(BLĐ) - Nếu như độ đảm đang, khéo léo bao đời nay của người phụ nữ K'Ho nơi cao nguyên Lâm Ðồng được đo bằng nghề dệt thổ cẩm, thì người phụ nữ Tà Ôi trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại - huyện miền cao A Lưới của tỉnh Thừa Thiên Huế - lại được thể hiện qua những tấm zèng...

Nếu như độ đảm đang, khéo léo bao đời nay của người phụ nữ K’Ho nơi cao nguyên Lâm Ðồng được đo bằng nghề dệt thổ cẩm, thì người phụ nữ Tà Ôi trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại - huyện miền cao A Lưới của tỉnh Thừa Thiên Huế - lại được thể hiện qua những tấm zèng. Người Tà Ôi nơi đây gọi vải thổ cẩm là zèng. Và trải qua nhiều thăng trầm của một sản phẩm văn hóa truyền thống, zèng Tà Ôi ngày càng vươn xa.

Ngày xưa, đối với người phụ nữ Tà Ôi, dệt zèng không chỉ phục vụ cuộc sống mà còn là chuẩn mực để đánh giá một người phụ nữ… Những sản phẩm từ tấm zèng là lễ vật hoặc trang phục không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng hoặc các lễ hội quan trọng của đồng bào vùng cao A Lưới. Mỗi sản phẩm dệt zèng có giá trị về nhiều mặt, vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, vừa là tác phẩm nghệ thuật, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa tộc người Tà Ôi. Vì vậy, dù cuộc sống hôm nay có nhiều đổi khác thì văn hóa dệt zèng của người Tà Ôi vẫn được tiếp nối một cách có ý thức và ngày càng phát triển.

Không đa dạng sắc màu trong từng họa tiết, không phức tạp trong các thao tác, dệt zèng A Lưới của người Tà Ôi mang nét đẹp giản đơn, mộc mạc như chính những người con của núi rừng nơi đây.

Zèng A Lưới có trên 70 hoa văn khác nhau, gồm ba loại hình chủ yếu là hình tam giác, hình thoi và hình đường thẳng với phức hệ hoa văn về thực vật, động vật, đồ vật, con người và thế giới xung quanh. Với bàn tay khéo léo của người thợ dệt, khung cửi đơn sơ có thể dệt trên 10 loại zèng khác nhau với các tên gọi aratang, atoang, pahiêng, vivat… Điểm đặc biệt là độ dài ngắn của tấm dệt phụ thuộc vào chiều cao của người thợ dệt, bởi bộ khung dệt đặc trưng.

Nét độc đáo và riêng biệt của dệt zèng là người dệt sẽ đưa cườm trực tiếp vào sản phẩm để dệt thay vì đính lên vải. Ðây là cách tạo hoa văn duy nhất bằng cườm, không tạo hoa văn bằng chỉ màu như dệt thổ cẩm ở các nơi khác. Để tạo nên một tấm zèng đẹp, ngoài sự chuẩn bị nguyên liệu - bao gồm sợi vải, hạt cườm và lục lạc, còn là những bàn tay khéo léo của người phụ nữ Tà Ôi, sự nhẹ nhàng uyển chuyển trên khung dệt và sự khéo léo, tỉ mỉ trong việc đính cườm.

Trước đây, người Tà Ôi từng trồng bông kéo sợi để dệt. Và họ biết cách để nhuộm sợi hoàn toàn bằng các loại cây cỏ: màu đỏ từ củ achat, màu vàng từ củ cây leo prac, màu đen từ vỏ ốc suối giã nhỏ, ủ với cây tarom, màu nâu từ vỏ cây leo a-ngươn, phơi khô rồi se lại thành sợi,... Bây giờ thì zèng Tà Ôi đã được dệt bằng loại chỉ mới - được sản xuất theo công nghệ hiện đại với nhiều màu sắc mới, sợi mỏng mượt, chất lượng và phù hợp - tạo ra những sản phẩm vừa sang trọng mà vẫn không xa rời truyền thống.

Chính vì sự độc đáo đó mà zèng hôm nay không chỉ được người Tà Ôi vùng lân cận yêu thích, mà khách du lịch cũng đã biết tới và tìm mua. Zèng trở thành hàng hóa, Hợp tác xã dệt zèng được thành lập, và nhiều người phụ nữ Tà Ôi ở đây đã bắt đầu coi dệt zèng là công việc chính của mình bởi nó đã tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Để sản phẩm zèng gần hơn với thị hiếu của khách hàng, rất nhiều mẫu mã mới như túi xách, ví, thắt lưng, túi đựng điện thoại, mũ… được tạo ra để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nghề truyền thống “nuôi” được người dệt, nên không sợ “chết”.

Tại Festival Nghề truyền thống Huế năm 2015, dệt zèng xuất hiện tại vị trí trung tâm trang trọng nhất của Công viên Tứ Tượng (nơi tôn vinh nghề dệt). Cũng tại chương trình khai mạc festival, lần đầu tiên những bộ quần áo thiết kế từ chất liệu thổ cẩm zèng đã được những hoa hậu, người mẫu nổi tiếng trình diễn trên sân khấu, đó là cơ hội để zèng bừng sáng - trong cả những kỳ festival sau này, và cả tại Festival áo dài diễn ra ở Hà Nội, trên sàn diễn thời trang Ngày hội Kimono ở Nhật, Pháp... - qua bàn tay tài hoa của nhà thiết kế Minh Hạnh.

Năm 2017, nghề dệt zèng của đồng bào Tà Ôi A Lưới đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện miền núi của Thừa Thiên Huế tiếp tục bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị nghề dệt zèng. A Lưới nay đã có nhiều hợp tác xã sản xuất zèng quy mô lớn để đáp ứng những đơn hàng lớn ở trong và ngoài tỉnh, kể cả nước ngoài. Trải qua những thăng trầm và cả những lúc có nguy cơ mai một, tại các bản làng giữa Trường Sơn hùng vĩ,zèng A Lưới đã thật sự “sống dậy” để bay xa.

Theo Việt Quỳnh (báo Lâm Đồng)

Du lịch, GO!