Không quá “dịch vụ” như những đồi cát Mũi Né cũng không quá hoang sơ như những cồn cát trắng xứ Quảng Bình hay Cam Ranh, gần đây, khách đi tour qua Phan Rang hào hứng khi nói đến Nam Cương, một động cát hoang sơ...
Cưỡi xe máy từ thị xã Phan Rang Tháp Chàm đi xuyên làng Chăm Tuấn Tú (Ninh Phước), đến Nam Cương mất khoảng 30 phút. Gần thị xã, nhưng lại ít được biết đến.
Nam Cương có nghĩa là vùng đất phía nam. Chữ Hán trong trường hợp này chẳng hiểu sao lại lọt vào đây khi đây lại là phần đất của một làng Chăm ven biển.
Ngày xưa, người Chăm ở đây làm nghề biển dã. Hình dung những đoàn người nối nhau băng qua dải cát để đi về phía biển - hình ảnh quen thuộc trong những áng ariya (trường ca Chăm) thì sẽ thấy động cát này gắn với đời sống người Chăm là thế nào. Nhưng ngày nay, đây là một động cát bỏ hoang, đang được cánh kinh doanh tour chú mục đến.
Trên con đường mới ủi nối biển trong một dự án phát triển du lịch băng qua chân đồi Nam Cương, chỉ thấy gió thổi vắng lạnh. Thi thoảng thấy mục đồng lùa dê, cừu đi băng qua đồi với tiếng mõ lọc cọc, đều đều, buồn tẻ. Nghe nói, trước đó một ngày, Saigontourist đã dẫn khách đến đây tung tăng với cát, dấu chân họ còn đọng trên những ngọn đồi thấp.
Quyết chinh phục Nam Cương trong cái nắng khá ngọt của sáng mùa thu. Những trảng cát nối nhau rồi vút lên choáng ngợp tầm mắt. Màu cát được “phân giải” nhiều tầng, lớp như một tác phẩm xếp đặt tài hoa của nắng và gió xứ biển này. Có những lũng cát sâu như ôm chứa một kho tàng vô tận của những túi cát đọng thành hình thù kỳ lạ như những kho tàng tượng muôn mặt. Một trò chơi vọc cát cô độc và thầm lặng của tạo hoá! - Bạn sẽ thốt lên như vậy và mê say đốt phim trên những chặng chinh phục Nam Cương.
Đến những ngọn đồi cao vút, bạn có thể phóng tầm mắt ra biển Đông Hải xanh ngắt và phía tây nam là Chà Bang, dãy núi nhiều huyền thoại của người Chăm. Núi Chà Bang như đôi lưỡi rìu lớn trấn giữ vùng đất nắng gió này. Và đồi cát Nam Cương như một dải lụa của nàng tiên nào đó lơ đễnh bỏ quên khi về với biển.
Động cát Nam Cương hấp dẫn bằng chính vẻ hoang sơ của nó. Cùng với bọn trẻ mục đồng, ghi lại những dấu chân mình trên cát để sớm mai, khi ngọn gió biển Đông Hải thổi vào, tất cả tan biến. Một đứa trẻ trong đám nói, nó mong cho con đường xuyên qua đây sớm hoàn thành để đổi đời mục đồng, chúng có thể ôm ván cho du khách thuê trượt cát. Tâm sự hồn nhiên ấy làm thoáng ngậm ngùi khi rời Nam Cương.
Từ SGTT
1 Comments
Đồi cát Nam Cương cách TP. Phan Rang 8km về phía đông nam, thuộc thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước. Muốn đến đồi cát phải qua làng Chăm khoảng 3km; hai bên đường là những đồng lúa, hoa màu, đặc biệt là những vườn nho trĩu quả... Đồi cát Nam Cương như những cơn sóng nhấp nhô dưới ánh bình minh trong sắc vàng lẫn đỏ.
Trả lờiXóaMuốn lên đến đỉnh đồi, du khách phải lấy sức rồi chạy nhanh theo sườn đồi. Nếu đi từ từ sẽ bị cát đổ từ trên xuống và đẩy mình đi lùi trở lại. Đặt chân đến đỉnh đồi, bao nhiêu mệt mỏi tan biến, bốn phía là một bầu trời bao la lộng gió. Đồi nối tiếp đồi, với đủ hình khối và hoa văn như những bức tranh, được thiên nhiên vẽ nên trong một gam màu nóng pha lẫn vàng và đỏ, rực rỡ dưới ánh bình minh.
Nam Cương như tấm vải lụa mà tạo hóa đã khoác cho vùng sa mạc cát này và sau mỗi đêm gió, mưa sẽ là một màu áo mới.
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.