Mắcpiđông là tên gọi tiếng Tày của loài hoa chuối rừng. Đối với đồng bào các dân tộc Tây Bắc, hoa chuối rừng gần gũi như con suối, cái nương, cái rẫy vậy. Cây chuối mọc trong rừng cho trái quả thơm ngon, còn hoa chuối được đồng bào Tày tận dụng để làm món moọc rất ngon miệng.

Hoa chuối được chọn làm moọc phải là loại to tròn và mẩy chắc, có mầu tím sẫm. Các bà, các chị nhân buổi lên nương hay vào rừng kiếm củi, hái quả bắt gặp một chiếc mắcpiđông nào “đạt tiêu chuẩn” là có thể lấy về làm một bữa cải thiện cho gia đình. Tuy là món ăn dân dã nhưng trong những bữa cơm đãi khách hay ngày lễ Tết nhưng moọc mắcpiđông lại rất được ưa thích. Nguyên liệu đi cùng hoa chuối để làm nên món mooc đôi khi cũng khác nhau và tuỳ theo “bí quyết” gia truyền hay “phút ngẫu hững” của các bà, các mẹ.

Song về cơ bản, nguyên liệu chính để tạo nên hương vị riêng của món ăn này vẫn bao gồm có hoa chuối rừng, cá hay tôm tươi bắt từ suối lên, bột gạo nếp, gừng, sả và lá lốt rừng. Cũng có khi người chế biến cho thêm vào đó một chút thịt ba chỉ, một chút đỗ xanh và lạc rang giã giập để thêm vị bùi, vị ngọt cho món ăn.

Nguyên liệu chính đóng vai trò quan trọng để tạo nên món mooc của đồng bào Tày chính là hoa chuối, thiếu đi hoa chuối thì món mooc sẽ không còn hương vị đặc trưng.

Hoa chuối đem về thái sợi mỏng, rồi ngâm qua với nước vo gạo hay nước muối loãng, sau đó cho lên bếp đun sôi để giảm bớt nhựa trước khi đem bỏ vào cối giã nhuyễn cùng các nguyên liệu khác. Ai đó đã từng được nhìn thấy cách những người phụ nữ Tày chế biến món mooc, chắc hẳn sẽ không khỏi “giật mình” khi thấy người dân nơi đây làm cá hay tôm theo một cách rất riêng. Trái với người dưới xuôi, người dân Tày khi sơ chế cá và tôm thì chỉ cần rửa cho sạch mà không mổ bụng hay cắt bỏ đầu. Người dân nơi đây cho rằng, cá, tôm của núi rừng không giống cá nuôi ở đồng bằng. Thức ăn của chúng là rêu, cỏ, của thần sông, thần suối mà đồng bào tôn kính. Chính vì thế nên người Tày quý trọng hết thảy những sản vật mà thần núi, thần sông ưu ái ban tặng.

Bên hiên nhà trong chiều hoàng hôn, người con gái đều tay giã những hoa, những cá cùng tôm… của núi rừng, người mẹ ngồi bên trộn đều tất cả nguyên liệu với bột nếp và khéo léo nặn thành moọc sống gói trong chiếc lá dong rừng trước khi cho lên chõ đồ chín. Khi nước sôi, mùi thơm từ những chõ moọc như đánh thức mọi giác quan của người thưởng thức. Mùi gạo nếp thơm lừng, mùi hoa chuối dìu dịu, mùi sả hăng hăng… tất cả quyện vào nhau tạo nên một hương vị rất riêng mà người ta hay gọi là “hương vị núi rừng Tây Bắc”.

Moọc chín được bày ra đĩa lớn, các mế chậm rãi bóc những chiếc moọc nóng bốc hơi cho con kèm theo ánh mắt trìu mến. Trong chiếc mooc nhỏ dường như không chỉ có sự khéo léo từ đôi tay của người phụ nữ Tày, mà có còn chất chứa tình yêu với quê hương, với đồng bào. Thưởng thức mooc có nhiều cách, nó tùy theo sở thích của từng người. Người lớn thường dùng mooc ăn kèm với rau sống, trẻ nhỏ ăn cùng cơm, ai ăn mặn thì chấm nước mắm pha hạt dổi. Không khí bữa ăn thật chan hoà, ấm cúng.

Moọc mắcpiđông có cách làm khá giống món mọc miền xuôi, nhưng sự gia giảm trong gia vị và cách lựa chọn nguyên liệu đã tạo nên nét đặc trưng trong món ăn của đồng bào Tây Bắc và sự phong phú của ẩm thực Việt. Có dịp lên với quê hương của những điệu Then uyển chuyển, du khách không nên bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món ăn lạ mà ngon này từ bàn tay vén khéo của một thiếu nữ Tày nào đó.

Hải Yến - Tạp chí Món ngon