(VNE) - Cổ thụ sao cát hàng trăm năm tuổi ở huyện Đăk Tô từng bị cưa sâu vào gốc, nhưng do cây quá lớn, công nhân khai thác tính toán không thể đưa ra khỏi rừng nên đã sống sót.
Cây sao cát đường kính gốc hơn 4 m, cao trên 35 m ở thôn Kon Pring, xã Ngọc Tụ, thuộc sự quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô. Thân bị 3 vết cắt sâu 40-60 cm. Hai tấm biển "cấm chặt phá, đốt rừng" được gắn trên thân cổ thụ.
Cộng đồng người Xơ Đăng trong vùng tin rằng, cổ thụ sao cát là cây của Yàng (thần linh), nơi trú ngụ của thần gỗ, thần rừng nên không ai dám xâm phạm. Họ thắp hương cầu mong thần rừng che chở, bảo vệ buôn làng yên ổn trước thiên tai. "Cuối năm ngoái, người dân, chính quyền, công ty lâm nghiệp cùng đại diện 6 xã đã ký bản cam kết giữ rừng dưới gốc cổ thụ sao cát", trưởng thôn A Nao (39 tuổi) nói.
Gắn bó với rừng già hàng chục năm, nhưng anh Nao không biết cây sao cát bị cắt sâu vào gốc từ khi nào. Lúc nhỏ theo bố vào rừng hái lâm sản, anh Nao đã thấy cổ thụ "bị thương". "Tôi hỏi thì được bố lý giải ngắn gọn cổ thụ là cây của Yàng nên người ta không thể cưa hạ", anh Nao nói.
Trưởng thôn A Nao nhớ lời dặn của bố năm xưa khi đứng dưới gốc cổ thụ sao cát "rừng như máu thịt của buôn làng, chúng ta phải bảo vệ máu thịt của mình", vì vậy nhiều thập kỷ qua, anh luôn ý thức bảo vệ cánh rừng, tôn kính cây của Yàng. Những lúc có dịp đi qua, anh Nao thường ghé đến cây cổ thụ sao cát nghỉ ngơi, thắp hương cầu mong "thần rừng" phù hộ cho buôn làng bình an.
Không riêng anh Nao, cả thôn Kon Pring có 60 hộ, cùng tham gia bảo vệ trên 150 ha rừng, mỗi ngày có 2 người thường xuyên tuần tra cùng lực lượng quản lý, nếu thấy người lạ mặt xuất hiện, lập tức thông báo cho trưởng thôn và cơ quan chức năng.
"Cánh rừng được bảo vệ rất nghiêm ngặt, nếu người dân nào cần gỗ làm nhà thì phải xin phép đơn vị quản lý tận dụng những cây chết ngã đổ, chứ tuyệt đối không cưa hạ cây sống", anh Nao nói.
Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, cho biết khoảng hơn 30 năm trước, các công nhân khai thác gỗ đã cưa 3 cạnh của cây sao, song họ buộc phải dừng lại giữa chừng vì cây quá to, không thể đưa ra khỏi rừng.
Theo ông Chung, đến nay vẫn chưa xác định được độ tuổi chính xác của cây sao cát. Tuy nhiên, uớc tính, cây có tuổi đời trên 250 năm. Dù gốc bị 3 vết cắt lớn, nhưng hiện cây vẫn sinh trưởng, phát triển bình thường. Sao cát thuộc nhóm V, là loại gỗ tốt, khá quý hiếm, đường kính lên tới 8 m nếu thời gian sinh trưởng lâu dài, phân bố nhiều ở Tây Nguyên. Gỗ sao cát đang được ứng dụng làm tàu thuyền, nội thất gia đình như bàn ghế, tủ, phản...
Cây sao cát cách thôn Kon Pring khoảng 3 km. Đường đi khó khăn, lực lượng bảo vệ phải vượt qua 2 con suối cùng những đoạn dốc núi dựng đứng. Trạm quản lý bảo vệ rừng xã Ngọc Tụ có 13 cán bộ được phân công quản lý gần 4.000 rừng tự nhiên. Họ thay phiên nhau tuần tra, bảo vệ cả khu rừng nhất là khu vực cây sao cát.
Tham gia bảo vệ rừng suốt 11 năm qua, anh A Thái, 34 tuổi, Phó phân trường 2, cho biết cây sao này lớn và cao nhất trong cánh rừng. "Phải 10 người ôm mới xuể, cây được người dân Xơ Đăng tôn kính, trở thành biểu tượng giữ rừng", anh nói.
Theo anh Thái, để bảo vệ an toàn cánh rừng và cây sao cát cổ thụ, mỗi tuần đơn vị triển khai 3 lần đi tuần tra bảo vệ rừng. Một lần đi 3-4 người. Họ mang theo tư trang, gùi xoong nồi, gạo, thức ăn, để ăn ngủ giữa rừng. Cực nhất vào mùa mưa, đường trơn trượt, việc dựng lều, đốt lửa để nấu cơm là không dễ.
Bên cạnh đó, cán bộ bảo vệ rừng thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm như rắn cắn, ong đốt, và đối mặt với lâm tặc. "Nhưng nhờ lực lượng giữ rừng đông, khiến lâm tặc sợ hãi bỏ chạy", anh Thái kể.
Theo Trần Hóa (Vnexpress)
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.