng, tôi quyết định tạm nghỉ công việc một thời gian. Lâu rồi, tôi vẫn dự định khi nào rảnh sẽ tự lái xe đi dã ngoại một chuyến vòng quanh Tây Bắc thử cái cảm giác vượt đèo dốc và xem tay lái của mình thế nào.

Một ngày giữa đông, tôi cố gắng thuyết phục cô bạn gái tên H cùng tham gia chuyến đi và chúng tôi lên đường rời Hà Nội lúc 22h sau khi ngồi uống Cafe và ngắm đêm mùa đông trên Hồ Tây. Hành trình của chúng tôi là một vòng tròn khép kín Hà Nội - Sa Pa - Lai Châu - Sơn La - Hoà Bình - Hà Nội. Trong chuyến đi này, chúng tôi đã có những giây phút không bao giờ quên khi chứng kiến vẻ đẹp hùng vĩ , sức mạnh của thiên nhiên, những giây phút khám phá kỳ thú và những kỷ niệm thật tuyệt vời của tình người.

Bạn chinh phục Fanxipan lần nào chưa? Thích nhất là được khắc tên mình trên độ cao 3143 m nóc nhà của Bán đảo Đông Dương !? Bạn hãy đến với nó đi, dù chỉ 1 lần nhưng bạn sẽ thấy mình thật sự lớn lên, bản lĩnh lên, tự tin, kiêu hãnh lên nhiều đấy.

Tôi lên Fanxipan lần đầu tiên năm 1998, lần đó đoàn chúng tôi có 5 người, gồm ba khách, 1 guide và 1 porter. Những năm ấy đường lên Fanxipan còn rất khó đi, hoang vu...Chúng tôi leo bằng đường Cát Cát... Tôi nói H phải chuẩn bị tinh thần để có dũng khí vượt chướng ngại vật từ lúc ông bạn đi nhờ xe ô tô tại Phố Ràng (Lao Cai) trong đêm lên Sa Pa, kể cho cô ấy nghe sự nguy hiểm của con đường leo núi này. Tôi dám chắc rằng bạn cũng sẽ toát mồ hôi, ngần ngại, chùn chân khi đối diện nó như chúng tôi thôi!

Nhìn từ Sa Pa chỉ thấy những đỉnh cao 1900 m hoặc 2400 m trong những ngày trời nắng đẹp còn Fanxipan, bạn sẽ chỉ thấy nó thoáng ẩn thoáng hiện trong những cuộn mây trắng và sương mù khi đứng ở đỉnh đèo Mây tại độ cao 1945 m. Bạn là đàn ông và đi một mình? Hãy chọn cho mình tour 2 ngày. Nếu bạn có bạn gái để muốn trao nhau một nụ hôn nồng cháy trên cái đỉnh cao nhất Đông Dương tận hưởng cảm giác của kẻ chiến thắng mà dưới chân bạn rợp trời những ngọn núi nhấp nhô, mây cuồn cuộn trôi? Bạn hãy chọn tour 3 ngày 2 đêm.

Chúng tôi chọn hành trình 3 ngày 2 đêm cùng với 3 người bạn nước ngoài. Ms Serena chuyên viên IT tại Học viện MIT Hoa Kỳ , Alex và Shapova cặp sinh viên người CH Czech. Hướng dẫn viên là Kiên, một anh bạn 25 tuổi nhưng đã có thâm niên 2 năm rưỡi làm Guide leo Fanxipan. Khuân vác cho cả đoàn là 2 bạn trẻ người Hơ Mong tên Thầu và Dính. Khi rời khách sạn tới văn phòng du lịch nơi đặt tour để lên đường, ông chủ khách sạn nơi chúng tôi ở còn dặn phải cẩn thận vì truyền hình thông báo thời tiết sẽ có thay đổi trong những ngày tới.

Chúng tôi tập trung đầy đủ thành viên dưới chân đèo Ô Quy Hồ vì phải đón Kiên. Buổi sáng, trời lạnh cắt da thịt, chúng tôi lên Fanxipan với tâm trạng rất phấn chấn bởi cảm giác may mắn, hôm đó thời tiết có vẻ thuận lợi. Độ lạnh là 15, trời quang đãng không có nhiều mây, không khí hơi ẩm ướt. 8h30' chúng tôi tới đỉnh đèo Mây (Trạm Tôn), điểm bắt đầu của tuyến leo núi này là Trạm Kiểm lâm ở độ cao 1945 m.

Trước khi lên đường, Kiên dặn cả đoàn phải thật cẩn thận với loại rắn xanh sống trên cây, chúng có thể lẫn vào những đám lá mà ta không thể nhìn rõ chúng được. Bọn rắn này rất độc. Ban đêm chúng nhanh nhẹn bao nhiêu thì ban ngày chúng hoàn toàn như người mù nằm trên cây, vô tình bạn chạm phải là sẽ bị cắn ngay lập tức, bạn phải đối diện với một sự nguy hiểm tính mạng không thể biết trước sẽ ra sao khi ở giữa rừng.

Vượt qua hàng chục quả đồi, khe sâu, những dốc thoai thoải và ngạc nhiên trước những sườn núi trồng toàn cây thảo quả của người Hơ Mong, hoa đã bắt đầu đổ rực, Chúng tôi đi qua vạt rừng cháy mà vết tích còn sót là những thân cây 2 người ôm, đen sì trơ trọi giữa bạt ngàn bụi tre vàng lúp xúp. 11h45"39'; trưa, bắt đầu thở dốc. Kiên nói: chưa ăn thua gì đâu, đường còn xa lắm ! Chúng tôi nghỉ trưa bên cạnh một khe nước, trong tiếng rì rào của rừng đại ngàn, tiếng chim hót và thỉnh thoảng đâu đó tiếng kêu lảnh lót của một con vượn...

Thử thách tinh thần bắt đầu khi tiếp tục leo vào buổi chiều. Những con dốc dựng đứng trơn trượt, đường mòn ngoắt nghéo chui qua những tán lá ướt đẫm sương chưa tan. Chúng tôi phải cố gắng trèo qua những thân cây to lớn mục nát đổ nghiêng chắn lối đi. Bất ngờ Serena hét lên, theo hướng tay cô ấy chỉ chúng tôi thấy một con rắn xám to lớn đang phun phì phì và lẩn vội vào đám lá rừng vàng úa.

Đồng hồ chỉ 16h 45''39';, càng vào sâu, rừng âm u và hơi buốt lạnh của sương len lỏi qua vạt áo đẫm mồ hôi, lúc này để nhận biết đường mòn chỉ bằng những vết băm, những mảnh nilon màu xanh đỏ đánh dấu trên thân cây của những người lên Fanxipan trước chúng tôi. Và rồi tôi nghe thấy tiếng rì rầm của suối và thác nước.

Trước mắt là một con suối hùng vĩ nước chảy ầm ầm trắng xoá len lỏi qua những tảng đá phủ đầy rêu. Tôi và cả đoàn thở phào khi nghe Kiên thông báo đã chuẩn bị tới chỗ nghỉ qua đêm. Một cái lán dựng tạm trên đám đất bằng phẳng bên kia suối làm nơi nấu ăn, còn các thành viên sẽ có lều bạt cá nhân. Chúng tôi ghi lại khoảnh khắc vượt qua chặng thứ nhất của hành trình ở khúc suối trên độ cao 2270 m và tận hưởng cảm giác buốt lạnh của chân trần dưới làn nước trong vắt.

Đêm rừng đại ngàn bao phủ bởi một màu đen thâm u và chìm lẫn trong tiếng nước chảy ầm ầm, tiếng gió hú ào ạt là tiếng nghiến vặn mình răng rắc.. kẽo kẹt của những thân cây, tiếng chân thú ăn đêm, tiếng côn trùng rỉ rả như một bản hoà tấu hoang dã cực kỳ ấn tượng. Hai đứa tôi thắp một ngọn nến trong lều bạt ấm cúng ngồi im lặng bên nhau, và lắng nghe..rồi cuộn tròn trong túi ngủ chìm trong giấc nồng.

Sáng sớm, rừng bảng lảng màn sương mờ trắng muốt, nhưng im ắng lạ thường, chỉ tiếng thác nước vẫn ầm ầm vang. Sau bữa điểm tâm và một thoáng ngại ngần khi nghe ông bạn guide thông báo sự nguy hiểm của chặng thứ 2, cả đoàn phải bỏ lại tất cả những vật nặng cá nhân để 2 người khuân vác ở lại trông coi, mang theo máy ảnh, điện thoại di động và nước uống, chúng tôi lên đường.

Thử thách đầu tiên là một cái dốc thẳng đứng lởm chởm đá tai mèo. Nó cao khoảng 60m bên cạnh một thác nước nhỏ, Tôi phải bám vào từng gờ đá trơn trượt đầy rêu, bụng nghĩ cẩn thận đấy nhé! Tôi lay thử và ướm độ chắc vì Kiên kể đã có người nặng quá và chủ quan nên đã ...rơi thoải mái xuống cái vực hun hút ầm ầm nước chảy dưới kia. Tôi quay lên nói với cô bạn: Em đừng nhìn xuống..chóng mặt đấy. Cố gắng lên... Mất khoảng 20"39'; trong trạng thái lo ngại. Qua rồi, thở hổn hển... nhưng đẹp quá kìa! Trước mắt là trập trùng những ngọn núi xanh rì nhấp nhô thoáng ẩn thoáng hiện trong biển mây trập trùng... Đường vòng vèo chui qua những cội rễ cổ thụ, ngoắt nghéo như bầy rắn. Rừng ở cao độ này chỉ mọc cây lá tròn, thân vừa phải, ít cây lớn. Xa xa có những đám rừng chỉ toàn thông, loại thông Sapa đặc hữu.

Vượt qua cao độ 2700 m khi đã nghỉ 15"39;trên ngọn một quả núi, nhìn thẳng xuống dưới thấy mây trùng trùng điệp điệp dưới chân mình, cảm giác như đứng trên cổng trời. Đón chúng tôi ở chặng tiếp theo là vài đoạn dốc ngược, rêu đá trơn khủng khiếp. Phải leo và bám vào rễ cây, vào thân tre nhích từng bước một. Bắt đầu thấy chân mình chùn lại, run lẩy bẩy...
Kiên kể rằng nhiều người đã phải dừng lại ở cao độ 2900 m. Ở đoạn này thực sự đáng ngại thật. Tôi thấy mình chênh vênh bên sườn núi, xung quanh khoảng trống hun hút không thấy đáy, bên kia là vách thẳng đứng như vết chém khổng lồ của ngọn núi 2986 m có cái đỉnh tròn ủng rất hùng vĩ. Trước mặt là một bức tường đá cao ngất lòng thòng đoạn dây nilon để chúng tôi bám theo đó leo lên. Đây là đoạn nguy hiểm nhất. Cảm giác sẽ rơi từ trên độ cao 2900 m xuống làm cô bạn tôi bắt đầu run sợ và định đầu hàng, nhưng rồi được động viên và tôi bắt buộc phải hù doạ bằng cách đưa ra lý do có thú dữ, nếu ở lại một mình rất nguy hiểm nên hành trình mới lại tiếp tục.

Bạn nghĩ gì khi đó? Đừng sợ hãi! Hãy chú ý bám chắc và cẩn thận. Hãy để người đi trước leo lên xong đã. Đừng vội vàng. Nào! đặt chân lên gờ đá đầu tiên. Hít một hơi thật sâu, thật căng lồng ngực và leo một mạch.... cố gắng đừng nghỉ giữa chừng, đừng nhìn ra xung quanh, đừng nhìn xuống dưới....nhé! Bởi nếu bạn nhìn xuống dưới, lập tức bạn sẽ bị ngợp bởi độ sâu và có thể bạn sẽ sợ hãi và bủn rủn mà buông tay...Bạn sẽ ra sao khi rơi từ trên độ cao 2900 m xuống độ cao 2700 m?

Vượt qua đoạn này, chúng tôi đã thành công tới 3/4 chặng đường. Đồng hồ chỉ 10h55''39';. Mặt trời hiện ra chói loà, bầu trời xanh ngắt. Dưới chân là biển mây trôi lừng lững, trước mặt là nhấp nhô những đỉnh núi cao trên 2000 m như những mỏm đá khổng lồ. Tôi có cảm giác là mình đang dùng phép cân đẩu vân trong Tây du ký. Thoáng một lúc rồi tất cả lại chìm trong màn mây mù, H kêu lên em cảm thấy như sờ được và mây đang len lỏi qua từng ngón tay ... Rừng ở độ cao này hoàn toàn là loại cây giống cây sậy, những bụi thấp lè tè, những vạt hoa nở trắng, đường rất trơn vì sỏi cấp phối làm chúng tôi rất khó khăn khi leo. Vượt cao độ 3000 m cả đoàn đã tới chân của Fanxipan.

Thật lạ! Dưới chân đỉnh Fanxipan là khu rừng trúc, thân cây to tròn vàng óng cao đều khoảng 2,5m , chúng rụng lá và mủn ra tạo thành lớp bùn xốp ẩm ướt mềm mại dầy cả gang tay. Lúc này chúng tôi đã rất mệt ! chân run lập cập, cảm thấy ngực đau nhói vì không khí loãng, miệng khát khô và mồ hôi ướt đẫm áo... Serena thốt lên: Chúa ơi.... Chúng tôi cố gắng bám vào thân trúc và leo. Leo bên cạnh tôi Alex thở hổn hển nhưng vẫn thì thầm : Bạn còn cách “thiên đường” có 143 m nữa thôi đấy!

Đồng hồ chỉ 12h25"39; trưa, khi cảm thấy không thể tiếp tục, không thể đi nổi, thật sự muốn ngừng lại...thì kìa! Cái chóp nhọn hợp kim nhuốm màu thời gian xám xịt, cái vật ngày xưa người Pháp đặt lần đầu tiên đánh dấu cuộc chinh phục, đánh dấu đỉnh 3143 m cao nhất bán đảo Đông Dương hiện ra trước mắt. Xung quanh là thảm hoa rừng trắng và đỏ như một vòng nguyệt quế đón chào. Thật hạnh phúc! Chúng tôi đã tới đích.

Một sự tình cờ thú vị khi tới đỉnh Fanxipan chúng tôi gặp tốp 4 người gồm 2 người Korea và 2 người Việt Nam lên đỉnh trước chúng tôi gần 1 tiếng, họ nghỉ đêm ở độ cao 2700 m và họ sẽ tiếp tục cuộc hành trình bằng một lối về phía sau đỉnh Fanxipan. Lối đi đó xuyên rừng đại ngàn trong dãy Hoàng Liên xuống Than Uyên và họ sẽ về Sa Pa sau chúng tôi khoảng 4 ngày.

Trên đỉnh Fanxipan hôm ấy trời nắng đẹp, sóng mobile (nhưng chỉ Mobifone và Vinafone, còn Viettel, S.Fone chưa phủ sóng tới nơi) đủ để chúng tôi liên lạc với người thân thông báo đang ở độ cao 3143 m. Ăn trưa và chụp ảnh. Lúc này trời trong xanh, không khí lạnh hơn, nhiệt độ thay đổi tuỳ lúc nhưng Kiên bảo rằng chưa bao giờ lên cao hơn 15 độ.

Nếu bạn lên Fanxipang vào dịp Sa Pa trời đẹp và khô ráo, lạnh 8 đến 10 độ, bạn có thể may mắn gặp băng tuyết trên đỉnh và chứng kiến cảnh tượng tuyết rơi giữa rừng nhiệt đới đẹp kỳ vĩ. Chúng tôi xuống núi lúc 14h05"39'. Và khi ấy không ai có thể ngờ rằng chỉ một lát nữa thôi sẽ có một thành viên trong đoàn phải gặp một biến cố thật kinh hoàng...
Anh ta rơi xuống núi và mất tích!

Còn tiếp

Năm lần leo Phan-xi-păng (Fanxipan) - Phần 1
Năm lần leo Phan-xi-păng (Fanxipan) - Phần 2
Năm lần leo Phan-xi-păng (Fanxipan) - Phần 3

Du lịch, GO! - Theo blog HoangbQuang