(BDL) - Vài năm nay, vào những phiên chợ giáp Tết Nguyên đán tại một số chợ truyền thống ở tỉnh Đồng Nai như chợ Biên Hòa, chợ Đồn, chợ Cù lao Phố, Tân Vạn, Bửu Long… thường bày bán một loại trái cây khá lạ mắt với nhiều người trẻ, đó là trái ngâu. Thoáng nhìn tưởng là bưởi, nhưng ngâu không to bằng, vỏ rất cứng và có mùi thơm khá đậm đà.

Nổi bật trong mâm ngũ quả ngày Tết của nhiều người dân cố cựu Biên Hòa ở miệt Tân Uyên, Dĩ An.. (Bình Dương), Vĩnh Cửu.. (Đồng Nai), ngoài quả bưởi Tân Triều truyền thống thường có thêm quả ngâu. Trái ngâu chín ăn khá ngon nhờ vị nhân nhẩn đắng và nhớt nhớt. Ngâu nướng thơm lừng, ăn beo béo mùi.. khoai lang nướng. Trái ngâu ngâm rượu có hương vị rất đặc trưng, đặc biệt màu rượu đẹp như rượu cognac.

Tìm đến Đại An (nay là xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) là nơi trồng loại trái cây đặc sản này trong tỉnh Đồng Nai, chúng tôi may mắn gặp được bà Lâm Thị Nữ, người được cho là trồng nhiều cây ngâu nhất ở Đại An. Bà Nữ cho biết, “ngoại tôi, bà Năm Tú là người đầu tiên trồng ngâu ở Đại An này!”. Cây ngâu đầu tiên cụ Năm Tú trồng có tuổi thọ gần trăm năm, đã bị đổ ngã vào năm 2010. Ở tuổi 80, bà Hai Nữ quả quyết, "hồi nhỏ xíu tôi đã biết cây ngâu này đã được bà ngoại trồng, hổng biết từ lúc nào và kiếm giống ở đâu".

Bà Nữ cho biết, mấy cây ngâu nhà bà ngon có tiếng cả vùng Đại An, cho trái ngâu cứng mỏng vỏ và thơm ngọt nồng nàn vì được trồng từ rễ cây ngâu cổ thụ. Bà Chín Thọ (Lê Thị Thọ), nhà ở Đại An bán trái cây theo mùa vụ gần 50 năm rất rành nhà nào trong vùng có trồng ngâu cũng xác nhận ngâu nhà bà Hai Nữ là ngon nhất. Kế đến là ngâu của nhà ông Hai Tây (Lê Văn An), Hai Báu, bé Bảnh (Ngô Văn Bảnh), Tư Thẳng (Đặng Văn Thẳng)... Bà Thọ cho biết, vài chục năm nay, mỗi mùa ngâu bà thường đến những vườn này mua vài thiên (mỗi thiên 1.200 trái ngâu) rồi đưa lên Biên Hòa bán.

Ngâu là loại đại mộc cao đến 30-40m, thường bắt đầu rụng lá từ tháng 2 và tiếp tục ra hoa màu trắng chi chít thành từng chùm khắp cành nhánh tỏa ra mùi thơm ngát. Đến cuối tháng 3, hoa ngâu rụng trắng gốc cây và bắt đầu kết trái. Vào khoảng tháng mười một, tháng Chạp là mùa ngâu chín. Mỗi cây ngâu ở Đại An trong một mùa cho từ 5 đến 7 tạ trái.

Dân sành rượu ngâu cho biết, trước đây người ta hái trái ngâu chín đem về nướng trên lửa than cho thơm rồi mới đem ngâm rượu. Rượu có mùi thơm ngâu đặc trưng nhưng nước đen sậm không đẹp mắt. Sau đó, nhà vườn lượm những trái ngâu chín bị gió làm rụng dập nát đem phơi khô ngâm rượu có màu đỏ tươi rất đẹp.

Ông Phan Hùng sống ở Tân Bình - là nơi toàn xã chỉ có một cây ngâu nhưng ông lại có bí quyết ngâm rượu ngâu ngon bởi biết lựa loại ngâu ngon và chỉ ngâm phần vỏ. Hiện nhiều người ở Vĩnh Cửu ngâm rượu ngâu cũng theo cách thức này. Rượu ngâu có công dụng trị nhức mỏi, đau lưng, đau bụng, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt.

Nhiều nhà vườn ở Đại An cho biết, ngâu bây giờ ngày một ít đi vì những cây già cỗi hay bị đổ ngã hoặc bị đốn để trồng bưởi. Đã vậy kêu người hái ngâu với giá 200.000đ/ngày họ cũng từ chối vì cây ngâu quá cao, còn cây ngâu tơ thì nhiều gai. Dân bẻ ngâu thành thạo lắm một ngày hái cũng không được một thiên. Tuy vậy, hàng năm đến mùa ngâu chín, nhiều người dân ở Biên Hòa vẫn đổ về các nhà vườn đặt mua.

Bùi Thuận (Báo Du Lịch)
Du lịch, GO!