Đầm Chuồn không xa lắm, bởi chỉ mười cây số đi xe máy từ trung tâm thành phố Huế là đến nơi. Trên đường đi, tiện thể ghé qua làng Chuồn (xã Phú An, Phú Vang, Huế) đong vài xị “đệ nhất danh tửu”, chọn một vài đòn bánh tét đặc sản lúc nào cũng có ở chợ làng này.
Ra đến bến đò Đồng Miệu, mấy anh bạn lái thuyền cặp đôi hai chiếc ghe nan, đủ chỗ cho tám người, gắn máy đuôi tôm hẵn hòi. Khuôn mặt khách háo hức, bởi trừ hai anh bạn thuyền “thổ địa”, những người còn lại đều lần đầu được rong chơi giữa vùng đầm phá bao la này.
Con thuyền phăng phăng lướt sóng. Anh bạn lái thuyền khéo léo điều khiển thuyền luồn lách giữa đám “nò” sáo ken dày như bàn cờ trên mặt phá, lúc rẽ phải, lúc rẽ trái, chuyển hướng điệu nghệ như một tay lái “lụa” điều khiển xe hơi giữa thành phố đông đúc với nhiều ngã ba, ngã tư.
Nửa giờ sau, thuyền đến nơi và cặp vào một nhà “chồ” (nhà tạm trên sông). Hai ông thổ địa bảo, việc đầu tiên thú vị nhất là đi giở nò (đổ nò).
Chiếc nò hình trụ, được làm bằng tre đan, đặt ở đầu chóp hình chữ V của các tấm sáo trên mặt phá với độ sâu chừng hai mét. Anh bạn thuyền khỏe mạnh, bặm môi kéo nò lên, tôm cá thi nhau quẫy đạp. Mọi người háo hức, lăng xăng chuẩn bị cho bữa tiệc đầy hứa hẹn.
Rượu làng Chuồn được rót ra, mùi ngất ngây của loại “đệ nhất danh tửu” này quyện với mùi cá tươi thoang thoảng hình như đã kích thích bụng dạ mọi người đói cồn cào. Vừa nhấm nháp thưởng thức, vừa xuýt xoa khen ngon, anh bạn quả quyết rằng, ăn con cá trên suốt dọc chiều dài đất nước, không ở đâu ngon bằng cá trên phá Tam Giang, bởi nó có mùi... đầm phá. Một anh khác giải thích thêm, đó là nhờ mùi rong tảo đặc trưng, chỉ có ở vùng nước lợ... Mùi của biển, mùi rong tảo đầm phá vừa quen vừa lạ, phảng phất đâu đây. Đêm khuya, nước trời lồng lộng, không còn xác định được phương hướng nữa.
“Trăng lên!”. Ai đó reo. Mảnh trăng thượng tuần được mắc sẵn trên bầu trời, ánh bạc lấp lóa trên mặt nước. Phong cảnh đẹp lạ lùng. Không khí loãng ra. Mấy xị rượu và bánh tét làng Chuồn đã đưa mọi người vào trạng thái lâng lâng rồi nhanh chóng rơi vào giấc ngủ sâu.
Gió biển mơn man nhè nhẹ, mang theo cảm giác se lạnh, tưởng chừng như mùa hè oi bức đã rời xa. Giữa vùng đầm phá mênh mông bốn bề sóng nước, đêm trên nhà chồ thoáng mát, hư ảo trong một khung cảnh khá lạ lùng, bỗng quên mùa hè hanh hao miền Trung.
Người Huế gọi đêm ngủ nhà chồ trên phá Tam Giang là đi ngủ “khách sạn nghìn sao”. Ranh giới giữa trời và nước không còn. Chỉ tiếng sóng vỗ về mạn thuyền nghe rì rào, và thi thoảng có tiếng quẫy của con cá hanh, cá kình. Tam Giang nay đã hòa vào dòng chảy của đời người...
Theo Dulichtuoitre
2 Comments
Đến đầm Chuồn đi tủ, ăn bánh xèo... cá kình
Trả lờiXóaKhi thực hiện ký sự “Dọc miền sóng nước”, chúng tôi có dịp lênh đênh trên nhiều vùng thuộc hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, nhưng có lẽ không có nơi đâu mật độ nò sáo dày đặc như ở đầm Chuồn. Chợt nghĩ đến tư duy quản lý, khai thác tài nguyên thiên nhiên đầm phá của cả chính quyền và người dân.
Tài nguyên thiên nhiên không bao giờ là vô tận, dù rằng ở một thời điểm nào đó nó có phong phú đến nhường nào. Sống dựa vào thiên nhiên nhưng nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt thì những gì diễn ra là điều có thể nhận biết trước. Trước khi thuê thuyền ra đầm phá, chúng tôi ghé vào thưởng thức một ít đặc sản làng Chuồn: “Bánh xèo cá kình”. Những quán bánh nhỏ nằm rải rác khắp làng; có vẻ như ai cũng muốn tìm kiếm một cơ hội mưu sinh trong một điều kiện quá chật hẹp.
Nhân đây cũng xin cung cấp cho các bạn vài thông tin về món đặc sản trứ danh này của làng Chuồn. Vào buổi sáng, cá từ đầm phá được đưa vào còn tươi nguyên. 5 loại cá nổi tiếng thơm ngon của đầm phá là cá ong, cá dìa, cá mú, cá nâu, và cá kình. Thịt cá dai, thơm, ngọt. Phần lớn người ăn bánh xèo cá kình làng Chuồn là tự mình mua cá, mua tôm. Cũng có thể họ không phải mua mà tự tay mình đánh bắt được từ đầm phá, rồi đem đến các quầy bánh xèo nhờ đổ bánh. Những quầy bán bánh xèo chỉ có nguyên liệu là bột. Tiền thu được là tiền công đổ bánh.
Trên đầm Chuồn có nhiều chiếc thuyền ngư dân dùng để ở như những ngôi nhà di động, mặc dù sau công cuộc định cư cho người dân thủy diện, họ đã có chỗ ở trên bờ. Có những quầy tạp hoá nổi giữa đầm phá mà ghe thuyền cũng vào ra tấp nập.
Vào khoảng 9 giờ sáng, trên một hàng tạp hoá nổi trên đầm Chuồn, chúng tôi gặp ba chàng thanh niên ngồi lai rai. Chuyện trò, họ cho biết, do đi làm cả đêm, bây giờ là lúc rảnh rỗi gặp nhau, có mấy con hàu làm mồi nên lai rai mấy chai. Họ là những người hiếu khách.
Suốt chiều dài hình thành và phát triển, đầm phá đã sản sinh ra rất nhiều nghề. Có những nghề đánh bắt thuỷ sản hết sức độc đáo mà không có chuyến đi này chúng tôi không bao giờ hình dung được. Đây là những nghề, chỉ có những người sống lâu năm gắn bó với đầm phá, biết được đặc tính của từng loài mới đánh bắt được.
Sự độc đáo và thú vị của nghề cào lươn, nghề đi tủ đã kéo chúng tôi cả một ngày lênh đênh theo những ngư dân. Nghề cào lươn, đã và đang là kế sinh nhai của khoảng 4 hộ gia đình trên đầm Chuồn. Sở dĩ ít người làm nghề này là bởi không phải ai cũng hành nghề được. Làm nghề phải có kinh nghiệm, hiểu cặn kẽ môi trường sống, đặc tính của con lươn, nên có thể nói đây là nghề cha truyền con nối.
Trả lờiXóaLươn là loài sống được cả trong môi trường nước ngọt và lợ. Chúng sống trong các hang ngách, dưới các lớp đất bùn với độ sâu khoảng 10 đến 20cm. Nắm bắt được những đặc tính trên, những cư dân của vùng sông nước, với trí thông minh và tài sáng tạo của mình đã khai sinh ra cái nghề cào lươn.
Chỉ với một cán tre dài khoảng từ 2 đến 2,5m dùng để làm cán của cây cào cộng với một lưỡi cào bằng kim loại là đủ để tạo ra vật dụng chính tiến hành nghề cào lươn. Chỉ cần có thế, một cư dân với một cây cào trong tay đã không chỉ nuôi sống biết bao thế hệ người dân miền sông nước, hơn thế nữa nó còn là nguồn cội khai sinh và làm phong phú thêm cẩm nang ẩm thực với những món ăn khoái khẩu mang dấu ấn đặc trưng của vùng miền sông nước đầm phá.
Chiếc thuyền mỏng manh tiếp tục rẽ nước đưa chúng tôi về vùng đầm phá ở các xã Phú Thuận, Phú Hải. Ngày hôm ấy, duy nhất chỉ có một chiếc thuyền làm nghề đi tủ mà chúng tôi bắt gặp sau khoảng 2 tiếng đồng hồ tìm kiếm. Cái nghề này cũng rất lạ. Dụng cụ chỉ là một tấm lưới nhỏ có chức năng như một cái đó đặt ở một nơi cố định. Và một dụng cụ khác để bủa cá là một dây thừng to và dài. Dụng cụ này chỉ để đánh được duy nhất loài cá bống.
Với đặc tính cá bống sống và di chuyển ở tầng đáy, khi đặt lưới xong, chiếc thuyền bắt đầu chạy một hình vòng cung, vừa chạy vừa thả dây. Cứ thế, chiếc dây thả sát đáy khép dần. Cá bống thấy sự nguy hiểm cố chạy để tránh chiếc dây. Chúng không ngờ chiếc lưới đặt sẵn để đợi chúng còn nguy hiểm hơn gấp ngàn lần. Một mẻ đánh như thế kéo dài khoảng 30 phút. Mỗi ngày, ngư dân đánh khoảng mười mấy mẻ tùy theo sức lực của mình. Khó nhọc nhưng họ cũng đủ sống.
Sự mênh mông của đầm phá đã tạo nên một đời sống riêng có của mình. Muôn hình muôn vẻ và cực kỳ sinh động. Gắn mình với lênh đênh sóng nước, chúng tôi có cảm giác mọi việc đối với người dân đều trở nên đơn giản. Đơn giản đến độ khoán đạt. Có lẽ ít có bộ phận dân cư nào có phẩm chất này.
Theo Lê Phương (Thừa Thiên-Huế Online)
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.