Đi theo đường Hà Nội - Bắc Ninh, đến ki-lô-mét 20 nhìn về bên trái thấy có quả núi đất mọc lên giữa đồng lúa mênh mông. Phía dưới chân núi là dấu tích dòng sông Tiêu Tương cổ thơ mộng còn tại lưng chừng núi, giữa rừng cây sum suê, thấp thoáng mái chùa cổ kính. Đó là chùa Tiêu Sơn, tên chữ Thiên Tâm tự, nay thuộc xã Tương Giang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

< Cổng chùa Tiêu Sơn.

Nằm gần trung tâm Phật giáo Luy Lâu, lịch sử chùa Tiêu Sơn gắn liền với lịch sử dựng nước của dân tộc. Linh khí đất Tiêu Sơn đã sản sinh cho dân tộc một người con ưu tú. Đó là vua Lý Thái Tổ.

Đến Tiêu Sơn, ngay trên đường lên nhà Tổ và chùa chính, ta gặp một nhà bia. Ở hai cột nhà bia đắp nổi đôi câu đối:

Lý gia linh tích tồn bi ký,
Tiêu lĩnh danh khu đắc sử truyền.
(Dấu thiêng nhà Lý còn bia tạc,
Danh thắng non Tiêu có sử truyền).

Ở giữa nhà bia đặt một tấm bia bằng đá nhám kích thước 60 x 40 x 25cm, mặt chính khắc bốn chữ “Lý gia linh thạch”. Bia trước ở vách núi, ba mặt bị đất cỏ che lấp, khi chuyển vào nhà bia, người ta mới biết mặt sau có khắc chữ Hán.

Chùa Thiên Tâm quy mô to lớn. Trước đây, hằng năm có hàng trăm tăng, ni từ khắp nước về đây nghe kinh, giảng đạo. Trong nhiều thế kỷ, chùa là nơi khắc ván in các bộ kinh lớn của nhà Phật. Vào năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, ngôi cổ tự bỗng chốc đã biến thành đống tro tàn. May thay ở sườn núi còn khá nguyên vẹn 14 ngọn tháp, là nơi yên nghỉ của các vị sư tổ.

Vào những năm 80 của thế kỷ XX, chùa Tiêu Sơn đã được dựng lại đơn sơ trên nền móng cũ. Năm 1992, nhân dân địa phương công đức tiền của dựng ngôi bảo tháp thờ vọng Lý Vạn Hạnh ở trước tòa tam bảo; lại dựng tượng vị thiền sư trên đỉnh núi Tiêu. Tượng Lý Vạn Hạnh tạo ở thế tọa thiền cao 8m, mặt hướng về phía kinh thành Thăng Long. Năm 2001 dựng lầu Bồ Tát giữa hồ nước lớn trước chùa. Năm 2002 dựng nhà Tổ. Năm 2003 dựng tam bảo theo kiến trúc xưa.

Tương truyền, vùng Tương Giang, Từ Sơn, Bắc Ninh, hơn nửa thế kỷ trước, một trong số các ngôi tháp trong vườn tháp chùa Tiêu Sơn có tượng bó cốt của một vị Thiền sư. Người đã để lại nhục thân của mình cho đời sau như một minh chứng cho lý tưởng Bồ Tát đạo.

Theo lịch sử Phật giáo, Thiền sư Như Trí là người đã có công khắc in Thiền Uyển Anh tập vào năm 1715 tại chùa Tiêu Sơn. Đây là bộ sử Thiền có giá trị trong kho tàng văn hoá Phật giáo nước nhà. Trong bài kệ truyền pháp của chùa Tiêu Sơn cũng có một đoạn nói về Thiền sư Như Trí: “Minh chân như tính hải. Kim tường phổ chiếu thông. Chí đạo thành chính quả. Giác ngộ chứng chân không”. Nửa thế kỷ trở lại đây, ngôi tháp được bịt kín, trông bề ngoài không khác là bao so với các ngôi tháp khác trong vườn.

Theo một nhà nghiên cứu về đạo Phật thì hệ phái Thiền Tông lấy pháp vô tướng làm căn bản, hành đạo mà không lưu dấu vết. Việc để lại xác thân của các Thiền sư là một cách thể hiện lý tưởng Bồ tát đạo để cho người đời sau chứng nghiệm, có tu là có kết quả, tu kiếp nào thì kết quả hiện tiền kiếp ấy. Tượng Thiền sư Như Trí tư thế ngồi thẳng, mắt mở to, tay để vững chãi, chân bán già; tuy đã tịch diệt nhưng tinh thần không lìa bỏ thế gian. Bằng xác thân của mình, Ngài như đang dẫn dắt người đời sau đến với đạo một cách chân thực, giản dị.

Dòng tượng bó cốt nhục thân các thiền sư không chỉ có ý nghĩa về lịch sử, văn hoá mà còn chứng tỏ những khả năng kỳ diệu của con người. Lần lượt bóc sạch những lớp vỏ bí hiểm của tôn giáo để chứng minh cho một chân lý: có tu thì có đắc.

Ngày nay, du khách về vãng cảnh chùa không những được hiểu sâu hơn về thiền sư Vạn Hạnh mà còn biết thêm thiền sư Thích Như Trí, viên tịch 1723, để lại nhục thân còn khá nguyên vẹn trong tháp Viên Tuệ trước chùa.

Thiền sư Thích Như Trí là người có công lớn trong việc sưu tập và in ấn các cuốn sách của đạo Phật để lại cho đời những ấn phẩm quý, những áng thơ hay. Chùa còn lưu giữ tài liệu 'Thiền uyển tập anh', tác phẩm sử học và văn học có giá trị ghi chép về các vị anh tú trong vườn thiền thời Lý.

Du lịch, GO! tổng hợp, ảnh Vutuantv (Panoramio)