(LCO) - Người Dao đỏ coi tranh thờ là báu vật mà dòng họ nào cũng phải có. Họa công Chảo Sành Nhàn, chủ nhân của hàng chục bộ tranh thờ ở thôn Pờ Sì Ngài, xã Trung Chải, thị xã Sa Pa cho biết: Tranh thờ của người Dao đỏ thể hiện quan niệm về vũ trụ quan, nhân sinh quan sâu sắc, mỗi bức tranh là một không gian thiêng được họ tạo ra, thể hiện quan hệ giữa con người với vũ trụ, thần linh, ước vọng trong cuộc sống. Người Dao đỏ coi nghề làm tranh thờ là nghề cao quý, được mọi người nể trọng.

Công đoạn đầu tiên là chuẩn bị giấy vẽ, sử dụng giấy dó, vầu, rơm làm giấy vẽ. Đặc điểm giấy dó có độ mỏng, dai và hút ẩm tốt. Trước khi vẽ, các tờ giấy dó được hồ lại từng nếp theo khổ giấy vẽ, dán từ 5 đến 7 lớp giấy, nếu muốn tranh dày người thợ dán nhiều lớp giấy. Hồ dán giấy được làm từ bột gạo nếp, da trâu kết hợp với vỏ cây có nhựa. Kỹ thuật bồi giấy phải thực hiện nhanh, đảm bảo keo dán vẫn còn độ ấm.

Tiếp theo là công đoạn pha chế màu vẽ. Màu xanh dùng lá chàm đun sôi, màu đỏ dùng gốc rễ cây gỗ thu mộc, màu tím dùng lá cây cơm nếp, màu vàng dùng gốc, rễ cây đàng thời và củ nghệ. Trong đó màu vàng là màu chủ đạo, màu đẹp nhất của tranh thờ với ý nghĩa cầu mong mùa vàng (mùa màng tươi tốt). Màu đỏ tượng trưng sức sống, sự thịnh vượng và may mắn. Màu đen tượng trưng cho bút mực, màu áo chàm của dân tộc. Màu xanh tượng trưng sự hiểu biết, hoa màu tươi tốt...

Bộ bút vẽ gồm 12 chiếc với cỡ khác nhau, loại bút lông nhỏ nhất dùng vẽ mi - râu - tóc; loại bút lông trung bình dùng tô mặt, mũi, môi và dùng viết chữ; loại bút lông to nhất dùng tô màu các loại áo, đường viền...

Đối với các họa công, bắt buộc họ phải làm buồng riêng vẽ tranh thờ. Buồng vẽ làm ở phía đối diện bàn thờ tổ tiên, nơi có nhiều cửa sổ đón ánh sáng làm khô giấy, khô tranh. Khi vẽ, do các họa công phải tập trung tinh lực, trí lực cao nhất đảm bảo từng tờ tranh vẽ các vị thánh thần có thần thái uy nghiêm nhất, nên họ không tiếp, không trò chuyện, đảm bảo sự yên tĩnh tuyệt đối.

Người Dao thường chọn ngày tốt khai bút, chọn ngày hoàng đạo, thanh long, phúc sinh, ngày tam hợp với tuổi của họa công, đồng thời kiêng ngày sát chủ, thọ tử, tuyệt mệnh, ngày có sao xấu… Thời gian vẽ một bộ tranh mất khoảng 3 - 4 tháng. Bộ tranh vẽ xong, gia chủ mời 4 thầy làm lễ khai quang (điểm nhãn) cho bộ tranh. Trong lễ khai quang, bộ tranh mới treo theo thứ tự và địa vị thánh to, thánh nhỏ. Lấy bàn thờ tổ tông làm tâm, các tờ tranh thờ mới treo sang hai bên. Sau khi làm lễ khai quang, bộ tranh thờ linh nghiệm hơn được dùng trong lễ Chẩu đàng (tạ ơn tổ tiên, Bàn Vương); lễ cấp sắc (quả tăng); tết nhảy (pút tồng)…

Ông Chảo Sành Nhàn (hay còn gọi là Thầy Tào, tức thầy cúng của người Dao)

Nghề làm tranh thờ của người Dao đỏ phản ánh nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ - nghệ thuật, giáo dục. Tranh thờ ra đời từ nguồn gốc tâm linh, gắn kết chặt chẽ với tín ngưỡng trong thờ cúng. Việc nghiên cứu nghề làm tranh thờ, vai trò của tranh thờ trong đời sống góp phần quan trọng làm sáng tỏ lịch sử văn hóa tộc người Dao đỏ.

Nghề làm tranh thờ đáp ứng nhu cầu văn hóa của cộng đồng, tranh thờ luôn hiện hữu trong các sự kiện trọng đại, là hồn cốt của các đại lễ cúng của người Dao đỏ. Tranh thờ của người Dao đỏ không chỉ thể hiện sự khéo léo ở kỹ thuật làm tranh, mà còn chứa đựng yếu tố giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật. Chính điều này làm nên chất nghệ sỹ của họa công vẽ tranh và tính văn hóa cao của nghề làm tranh thờ. Các sản phẩm bộ tranh thờ do thợ vẽ có giá trị thẩm mỹ độc đáo, do vậy, ngoài chức năng vốn có của tranh, tự thân mỗi tờ tranh còn là một tác phẩm nghệ thuật với các nhân vật có tên trong tranh.

Màu sắc của mỗi bức vẽ cũng tùy thuộc vào chủ đề hoặc nhân vật mà đưa ra những gam màu có đặc thù tương ứng, như bức Tam Thanh gam màu chủ đạo cũng như trang phục của Ngọc Thanh là màu xanh da trời. Thượng Thanh chủ đạo là màu xanh lá cây. Thái Thanh chủ yếu màu đỏ, đen. Thông qua việc làm và sử dụng tranh thờ phản ánh giá trị mang tính giáo dục đối với các thế hệ con cháu của người Dao đỏ, khẳng định giá trị trường tồn di sản tranh thờ.

Nghề làm tranh thờ là nghề thủ công độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, phản ánh thế giới đa tầng, tâm linh, tín ngưỡng, thậm chí là tính triết lý, triết học thể hiện trên từng bức tranh thờ. Nghề làm tranh thờ trở thành sản phẩm hàng hóa đặc biệt bởi ý nghĩa tâm linh. Với những giá trị đó, nghề làm tranh thờ của người Dao đỏ ở thị xã Sa Pa được vinh danh là niềm tự hào của cộng đồng người Dao đỏ Sa Pa nói riêng và của cộng đồng dân tộc Dao tỉnh Lào Cai nói chung.

Ngày 9/3/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định công nhận nghề làm tranh thờ của người Dao đỏ của thị xã Sa Pa là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Theo Nguyễn Ngọc Thanh (báo Lào Cai)

Du lịch, GO!