Theo đường quốc lộ 1A từ Nam ra miền Trung, ngay khi vừa vào trung tâm thành phố, nếu rẽ trái vào đường Nguyễn Huệ cũng trục đường thẳng lên ga Huế, sau chừng 300m thì bạn sẽ thấy Cung An Định phía bên tay trái, còn phía trước là ngôi giáo đường Dòng Chúa Cứu Thế hay còn gọi là Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Huế.

Đây là một công trình công giáo đồ sộ, có giá trị kiến trúc cao tại thành phố, được xây dựng từ năm 1937 đến 1942 - cũng là một địa chỉ đỏ của giáo dân ở cố đô và cả khách thập phương. Người ta không chỉ tới đây cầu nguyện mà còn để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tráng lệ của công trình này.

Nhà thờ Đức Mẹ hằng cứu giúp ở Huế có mặt bằng đối xứng qua trục trung tâm. Bố cục mặt bằng có nhiều đổi mới: Không gian hành lễ và cung thánh ở mặt trước, giữa có cánh phụ trồi ra hai bên và nổi bật ở giữa một tháp chuông cao vút, phòng thánh (phòng áo) ở phía sau, bao quanh hình cánh cung.

Hình thức kiến trúc mái sảnh vào chính, mái lớn gian hành lễ, mái nhỏ hai bên cánh và trên các lớp tường giật cấp, mái xoè rộng trên các tầng tháp đều mang đường nét kiến trúc truyền thống Việt Nam.

< Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, ảnh chụp mùa xuân năm 1968.

Khuôn viên nhà thờ rộng và có hình tam giác, đỉnh là giao của ngã ba đường Nguyễn Huệ và Nguyễn Khuyến. Phía trước có tượng Chúa, phía sau, bên trái là hang Đức Mẹ và chúa Hài Đồng. Mặt bằng kiến trúc chính sâu 70m, bề ngang từ 15-37m. Vật liệu chính xây nhà thờ là Bê tông và đá xanh, mái lợp ngói đất nung.

< Không ảnh, năm 1970 - cho thấy khuôn viên nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế có hình tam giác..

Mái nhà thờ cao 32m, chính giữa nhà thờ là tháp chuông (điều khiển bằng điện) gồm ba tầng mà một chóp có độ cao 53m. Đỉnh chóp nhọn vươn thẳng kết hợp với phần thân lợp ngói có mái, kiến trúc của nhà thờ là sự tổng hòa kiến trúc Đông - Tây. Phía trong ba tầng tháp là nơi treo 4 quả chuông lớn nặng 1.5 tấn, trên mỗi chuông đều có những chi tiết nổi đặc sắc.

Những mái ngói xô lệch rất Á Đông, những đường cong mái kết hợp những bậc cấp hết sức hợp lý và hài hòa.

Ô thông gió cùng những họa tiết đơn giản nhằm phá vỡ những mảng tường lớn đem lại sự nhẹ nhàng và duyên dáng cho toàn bộ công trình. Những cuốn góc giả ở các bậc nhảy phản phất hình ảnh các mái đình làng quê.

Nhìn từ tầng tháp thứ nhất về phía Tiền Đường, con lươn đỉnh mái dài chừng 50m, rộng 30dm, những người 'gan lớn' vẫn đi theo con lương này để bắt đèn điện vào các dịp lễ. Hệ thống mái tầng tầng lớp lớp với độ xuôi rất lớn. Mặt hai bên có cấu trúc tương đồng với Tiền Đường, ở mỗi mặt phía trên cao đều có một tượng thánh khá lớn.

Hành lang hai bên dài 26m, rộng 4,2m thật thoáng đạt. Kiến trúc đặc biệt của nhà thờ là cửa rộng và không có vách. Phần hiên của thánh đường được thiết kế rất rộng, khi đông người dự lễ có thể mở rộng cửa. Vì thế người ở ngoài hiên vẫn có cảm giác như đang trong thánh đường.

Bàn thờ chính được làm bằng đá cẩm thạch màu hồng, nguyên phiến dài 3,6 m, rộng 1,25 m và cao khoảng 0,3 m. Cạnh đó có 2 bàn thờ nhỏ cũng làm bằng loại đá quý này. Trong thánh đường còn có trống, chiêng đậm tính Á Đông.

Phía trên hoàn toàn là những khung gương kéo lên tận vòm mái với nhiều màu sắc khác nhau, tách khỏi chặng Đàng Thánh Giá bên dưới bằng một hình thánh Giá cách điệu, thông với phần mái bên ngoài. Có mười hai hình Thánh Giá được chạm trên mười hai tấm cẩm thạch rất đẹp, gắn trên mười hai cột trụ (mười trụ dưới gian chính và hai trụ đầu của gian Cung Thánh), tượng trưng cho mười hai thánh Tông Đồ. Dưới mỗi thánh giá có một đèn chầu.

Bước vào thánh đường, ta có cảm giác ở đây không có cột, không có vách, không hệ thống điện… bên trong luôn có đủ ánh sáng tự nhiên. Nội thất nhà thờ rộng 38m, dài 72m luôn được chiếu sáng bởi hệ thống những tấm kính màu cỡ lớn trên các mảng tường.

Nếu có điều kiện đến thành phố này trong dịp Noel, đón lễ Giáng sinh trong khu thánh đường của nhà thờ dòng Chúa cứu thế, bạn sẽ có được cảm nhận về sự trang trọng và lòng thành kính giống như các giáo dân vẫn thường hướng về đấng tối cao. Với những người không theo đạo Thiên Chúa thì đó là một khám phá rất mới mẻ về mặt tâm linh.

Du lịch, GO!