Chúng tôi về với chùa Thọ Am (còn gọi là chùa Bất Nhiễm) ở xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội một buổi trưa ngày mùng Một đầu tháng. Gần đó, Hà Nội nổi tiếng có chùa Tứ Kỳ, chùa Văn Điển, chùa Pháp Vân…đã nhiều người biết đến. Trong khi chùa Thọ Am thì ít người biết hơn, nên việc tìm đường cũng vất vả hơn cho những ai lần đầu muốn tìm đến thăm chùa.

Xuôi theo con đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, tới cuối địa phận Hà thành về phía nam gần tới đường cao tốc rồi theo con đường nhỏ phía bên phải, men theo đường đất chừng 500 mét, thì qua đường hầm nhỏ (cầu chui dân sinh), phía bên phải là chùa Thọ Am. Ngôi chùa mái đỏ u tịch mang tên Bất Nhiễm Tự nổi bật giữa đồng lúa xanh ngút ngát.

< Cổng chính chùa nhìn ra ngoài, con đường thẳng tắp ra sát đường quốc lộ.

Chùa gần như bốn bề được bao bọc bởi ruộng lúa, ngay lối chính dẫn vào cổng chùa, có chừng 100 mét mà hai bên thẳng tắp những hàng lúa xanh mơn mởn. Cái nắng gắt trưa hè, xen lẫn gió đồng nội, đượm thơm mùi lúa mới. Chưa tới cổng chùa, nhưng chúng tôi ai cũng cảm nhận sự thanh bình, trang nghiêm, thanh tịnh…

Tương truyền từ năm 684, chùa đã được xây cất trên mảnh đất có thế “rồng cuốn đàn cá chép”, chầu về hướng làng Phương Nhị – nơi táng Cao Biền; chính vì nằm giữa bốn bề ao hồ nên mới có tên là Bất Nhiễm.

< Chính điện Tam Bảo.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa bị bắn phá rồi bị cháy nên không còn giữ được kiến trúc cổ. Song lạ kỳ thay, góc chùa còn vẹn nguyên dáng dấp cổ xưa của một cây sữa mà phụ nữ khắp vùng này bao đời nay thường trang trọng tới đây xin lấy vài giọt nhựa cây, vào chùa khấn thầm rồi hòa nước uống để đạt ý nguyện có nhiều sữa nuôi con…

< Chuông đồng cổ nằm im lìm trên tháp.

Cây sữa này cũng chính là nơi treo lá cờ đầu tiên của tổ chức Nông hội đỏ thành lập cách đây hơn 70 năm.

Bất Nhiễm Tự nay thuộc thôn Thọ Am, xã Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội. Nơi đây vẫn còn phảng phất nét đặc trưng của một làng Việt cổ và theo lời cụ Phùng Hữu Kiêm, SN 1920, một trong số hàng trăm người già trong làng (cả làng có tới 14 cụ thọ từ 90-99 tuổi): thuở xa xưa, giữa làng là khoảng 20 cái ao vuông thành sắc cạnh, chạy thành vệt dài, giữa là bờ đi nho nhỏ. Nguyên do vì nhà nào khi xây cất cũng đào đất giữa làng để đắp nền nhà, tạo thành ao liền kề cho tiện việc sinh hoạt và lấy nước chữa cháy (bởi mái nhà nào cũng lợp toàn bằng rơm rạ). Ngày nay, với đà đô thị hóa, nét đặc trưng trên vô tình tạo cho Thọ Am sự ngăn nắp, gọn gàng thành những dãy phố nhỏ, giữa có lối đi rộng rãi, bao bọc lấy làng vẫn là những bụi tre rậm rạp.

< Trước thềm chính điện Tam Bảo trồng nhiều hoa Đại Đỏ, ngoài sân lá vẫn rụng đầy…

Trước sân đình Thọ Am – nơi lưu giữ 37 đạo sắc do vua Lê ban cho từ những năm đầu thế kỷ 17 vẫn còn một cái ao rộng và 5 cây quéo thân rộng 2 người ôm không xuể. Hậu cung đình là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng; riêng chùa Thọ Am ghi dấu những ngày hoạt động cách mạng đầu tiên của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười (quê hương ông chính là làng Nhót) cùng các ông lang Bằng, Nguyễn Thọ Chân, 3 chị em bà Nhì, bà Tam, bà Tứ…

< Một góc sân chùa trước sảnh nhà thờ Mẫu.

Thọ Am đã và đang giàu lên với nhiều nghề phụ, không còn nghề bện thừng nứa; những người con Thọ Am xa quê có quyền tự hào khi nhớ về nét đặc trưng thuần Việt của làng mình, nhớ về di tích lịch sử chùa Bất Nhiễm và tự hào vì là mảnh đất hiền hòa có nhiều người sống cao tuổi.

Tổng hợp từ internet, ảnh Kiến Thức.net
Du lịch, GO!