“Phượt” chưa có trong từ điển tiếng Việt nhưng đã phổ biến đến độ không cần ngoặc kép để chỉ du lịch “bụi”. Nhưng ít ai biết Vũ Anh, chủ nhãn hiệu thời trang Ivy Mode và tác giả của tập truyện ngắn Me Tây được dân phượt rất mến mộ, lại là người khai sinh chữ “phượt”.

Sau đó, từ “phượt” trở thành một từ lóng quen thuộc đến nỗi trong các quán cà phê, các giảng đường ĐH, trên đường phố... đều có thể dễ dàng nghe thấy mọi người trò chuyện với nhau: “Dạo này rỗi chứ, đi ‘phượt’ không?”. Chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng anh về phượt:

- Đọc văn anh, có vẻ anh “ham chơi”: săn bắn, phượt bằng ô tô, trong truyện lại thấy rất nhiều bạn gái. Vậy giữa súng, xe hơi, phụ nữ, anh ưu tiên gì nhất?
Cả ba sở thích anh vừa nêu ra là đam mê của tất cả đàn ông chúng ta. Nhưng tại sao anh lại không thêm yếu tố kiếm tiền vào đây nhỉ? Có tiền mới hiện thực hóa được sở thích chứ.

- Có chiếc xe nào mang lại xúc cảm mãnh liệt cho anh như… các cô gái?
Tôi chưa ngồi vào lòng cô gái nào mà có cảm giác như lái xe anh ạ. Các cô gái thì cần chúng ta che chở, chúng ta có khi lại cần chiếc ô tô che chở. Anh có khi nào cảm giác mình được che chở khi ngồi trên chiếc xe của mình lần nào không? Cho nên tôi cho rằng không so sánh được.

- Vậy lý do gì anh chọn Toyota Fortuner? Đã bao giờ anh thất vọng với chiếc xế này khi phượt?
Có khá nhiều xe việt dã đẳng cấp cao hơn nhưng đáng tiếc nó lại không phù hợp. Xe càng hiện đại, càng đỏng đảnh và hay hỏng vặt. Phù hợp là lý do duy nhất tôi chọn Toyota Fortuner. Phù hợp về tính năng, phù hợp về bảo dưỡng phụ tùng thay thế, phù hợp về giá cả và nhu cầu sử dụng của tôi.
Tôi không phải là người đam mê tốc độ cao, mà khoái chinh phục đường trường với những cung hiểm trở, và chiếc xe của tôi đủ tính năng để thỏa mãn ý thích đó.

- Chiếc xe này đã đi cùng anh những đâu? Chuyến đi nào đáng nhớ nhất?
Một người hay đi như tôi thì khó mà nhớ hết được mình đi những đâu cùng với chiếc xe này trong hai năm vừa rồi. Nhưng chuyến đi đáng nhớ thì có. Đó là chuyến đi ngày 31/1/2008, tôi lên đỉnh Mẫu Sơn khi băng phủ một lớp dày trên những khúc cua dốc ngược. Thời tiết bình thường, cung đường ấy đã được coi là hiểm trở, đằng này lại tráng một lớp như sân băng. Lên còn đỡ, chứ xuống thì đúng là kinh hoàng. Tôi phải cài chế độ cầu đi trên băng cho an toàn mà xe vẫn khó kiểm soát một cách khó hiểu. Ở một đất nước nhiệt đới gió mùa như thế này, mà được lái xe trên băng là một điều rất đáng nhớ. Đúng không anh?

- Được biết, anh là người đầu tiên dùng từ “phượt”. Vậy anh có thể giải thích rõ nguyên cớ của “phượt”?
Trong cuộc sống có rất nhiều từ mới xuất hiện một cách ngẫu nhiên. Anh bắt tôi giải thích nguyên cớ từ phượt thì cũng như bắt con gà phải phân tích thành phần cấu tạo quả trứng nó vừa đẻ ra. Khó lắm!

- Anh từng viết, phượt là giải thoát tinh thần và hành xác. Như anh, tinh thần bị giam hãm vì đâu? Tội gì mà phải hành xác?
Giải thoát là thậm xưng cho thêm kịch tính thôi, chứ đúng là chẳng ai giam hãm để mà giải thoát. Một số công ty nước ngoài có chính sách đào tạo như sau: trong một năm, họ sẽ dồn toàn bộ nhân viên lên một khu hẻo lánh độ 5 ngày. Buộc nhân viên phải trèo đèo lội suối, tham gia các trò chơi chung... Mục đích là giảm căng thẳng do công việc gây ra, làm mới mình để tiếp tục làm việc hiệu quả. Phượt bản chất nó là thế, làm mới mình để minh mẫn kiếm thêm nhiều tiền (cười).

- Anh là luật sư nhưng lại làm thời trang; cùng lúc viết văn với bút danh Doãn Dũng và nổi tiếng ở các diễn đàn du lịch dưới nick Cao Sơn; còn thời gian cho gia đình nữa. Vậy anh phượt khi nào?
Thế mới tài chứ! Một ngày của tôi cũng chỉ 24 giờ, một năm cũng chỉ 365 ngày. Nhưng tôi không có thời gian chết, tôi tận dụng thời gian triệt để cho những cái mình muốn. Cũng phải nói thêm là để làm được điều đó thì vợ tôi là người luôn tạo điều kiện cho tôi.

- Nguyễn Vũ Anh của luật, Vũ Anh của Ivy Mode; Doãn Dũng của Me Tây; Cao Sơn của phượt, cái tên nào sẽ đi đến tận cùng với anh? Liệu có còn một Vũ Anh khác?
Tôi lắm bạn nên cũng nhiều tên, mỗi nhóm gọi một kiểu. Nguyễn Vũ Anh là tên cha mẹ đặt cho có trong giấy khai sinh. Ở IVY họ không gọi tôi là Vũ Anh đâu, họ gọi là Phát xít. Doãn Dũng là tên các cụ ở quê đặt cho trong tộc phả. Cao sơn là tên một vị thần cai quản các ngọn núi từ bắc chí nam và tôi thích cái tên đó nên lấy nick trong giới phượt. Vợ tôi gọi tôi là Cái Dằm... Đại loại thế (cười)

- Ivy Mode là thương hiệu thời trang khá được ưa chuộng ở HN, anh muốn nó trở thành một “Ferrari” trong thời trang – đắt và doanh thu nhỏ, lợi nhuận cao – hay một “Toyota” giá hợp lý, doanh số lớn?
Đẳng cấp thương hiệu được cấu thành bởi nhiều yếu tố, trong đó có một yếu tố quan trong là xuất xứ thương hiệu. Toyota hoàn toàn làm chủ công nghệ để chế tạo ra một chiếc xe Ferrari, nhưng có ai sẽ mua cái xe ấy mới là quan trọng. Thời trang cũng thế thôi, quá nhiều nhà thiết kế muốn làm Ferrari rồi và thất bại, tại sao tôi nhìn thấy mà lại phải đi theo con đường ấy. Có ngông mấy thì cũng phải biết mình là ai chứ?

- Cám ơn anh đã dành thời gian cho buổi trò chuyện này. Và cho dù Ivy Mode có là Ferrari hay Toyota trong thời trang Việt, xin chúc anh thành công với lựa chọn của mình. Tuy nhiên, hy vọng anh vẫn có thời gian cho... phượt, để độc giả có dịp được "lang thang" cùng những bài viết của anh.

Theo Autopro.com.vn