(TTO - ĐĐK) - Mùa lúa, Bản Mù xanh một màu mê mải. Những con đường nhỏ cheo leo trên sườn núi, ngang qua những thửa ruộng đang thì con gái, hương lúa vào đòng quấn theo từng bước chân...

Tôi trở lại Bản Mù sau năm năm giấc mơ đóng cửa. Năm năm trước, tôi đã có dịp dừng chân ở Trạm Tấu khi chiều buông trên núi. 13km đường vào Bản Mù nhọc nhằn qua lời kể của dân địa phương đã cản bước chúng tôi. Năm ấy, Bản Mù ở một nơi nào đó rất xa.
Năm năm sau, tôi quay về Trạm Tấu. Đường lên Bản Mù dường như vẫn thế, không bớt gập ghềnh hơn. Nhưng tất cả vẫn lên đường, bằng cái thôi thúc của “dân đi” tìm kiếm những con đường xanh, những đỉnh núi ngập trong mây, những đôi mắt trẻ em trong veo dưới mái hiên nhà lợp gỗ pơmu thơm ngát.

Lúa reo đỉnh trời

Từ thị xã Nghĩa Lộ rẽ trái theo hướng tây nam độ 30km là tới trung tâm huyện. Đường đi khá rộng rãi, chạy dọc theo ngòi Thia, rừng rất xanh và lúa cũng rất xanh. Trạm Tấu là nơi đầu tiên tôi được thưởng thức thứ gia vị mang tên “mắc khén” của núi rừng Tây Bắc. Loại tiêu rừng này có mùi tinh dầu rất thơm và đặc biệt, thường được nướng lên và giã nhỏ làm đồ chấm hoặc tẩm ướt vào món ăn, ai ăn một lần cũng nhớ mãi.

Con đường từ Trạm Tấu đi Bản Mù không có gì thay đổi so với lời kể của anh chàng người Mông tôi gặp năm năm trước, đất đá lổn nhổn, bụi bay mịt mù. Nhưng chỉ sau một khúc quanh, một biển lúa xanh dập dờn như cánh sóng đã đón chào, thật đáng giá cho những cú xóc nẩy người, những pha lạc tay lái vì lao vào đá hộc. Tôi gần như choáng ngợp trước những lưng núi ngập tràn màu xanh của lúa, những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ, bát ngát như thể “lúa reo đỉnh trời”. Thỉnh thoảng, xen lẫn cánh rừng là đám lúa nương khiến bức tranh Bản Mù thêm sắc màu và đậm nét.

Chúng tôi dừng lại xem một gia đình người Mông đang cào đất làm nền nhà. Mỗi người mỗi việc. Đàn bà dọn cỏ, nhặt đá, đàn ông san đất, trẻ con chạy nhảy lăng xăng, đứa nhỡ trông em, đứa lớn hơn giúp mọi người làm việc lặt vặt.

Mấy người phụ nữ như thể đang xếp hàng đồng diễn vẻ đẹp của lao động. Chiến xa cào đất bằng sức người in hình trên nền trời bồng bềnh mây trắng khiến ai cũng ngơ ngẩn, mãi mới có thể rời đi.

Bản Mù, “cao” và “thấp”

Từ Mù Thấp, núi rừng mở ra trước mặt như cánh cửa vào một thế giới khác. Đường lên Mù Cao ngoằn ngoèo trước mắt, con dốc cao mới nhìn đã thấy chóng mặt. Ở cuối con đường ấy là bản làng. Chính bản làng đã khiến chúng tôi hăm hở, khao khát chinh phục cung đường nối Mù Thấp và Mù Cao.

Đường xấu không làm nản lòng các chiến mã. Bù lại, những ngôi nhà lợp gỗ pơmu nằm chênh vênh hai bên đường hay giữa những thửa ruộng xanh đẹp như trong cổ tích. Mải mê, xe của tôi và An là xe cuối cùng lên đến Mù Cao. Không hiểu bằng sức mạnh nào An đã không bắt tôi xuống đi bộ như các “ôm” xe khác, mà phi một mạch đến kịch đường, nơi nếu muốn đi tiếp tốt nhất nên... đi bộ cho an toàn. Mấy chàng trai trong nhóm cứ thế nhìn theo thán phục.

Cả nhóm ăn trưa trên vỉa hè điểm trường tiểu học Mù Cao. Mấy cô bé, cậu bé nhà quanh đó ùa ra tò mò ngắm khách lạ. Thân thiết. Không trả lời mạch lạc các câu hỏi, nhưng em nào cũng hớn hở, mắt ánh lên cả nụ cười. Tôi cảm được bọn trẻ đang vui, giống chúng tôi khi xưa luôn mong nhà có khách. Ở nơi xa xôi, cách trở này, có một đám người lạ vượt cả chục kilômet đường đá sỏi gập ghềnh, lên đến Mù Cao chỉ để ngắm lúa và chơi với trẻ đã có thể coi như một món quà cuối tuần thú vị. Có lẽ vì thế, mọi người đã ở Mù Cao đến hơn nửa buổi chiều, chỉ để chơi và chụp với bọn trẻ cơ man nào là ảnh.

Khi chúng tôi rời đi, sang bên kia sườn núi để biết con đường trước mặt sẽ dẫn đi đâu, bọn trẻ đứng trên sân trường lưu luyến vẫy tay tạm biệt. Tôi ngồi sau lưng bạn đồng hành ngoái đầu nhìn lại chợt thấy khóe mắt mình rưng rưng...

Bức tranh miền núi

Quay trở lại Mù Thấp để tiếp tục chinh phục con đường trên sườn núi bên kia thung lũng. Hỏi ra mới biết đây là đường vào thôn Tà Ghênh và Háng Chi Mua, cũng thuộc xã Bản Mù. Từ bên này con đường nhìn ngược lại Mù Cao, lại thêm một lần ngây ngất bởi những sóng lúa đẹp như tranh vẽ.

Một người phụ nữ Mông với chiếc khăn đội đầu màu cam đang nhổ cỏ giữa ruộng, cạnh viên đá to khổng lồ là chiếc gùi và chiếc ô xòe. Bức tranh miền núi thật hạnh phúc và yên bình. Không cưỡng lại được, An lại dừng xe và hai đứa men theo triền núi xuống ruộng. Màu áo tím của An nổi bật giữa màu xanh núi rừng. An nằm soài mình trên tảng đá, hít căng lồng ngực những nhịp thở thiên nhiên trong lành và ngọt ngào hương lúa non. Người phụ nữ khăn cam vẫn tiếp tục công việc của mình một cách lặng lẽ...

Tôi nhìn mãi về căn nhà cô độc trên thửa ruộng ở dưới đáy thung lũng rợp lúa kia, và biết có một Bản Mù bình yên đã in dấu trong trái tim mình như thế.
Xem thêm > Theo Thủy Trần (Dulich.Tuoitre)

Tìm về với Bản Mù (21/04/2013)

Cuối tuần, tôi cùng bạn bè vượt quãng đường xa khoảng 300 cây số để đến với Bản Mù, thuộc huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái). Cuộc sống của người dân hôm nay tuy đã có đổi thay, nhưng con đường quen thuộc để đi lại trong Bản Mù vẫn gồ ghề toàn sỏi đá, có những đoạn dốc cao tưởng như dựng đứng khiến nhiều chiếc xe "chiến” phải chết máy lưng chừng!

Từ Hà Nội lên đến Bản Mù có hai con đường đi, nhưng để đi được vào sâu trong xã thì đều phải trải qua đoạn đường vô cùng vất vả, ước chừng gần 20 cây số. Nhìn toàn cảnh Bản Mù cũng chẳng khác những vùng dân cư sống ven sườn núi khắp vùng Tây Bắc. Nơi nào quanh các địa bàn sâu xa của các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu... cũng đều như vậy, đều yên ắng và hoang vu giữa đại ngàn bao la và khúc khuỷu đường trường. Bản Mù nằm chênh vênh, lạc lõng với những mùa sương giăng kín lối.

Cheo leo bên sườn núi là những ngôi nhà nhỏ nằm rải rác cách nhau hàng cây số. Tuy nhiên, Bản Mù hôm nay không còn quá nghèo nàn như những năm về trước, họ đã biết dựng cho mình những ngôi nhà gỗ nhỏ xinh, chắc chắn. Chị Sùng Thị Dung (21 tuổi) người Bản Mù kể chuyện gia đình chị và dân bản cho chúng tôi nghe. Những người già tôi gặp trên đường đến đây đa phần không biết tiếng Kinh, chị Dung cũng nói giọng "lơ lớ”, có nhiều câu chữ chị không hiểu hết và có khi nhầm lẫn. Chị khoe gia đình chị vừa làm xong được ngôi nhà nhỏ, có vợ chồng chị và hai đứa con ở rất yên bình.

Nhìn khuôn mặt có phần khắc khổ, chậm chạp, tôi không nghĩ chị đã có tới hai đứa con. Chị nói chị "tảo hôn”, vì lấy chồng từ năm 17 tuổi. Ngôi nhà Sùng Thị Dung được làm tính ra tiền mua mái lợp, nhờ anh em làm giúp và mua đồ lặt vặt mất khoảng 6, 7 triệu là hoàn thành.

Những ngôi nhà gỗ nhỏ luôn khiến cho du khách tới đây phải tò mò, bởi nhìn từ ngoài trông ngôi nhà nào cũng giống nhau, cũng đều nhỏ xinh và yên ấm, khiến nhiều bạn trẻ tới đây xuýt xoa muốn được "thử sống” một ngày!

Ở vùng núi này, người dân sống rất dân dã. Dọc đường đi quanh Bản Mù, Làng Nhì hay Phình Hồ chúng tôi gặp rất nhiều những con lợn thả rông màu đen và lợn lang. Người dân sống nhờ vào những vật nuôi và rau quả tự trồng. Những cây dại mọc ven đường đôi khi lại là quà cho trẻ nhỏ như cây táo dại, dâu rừng, quả mâm xôi...

Nhìn người dân tộc cầm chiếc bát đựng đầy những quả mâm xôi rừng màu vàng, có vị hơi chát mà thấy thương các em hơn. Người dân tộc ở Bản Mù quanh năm có khi không ra khỏi bản, như chị Sùng Thị Dung bảo rằng, chị chưa một lần được xuống tới Hà Nội, từ nhỏ mới được ra tới thị trấn Nghĩa Lộ cách đó chừng 30km được 3 lần. Bạn tôi hỏi, chị có dùng gì đến tiền không? em biếu, nhưng chị lắc đầu. Ở đây để đi bộ ra tới đường lớn, mua được gói bánh cho con cũng là cả một vấn đề…

Con đường lên Bản Mù chỉ có đất với đá, những hòn đá rải khắp lối đi, chắn ngang đường có khi to bằng cả đầu người. Những hòn đá lổn ngổn cứ nối tiếp nhau từ dốc đến ngọn khiến người cầm lái phải gồng mình lên vượt dốc, có khi phải bỏ lại bạn đồng hành thả bộ theo sau.

Những đoạn xuôi dốc cũng luôn thẳng đứng khiến đôi bàn tay phải dùng hết sức lực để bóp chặt phanh xe, chỉ sơ suất nhỏ thôi sẽ lao xuống vực.

Đường đèo rất nhỏ mà lại sạt lở liên miên nên đã dốc lại càng dốc, đã sỏi đá lại càng thêm gập ghềnh. Nếu dính phải trời mưa chắc chắn du khách hoặc người dân nơi đây có thể sẽ phải dắt bộ xe hàng cây số.

Ai đặt chân đến với Bản Mù, có lẽ sẽ hiểu vì sao nơi này có cái tên lạ lùng như vậy. Đứng trên độ cao khảng hơn 1.000m, Bản Mù hiện ra trong một biển sương dày đặc giăng kín lối.

Gần trưa nhưng chúng tôi chỉ có thể phóng tầm mắt của mình ra xa hơn một chút ngắm những cây dại ven đường, những đoạn gồ ghề sỏi đá trước mặt.

Màn sương mù mịt khiến những ai đến đây đều có cảm giác choáng ngợp bởi một màu trắng xóa trước sự hùng vĩ của đỉnh đèo. Trời nắng, sương có thể tan nhưng dường như không thể xua hết được màn sương dày đặc ấy, hay có lẽ sương và mây hòa quyện lại khiến du khách đến đây khó nhận biết được khi nhìn ra xa. Một không gian bao la, một khoảng lặng vô hình giữa đại ngàn sâu thẳm, khiến chúng tôi cứ mải miết ngắm nhìn...

Xem thêm > Theo Thu Trang (báo Đại Đoàn Kết)
Du lịch, GO!