Nhiều anh em trong cánh phượt thủ lên Ngải Thầu Thượng, xã Ngải Thầu (huyện Bát Xát, Lào Cai) ngắm mây, bảo với tôi rằng đó là một trong số ít thôn cao nhất Việt Nam.
Một ngày giáp tết, theo chân anh Lồ A Sính, Chủ tịch UBND xã Ngải Thầu lên thôn Ngải Thầu Thượng, tôi lần đầu tiên được nghe, được thấy nhiều chuyện kỳ thú ở bản Mông cao nhất Việt Nam, nằm trên đỉnh Ma Cha Va.
Thôn cao nhất Việt Nam
Những ngày cuối năm, Lào Cai chuyển rét đậm kéo dài, trên các bản làng vùng cao cả tuần chìm trong sương mù lạnh buốt. Tại trụ sở UBND xã Y Tý, sương mù cũng dày đặc, sau những ngày nắng, dãy đào phai cổ thụ đã bung hoa rực rỡ đón mùa xuân tới.
Ngồi nói chuyện với anh Lồ A Sính, Chủ tịch UBND xã Ngải Thầu, tôi lo lắng vì đầu giờ chiều rồi mà trời đất vẫn cứ mịt mù, làm sao lên được Ngải Thầu Thượng. Anh Sính cười: Đỉnh núi Ma Cha Va cao khoảng 2.300m so với mực nước biển, thôn Ngải Thầu Thượng nằm trên núi đó, ở độ cao khoảng 2.100m. Mình cũng nghe nhiều người nói Ngải Thầu Thượng là một trong những thôn cao nhất Việt Nam, có lẽ không sai đâu, nhưng chắc chắn là thôn cao nhất tỉnh.
Nếu ở dưới này sương mù, thì trên đỉnh Ngải Thầu Thượng lại nắng đẹp đấy nhà báo ạ. Vì thế, từ tháng 11 trở đi, rất nhiều đoàn khách du lịch kéo nhau lên đỉnh Ngải Thầu Thượng để ngắm biển mây, thưởng thức cảnh đẹp và khí hậu trong lành.
Nói rồi anh Sính làm tài xế, đưa tôi ngược dốc lên Ngải Thầu Thượng. Ngải Thầu Thượng có hơn 60 hộ người Mông, thì gần một nửa định cư ở giáp Ngải Thầu Hạ, còn 35 nóc nhà nằm lọt thỏm giữa rừng cây cổ thụ gần đỉnh Ma Cha Va mờ mờ ảo ảo. Ngải Thầu Thượng nắng to, trời xanh không một gợn mây, ở độ cao trên 2.100m so với mực nước biển, có thể cảm nhận mình gần với bầu trời hơn. Trời nắng mật ong sao mà vẫn rét quá.
Trong gian nhà tường đất cũ kỹ, ông Sùng Lử, 71 tuổi, là người cao tuổi nhất Ngải Thầu Thượng đang ngồi sưởi lửa. Ông Lử bảo ở đây lạnh lắm, không có bếp lửa thì không sống qua được mùa đông. Nhà nào cũng vậy, cứ có người ở nhà là bếp đỏ lửa cả ngày.
Để chống lại giá rét và thú dữ, từ lâu người Mông ở đây đã có truyền thống làm nhà tường đất dày gần 1m, cả cửa chính và cửa sổ đều nhỏ, để tránh sương gió lùa vào. Làm nhà kín, suốt ngày đốt lửa, vậy mà cả năm ở đây bà con vẫn phải đắp chăn bông, vì rét tái tê.
Những khi có tuyết rơi, trừ đỉnh Phan Si Păng cao 3.143m, thì bao giờ ở đỉnh Ma Cha Va cao và thôn Ngải Thầu Thượng cũng có tuyết rơi trước những nơi khác. Mùa đông năm trước, tuyết ở đây rơi dày đến hơn 1m, phải gần 1 tháng mới tan hết.
Sinh sống ở nơi lạnh giá nhất, người Mông ở Ngải Thầu Thượng không cấy được lúa, mà chỉ trồng được ngô một vụ. Còn chăn nuôi, thì chủ yếu là dê, lợn, gà. Dạo quanh Ngải Thầu Thượng, tôi để ý những con lợn người Mông nuôi ở đây đều được thả trong rừng, con nào con nấy có lớp lông dày dựng đứng và dài đến một gang tay, trông chẳng khác gì lợn rừng.
Đón tết trên đỉnh trời Tây Bắc
Lên Ngải Thầu Thượng vào mùa này, tôi bị hút hồn bởi vẻ đẹp của những rừng tống quá sủ cổ thụ, rêu phong, ẩn hiện trong sương mây mờ ảo. Theo tiếng dân tộc Mông, tống quá sủ có nghĩa là cây sống qua mùa đông khắc nghiệt (tống quá sủ là cây qua đông: Sủ là cây, tống là đông, quá là qua).
Những ngày trời nắng như mật ong, hàng cây tống quá sủ vút cao cắt hình trên nền trời xanh thẳm tạo nên vẻ đẹp khỏe khoắn, tô điểm thêm sự hùng vĩ, hoang sơ cho núi rừng. Cả những cây tống quá sủ già cỗi quá đã chết, nhưng không hề đổ gục như những loại cây khác mà vẫn đứng sừng sững giữa đất trời, thân cành khẳng khiu, không khuất phục gió mưa, bão tố.
Gỗ tống quá sủ không phải là loại quý hiếm, nhưng lại có đặc tính bền, có thể dùng làm cột nhà, xẻ thành ván mỏng để làm tường và thang gác nhà hoặc bàn ghế đơn giản. Đồng bào vùng cao Ngải Thầu cũng dùng những cây tống quá sủ to đục bỏ phần lõi làm thành máng ăn cho gia súc và còn sử dụng làm củi đun quanh năm, sưởi ấm trong mùa đông lạnh giá.
Rừng tống quá sủ trên đỉnh Ngải Thầu vừa làm thành “bức tường” kiên cố che chắn gió bão, bảo vệ cho thôn, bản người Mông, chống xói mòn đất, vừa làm cho khung cảnh vùng cao thêm đẹp và thơ mộng. Cây tống quá sủ từ lâu đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp bình dị, mộc mạc, sức sống bền bỉ và ý chí kiên cường vươn lên khỏi hoàn cảnh khó khăn của đồng bào vùng cao nơi đây.
Những ngày cuối năm, nhịp sống trên Ngải Thầu Thượng rộn rã hơn hẳn ngày thường. Từ tháng 10 âm lịch trở đi, người Mông trên núi Ma Cha Va bắt đầu vào mùa làm nhà trình tường. Tiếng người cười nói rôm rả xem lẫn tiếng chày nện đất thình thịch âm vang giữa rừng tống quá sủ cổ thụ.
Tìm hiểu thêm, tôi được biết Ngải Thầu Thượng là thôn cao nhất, cũng là thôn “trẻ” nhất xã Ngải Thầu. Lý do vì đa số các gia đình ở đây đều là những cặp vợ chồng trẻ, rời những thôn thấp hơn đất đai chật chội để lên “đỉnh trời” này xây dựng tương lai.
Đang mải miết với nhịp chày giã đất, chàng trai trẻ Sùng A Chú liếc ánh mắt đong đầy hạnh phúc nhìn cô vợ trẻ Lý Thị Cúc và con gái nhỏ Sùng Thị Hiền, tâm sự với tôi: “Tết này vợ chồng em ra ở riêng nên làm ngôi nhà mới đón tết. Đất trên núi Ma Cha Va rộng rãi, vợ chồng em sẽ lập nghiệp ở đây, mong muốn sẽ vượt qua mọi khó khăn, có cuộc sống ngày càng no ấm”.
Gần nhà A Chú, anh Sùng A Sá cũng làm nhà mới, đó là ngôi nhà xây kiên cố đầu tiên trên núi Ma Cha Va. Mấy anh cán bộ xã đi cùng tôi cứ ngắm mãi ngôi nhà đang xây mà trầm trồ. Ngải Thầu Thượng có nhà xây, đó là một giấc mơ giờ mới trở thành hiện thực.
Lên Ngải Thầu Thượng, tôi có dịp gặp đại úy Đỗ Bá Quấn, ở Tổ công tác địa bàn Ngải Thầu, thuộc Đồn biên phòng Y Tý. Là người lính biên phòng có gần 4 năm “ăn gió nằm sương” trên núi Ma Cha Va, anh Quấn không thể quên được những kỷ niệm đón tết cùng bà con ở đỉnh trời Tây Bắc.
Anh Quấn kể: Ngày 30 tháng Chạp, nhà nào ở đây cũng mổ con lợn thật to để đón tết cổ truyền, có nhà mổ con lợn hơn một tạ. Năm nào ăn tết trên này anh em chiến sĩ cũng được bà con mời đến là chơi, cùng xắn tay áo mổ lợn giúp bà con, rồi cùng ăn bữa cơm thật ấm áp, vơi đi nỗi nhớ gia đình. Thịt lợn mổ xong, bà con phần để ăn tết, phần còn lại được treo lên gác bếp, còn mỡ lợn rán lên cho vào nồi to, để ăn đến hết mùa xuân.
Vào ngày Thìn tháng Giêng, người Mông trên đỉnh Ma Cha Va làm lễ cúng trong rừng cấm của thôn, cầu mong thần rừng phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, cuộc sống bình yên. Mùa xuân, thanh niên trai gái mặc những bộ trang phục thổ cẩm đẹp nhất đi chơi trò chơi đánh cầu lông gà, rủ nhau lên rừng hồng trà, rừng đào đỏ thắm trên núi để tâm tình, tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng hát vang lên rộn núi rừng…
Hôm đó tôi nghỉ qua đêm ở Tổ công tác biên phòng trên Ngải Thầu Thượng. Mấy chiến sĩ biên phòng pha ấm trà say sưa kể chuyện vui ngày tết. Màn đêm yên tĩnh, ánh trăng vằng vặc chiếu xuống rừng tống quá sủ, có cảm giác trăng nơi đây rõ hơn, sáng hơn ở thành phố. Buổi sớm mai thức dậy, được ngắm mặt trời mọc trên độ cao hơn 2.100m so với mực nước biển cũng thật tuyệt vời.
Tôi rời Ngải Thầu Thượng mà lưu luyến mãi, hẹn mùa xuân này lên núi Ma Cha Va ngắm hoa đào nở giữa biển mây và đón tết với đồng bào người Mông.
Theo Tuấn Ngọc/Nông nghiệp Việt Nam
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.