(ANTĐ) - Cuối buổi chiều đông, dưới chân núi Pha Luông (phía Đông huyện Mộc Châu, Sơn La) mây phủ, phi xe máy từ trên lưng chừng dốc xuống lạnh thấu xương. Ngồi vào mâm cơm, sau chén rượu ấm, mới để ý thấy có mấy món ăn là lạ trông giống măng nhưng cứng và dài hơn, có màu xanh lá.

Ừ  thì hỏi sau, trước hết thử ngay miếng măng ớt xem thế nào đã. Khúc măng  dài tầm ba đốt ngón tay, rộng chừng bao diêm trông cứng ngắc, thế mà động đũa vào xé ra thì lại mềm. Mùi cái giống măng ớt này thì như nhau cả: hăng hăng, nồng nồng, nhưng cắn một miếng thì chao ôi! Ngon hiếm thấy!

Cay. Hiển nhiên rồi, măng ngâm ớt lại chả cay! Nhưng mà ngọt! Sau cái cay vừa tê tê đầu lưỡi, nóng bừng toàn thân là vị ngọt mát, là mùi thơm dìu dịu. Miếng măng không sần sật giòn mà mềm, lại hơi dai dai. Mặc kệ ai gắp thịt, gắp cá. Ta cứ cắn một miếng măng, đệm thêm một miếng xôi để nguội, thi thoảng lại nhấc chén rượu lên. Không biết say là gì mà toát mồ hôi ướt tóc mai ăn vẫn thấy ngon.

Ông cụ người Thái ngồi mâm bên cạnh nói với sang: cậu chàng này chắc ăn nhiều lần rồi, biết thưởng thức đấy! Chưa rõ ý người nói thế nào thì ông cụ đã cầm chén sang giải thích: “Ngày trước người Thái đi nương, bữa trưa có khi chỉ có nếp xôi với vài miếng măng này cùng nậm rượu. Rượu uống cạn, xôi chấm nước măng ăn cùng miếng măng, thế mà làm việc không biết mệt”.

Măng thì ăn nhiều rồi, cũng nghe khu vực Tân Xuân, Xuân Nha nhiều măng rồi, nhưng ăn ngọn cây tre non kiểu này thì chưa từng (là mình gọi thế, chứ đồng bào ở đây vẫn gọi nó là măng: măng nứa, măng hốc). Bởi thường măng mình vẫn ăn là loại măng vừa mọc cao từ 20-50cm, thường chỉ có vào mùa mưa, bà con hái về dùng khi còn non. Còn cây tre non này đã cao quá nóc nhà, mùa đông bà con cắt cây xuống và chỉ lấy một phần còn non ở trên ngọn, thế cho nên mới thấy thành từng khúc xanh và có vẻ cứng.

Măng đem về thường đem luộc chấm muối trộn các loại gia vị: ớt, mắc khén, lá chanh, hơi ngái ngái nhưng khá ngọt, nếu thích cũng có thể thái ra đem xào. Ngon nhất vẫn là bổ miếng ra ngâm cùng muối và ớt thành món măng ớt. Cất kĩ trong bếp, bữa nào rét đậm hoặc có khách quý bỏ ra dùng, vừa ngon, vừa ấm người, chống lạnh.

Măng bình thường thì bà con bán nhiều, riêng loại măng đặc sản này tuyệt nhiên không thấy ai bày bán ở Mộc Châu. Thấy bảo ở vùng núi cao chót vót trên đỉnh Tà Sùa ở Bắc Yên bà con làm cũng ngon lắm và lại cũng bán nữa. Nhưng đến Bắc Yên thì xa quá, chuyện đi Tà Sùa hãy để ngày mai. Giờ thì cạn chén, ăn măng thôi!

Theo Ngô Thành Đạo (báo An Ninh Thủ Đô)
Du lịch, GO!