(BPY) - Sông Kỳ Lộ (sông lớn thứ 2 ở Phú Yên, sau sông Ba), dài 120km, bắt nguồn từ đỉnh núi tỉnh Gia Lai. Dòng sông với 3 tên gọi khác nhau: Ở đầu nguồn gọi là sông Bà Đài, xuôi xuống phía dưới, người dân quanh vùng gọi là sông Cái, về hạ nguồn một bộ phận dân cư gọi là sông Ngân Sơn. Chạy dọc theo suốt chiều dài dòng sông có nhiều thác nước chảy xiết như: thác Rọ Heo, thác Dài, thác Lỗ Cá; vực Ông, vực Lò… sâu thẳm, đầy kỳ bí.
Kỳ 1: Thượng nguồn sông Bà Đài
Từ đỉnh núi cao tỉnh Gia Lai, sông Bà Đài “hạ sơn” chảy qua xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân). Ở nơi đầu nguồn sông Bà Đài, người dân quanh vùng thường qua lại bến nước Phú Giang qua bên kia thôn Phú Hải (xã Phú Mỡ). Đây là thôn xa nhất, cao nhất, hẻo lánh nhất của tỉnh Phú Yên (cách TP Tuy Hòa gần 120 cây số). Đứng ở đây nghe được loa từ đài phát thanh 3 tỉnh, thế nhưng duy nhất chỉ một chỗ đặt hòn đá tiếp được sóng điện thoại.
Nghe loa phát thanh 3 tỉnh
Bến nước Phú Giang, cách UBND xã Phú Mỡ khoảng 200m về phía thượng nguồn. Đây là đường duy nhất đi qua thôn Phú Hải - vùng đất nơi đồng bào dân tộc Chăm H’roi, Ba Na sinh sống. Bến nước chưa có cầu bắc qua sông nên hằng ngày đông người tập trung hai bên bờ qua lại. Đến thôn Phú Hải, tôi tìm nhà già làng Ma Meo. Sau một hồi xởi lởi ra chiều thân thiện, Ma Meo phân trần: “Vùng đất xa xôi hẻo lánh này có cái “hay” là thượng lên cao doi đất tam giác. Nơi đây giáp ranh với các xã Canh Liên (huyện Vân Canh, Bình Định), Đắk Sông (huyện Kông Chơro, Gia Lai). Vì thế, đứng ở Phú Hải nghe được loa từ đài phát thanh Gia Lai, Bình Định, Phú Yên”. Dulichgo
< Hòn đá - nơi duy nhất tiếp sóng điện thoại ở thôn Phú Hải.
Thế nhưng thôn Phú Hải lại không có sóng điện thoại. Dọc theo suốt chiều dài của thôn chỉ duy nhất trước nhà rông văn hóa có một chỗ đặt hòn đá tiếp được sóng điện thoại. Gặp chúng tôi, anh Đặng Văn Thái, chuyên viên Phòng Dân tộc huyện Đồng Xuân, cho hay: “Công việc đặc thù của tôi thường xuyên lên Phú Hải. Lên đến đây điện thoại di động chịu chết, sau nhiều lần đi từ đầu thôn đến cuối thôn “rà sóng”, tình cờ một lần đứng trước sân nhà rông văn hóa phát hiện điện thoại có sóng. Tôi lấy hòn đá to bằng đòn ngồi đặt chỗ đó làm dấu, đứng xê dịch ra chỗ khác không có sóng. Nhiều người ngồi gọi khiến hòn đá mòn nhẵn thín”.
Ông La Lang Đờn nhà ở gần “hòn đá” giãi bày: “Mấy người dưới đồng bằng mới lên đây công tác “than” không có sóng gọi điện thoại, tôi chỉ lại chỗ hòn đá. Gọi điện thoại xong ai cũng bất ngờ, lạ lẫm. Còn người dân ở đây muốn gọi điện thoại cũng đến chỗ hòn đá này”.
Ngoài câu chuyện sóng điện thoại, ông La Lang Đờn kể, ở đây không có chợ phiên họp bán “hàng nằm” mà phải mua lại thức ăn từ người rảo bán chợ di động. Mùa mưa lũ, bến nước Phú Giang nước chảy cuộn trào lênh láng, chỉ còn ló mấy đọt tre, trước đây bà con đồng bào dân tộc thiểu số kết bè chuối chống qua sông, nay thì sắm sõng câu (một loại xuồng nhỏ) qua lại. Thế nhưng, trên đường đi còn cắt quãng bởi con suối “rách” (suối đá lởm chởm) nên bà con ở đây không đi qua bên trung tâm xã thường xuyên, thường là “năm mười ngày hoặc nửa tháng” qua “bển” một lần. Đường xá, sông suối cách trở vì thế, thức ăn mua chủ yếu là nước mắm, cá mặn “thủ” trong nhà. Khi nào dọn cơm ra trong bữa ăn chỉ còn con cá mặn cuối cùng mới đi qua trung tâm xã.
Quay lại bến nước Phú Giang, gặp một người bán chợ di động đang tháo xuống yên xe máy 2 giỏ cần xé, tôi phụ tay đỡ gánh xuống bãi cát, rồi hỏi: “Hằng ngày chị qua bán bên Phú Hải à?”. “Hôm nào bán chưa hết hàng thì tôi “làm siêng” qua. Mùa nắng bến sông nước cạn, qua lại thuận lợi nên thỉnh thoảng chợ di động của tôi cũng “rao” bán đến Phú Hải chứ không phải chỉ bán ở bên này sông. Mặt hàng chợ di động “gói gọn” trong 2 giỏ cần xé nhưng đầy đủ các loại: thịt, cá, mắm…”. Nói xong người phụ nữ “đầu treo, đầu trễ” gánh giỏ cần xé lội sông.
Thôn Phú Hải có phân trường tiểu học, hằng ngày giáo viên bên trung tâm xã qua dạy. Thầy Trình Ngọc Vinh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Mỡ tâm sự: Mùa mưa thì không nói, còn mùa nắng, có hôm gặp mưa nguồn, nước sông dâng cao bất thường. Hồi tôi mới lên dạy mặc quần ống túm qua lại “lỡ cởi lỡ vén”, sau đó kinh nghiệm may quần ống rộng, qua lại cho tiện. Trẻ em qua đây được người lớn cõng qua sông, còn con gái được chàng trai “kẹp nách” đưa sang.
Cá ăn trái độc
Ở trên địa phận vùng cao, sông Bà Đài chảy qua xã Phú Mỡ được tiếp thêm sức mạnh bởi các con suối như suối Chín Bếp, suối La Hiên, suối Mun và suối Cà Tơn. Dọc theo các con suối này có một loại cây bòn hòn, loại cây này trái đắng “đắng như bòn hòn” lại có chứa độc tố. Nhiều người dân vùng quê dùng trái bòn hòn giã nhỏ thả xuống ao nước hay vực sâu gọi là “suốt”, cá ngấm vị đắng trái bòn hòn đỏ mắt, say trồi đầu lên mặt nước bơi lờ đờ, dùng vợt bắt. Bòn hòn ra trái thòng xuống dòng suối, khi chín rụng trôi theo dòng nước, cá phá có trọng lượng cỡ 10 đến 20kg, loại cá to nhất dòng sông sống ở nơi thượng nguồn sông Bà Đài lại ăn trái bòn hòn.
< Hoa lộc vừng soi hồng mặt nước ven sông Kỳ Lộ.
Mùa trái bòn hòn chín rụng (thường là tháng 3), người dân quanh vùng thả lưới bắt cá làm ruột không sạch ăn phải trái bòn hòn… say (không nguy hiểm tính mạng vì ít). Thế nhưng thịt cá phá tuyệt hảo, loại cá này ở Phú Yên chỉ còn sống sót ở thượng nguồn dòng sông Bà Đài. Ông Nguyễn Toán, cư ngụ ở xã Phú Mỡ hơn 10 năm cho biết: “Thịt cá phá ngon ở chỗ ngọt nước, chỉ cần đầu đuôi cá nấu với lá nắm dang nêm vài hột muối không cần gia vị là ngọt “lủng nồi”. Chính vì vậy dân gian có câu “Đầu cá phá, má (mép) cá trê” là vậy đó. Phần thân còn lại kho keo ăn rất béo”.
Ông Toán cũng phân trần, dọc sông Bà Đài còn có cá sóc hà nhao, một loại cá nhỏ, con nào to lắm chỉ bằng 3 ngón tay. Cá sóc hà nhao khác với cá sóc thường sống ở hạ nguồn ở chỗ, cá sóc thường thân tròn và toàn thân vảy trắng; còn cá sóc hà nhao thân dài, lưng đen. Loại cá này mình xương nhưng nướng thơm phứt, nếu đem kho già lửa một tí thì thịt cá thơm ngon, có vị béo.
Người dân ở đây có phong tục “lạ” là vào dịp mùng 5 (tết Đoan Ngọ), ngày tết (Nguyên đán) không vui chơi ở nhà mà ra ngồi bãi cát dọc dòng sông mang theo xoong nồi, bát đĩa. Sau khi thả lưới bắt cá, lấy 3 hòn đá kê làm 3 ông Táo rồi quơ củi rù rì nấu nướng cá ăn tại chỗ.
Từ bến nước Phú Giang đến suối Cà Tơn, mùa cây lộc vừng trổ bông soi hồng mặt nước. Giữa trưa đi dọc dòng sông, nắng trên đầu như sắc lại nhưng hai bên triền soi bắp đang trổ cờ phun râu xanh mượt. Xuôi xuống dưới ngã ba suối Cà Tơn thì con sông không còn gọi là sông Bà Đài nữa mà người dân quanh vùng gọi là sông Cái.
Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3
Theo Mạnh Hoài Nam (Báo Phú Yên)
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.