(BTH) - Nếu biển Hải Hòa, Bãi Đông đã khá nổi tiếng, có hệ thống khách sạn, nhà hàng lớn được mệnh danh là “biển ngọc” phía Nam tỉnh Thanh Hóa thì biển Hải Lĩnh vẫn còn hoang sơ vắng vẻ, và ít người biết đến. So với những ồn ào, chật chội, khan hiếm phòng của các điểm du lịch khác thì chỉ cần bạn thích là có thể đến ngay với bãi biển Hải Lĩnh (thị xã Nghi Sơn).

5 giờ sáng chị Trần Nga, người Hà Nội, dậy ra chợ biển Hải Lĩnh chờ tàu cá về để mua hải sản. Tầm này năm ngoái, chị cũng đến đây, đi chợ sớm mua được mẻ ghẹ tươi xanh, rồi nhờ chủ nhà hấp lên, ai cũng khen ngon. Hôm nay, cũng lại mượn xe máy của chủ nhà, chị đến chợ, mua mớ mực tươi còn đang nhấp nháy.

Không riêng gì chị Nga, chị Phùng Hương ở ngay trung tâm thị xã Nghi Sơn, cuối tuần là chở con ra biển Hải Lĩnh, cách nhà 7km để cho con xem ngư dân kéo lưới. Chị chia sẻ: Có hôm nhìn thấy hơn 20 bác ngư dân tập trung một mẻ lưới mà chỉ được mớ cá bé xiu xiu không đáng bao tiền. Cháu nói với tôi: Mình không mua được đồ thì buồn xíu xiu thôi, các bác vất vả thế mà không bắt được cá tôm mới thực sự buồn đó mẹ ạ.

So với các điểm du lịch ngay trên địa bàn thị xã Nghi Sơn thì khu du lịch ở Hải Lĩnh này là “trẻ trung” nhất. Nhìn hai đứa trẻ con chị Nga chừng 3 - 5 tuổi mặc áo phao nổi trên mặt nước là biết bọn chúng thích thú thế nào. “Ở đây, sáng thì biển rất ít sóng, lặng lờ trôi, thích hợp cho bọn nhỏ; chiều đến biển lại tung bọt trắng xóa, với những âm thanh của sóng và tiếng cười đùa của du khách. Tôi thích cảm giác đó”. Đó cũng là lý do mà chị Trần Nga lựa chọn đến với vùng biển hoang sơ này.

Kể từ sau đại dịch COVID-19, lượng khách đến với biển Hải Lĩnh tăng nhanh chóng. Có gì hấp dẫn để du khách đến đây? Nằm cách Hà Nội gần 200km tức là chỉ mất chừng hơn 3 giờ đồng hồ di chuyển, biển Hải Lĩnh không quá xa, đủ để hai ngày cuối tuần bạn có thể xả hơi, vui đùa với biển.

Với 3,2km đường bờ biển, lại có rừng phi lao chạy dài khiến không gian ở đây mát dịu. “Đứng ở không gian này, phóng tầm mắt xa tận đường chân trời hun hút màu xanh của biển, hít hà mùi nắng, mùi gió, hòa quyện cùng vị mặn mòi của biển cả, tĩnh lặng dõi theo từng nhịp âm thanh rì rào của sóng biển... tôi chỉ muốn được dang tay ôm trọn cảnh sắc tuyệt đẹp này vào lòng, cất giấu và giữ cho riêng mình. Tôi tin chắc rằng, những người có nhu cầu trải nghiệm cuộc sống miền biển dân dã, muốn hòa mình với thiên nhiên, sẽ không thể bỏ qua địa chỉ này”, chị Hà Thị Thuấn, trú tại phường Thượng Thanh, Long Biên (Hà Nội), cho biết

Dẫn chúng tôi tham quan Khu du lịch sinh thái Lĩnh Nam nằm trên địa bàn tổ dân phố Phú Đông, ông Lê Đăng Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Hải Lĩnh, cho biết: Trên địa bàn phường hiện có 3 dự án đầu tư gồm: khu du lịch sinh thái Lĩnh Nam (4ha), khu du lịch sinh thái Bốn Mùa (17ha) và khu du lịch sinh thái Hải Lĩnh (17ha). Tuy nhiên, hiện mới chỉ có khu du lịch sinh thái Lĩnh Nam được đưa vào sử dụng với 50 phòng nghỉ và một khu homestay gồm 10 phòng và luôn trong tình trạng cháy phòng.

Ngoài khu du lịch sinh thái Lĩnh Nam, trên địa bàn phường có 3 hộ kinh doanh nhà nghỉ. Dù cháy phòng nhưng lượng khách đến đây vẫn rất đông, bởi nơi đây vốn được mệnh danh là bãi biển quốc dân của hệ camper (những người yêu thích cắm trại). Hầu hết du khách đến đây đều muốn được trải nghiệm ngủ trong lều, nằm trên cát và dưới bầu trời đầy sao.

“Trên chiếc xe bán tải của tôi là cả một ngôi nhà di động, có lều, có bàn ghế, có bát đũa, bếp, thậm chí có cả máy phát điện. Vì thế, mỗi năm tôi cùng gia đình đến đây vài lần”, anh Kiều Hưng, trú tại Yên Hòa (Hà Nội) cho biết. Còn với những người không sẵn đồ đạc, thì có thể thuê lều ếch giá 500 nghìn đồng bao gồm lều, đệm, chiếu, quạt, dây điện.

Ngoài cắm trại, tắm biển, du khách đến với biển Hải Lĩnh còn có thể thả diều, chơi các môn thể thao dưới nước như lướt ván, lặn biển, chèo kayak; trải nghiệm cuộc sống của ngư dân; tham quan khu sản xuất và chế biến sản phẩm OCOP 3 sao của Công ty TNHH Vận tải Hoàn Ngọc với 2 sản phẩm rượu dâu Ngọc Hoàn và nước cốt hoa quả Ngọc Hoàn.

Rõ ràng có nhiều lợi thế để phát triển du lịch dã ngoại, du lịch nghỉ dưỡng, tuy nhiên, để biến tiềm năng thành sản phẩm du lịch hoàn chỉnh là cả chặng đường dài. Một phần chưa có quy hoạch tổng thể nên hầu hết du khách đến biển Hải Lĩnh đều mang tính tự do, tự phát, lại thêm số lượng du khách tăng đột biến, trong khi hạ tầng cơ sở vật chất chưa đáp ứng được, cung không đủ cầu nên công tác quản lý có những khó khăn nhất định. Vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi, ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, thời gian lưu trú ngắn vì thế mà nguồn thu cho doanh nghiệp và địa phương còn khá ít ỏi. “Nhìn xa hơn chúng ta sẽ thấy nhờ có sự lan tỏa của du khách khi đến với biển Hải Lĩnh mà hình ảnh của địa phương chúng tôi được nâng cao, nhiều người biết đến”, ông Lê Đăng Nam, Phó chủ tịch UBND phường Hải Lĩnh, khẳng định.

Nói về tiềm năng của bãi biển Hải Lĩnh, ông Lê Bá Hải, Chủ tịch UBND phường, cho biết: Những năm qua, thị xã Nghi Sơn đã đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với khu du lịch biển Hải Lĩnh, tăng cường công tác quảng bá, thu hút các dự án đầu tư về dịch vụ, nghỉ dưỡng. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng tập trung kêu gọi đầu tư, nâng cấp hạ tầng, cảnh quan môi trường để khai thác tiềm năng, hình thành khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái biển, cũng như các khu vực ăn uống đảm bảo, phục vụ du khách. Hiện nay bãi biển hoang sơ này đã bắt đầu được nhiều người trong và ngoài tỉnh chú ý tới, rồi đây địa danh này khi được kết nối với các điểm du lịch như Am Các, Hải Hòa, Đảo Mê thì chắc chắn đây sẽ là một điểm đến hấp dẫn.

Từ một vùng đất biển khô cằn, chỉ có cát và phi lao, đến nay Hải Lĩnh đang dần thay đổi bộ mặt, cuộc sống của các hộ gia đình đang khấm khá hơn nhờ khai thác du lịch. Tin chắc rằng, tương lai không xa, trong danh sách những bãi biển đẹp hút khách sẽ có tên bãi biển nơi này.

Theo Kiều Huyền (báo Thanh Hoá)

Du lịch, GO!