Long Châu là quần đảo gồm trên dưới 30 hòn đảo nằm rải rác giống như được một bàn tay phóng khoáng của một vị khổng lồ thích đùa nghịch, vào một ngày đẹp trời, cầm nắm đất quăng bừa trên mặt biển.
1. Chuyến ra đảo đèn Long Châu đầu tiên của tôi cùng ba đồng nghiệp là ba phóng viên mới ra nghề đó là Lưu Quang Định (em trai kịch tác gia lừng danh một thời Lưu Quang Vũ), Nguyễn Anh Dũng và Vũ Tiến. Thời gian thấm thoắt thoi đưa chốc đà đã hơn một phần năm thế kỷ. Ba phóng viên trẻ dạo đó giờ đều giữ ghế tổng, phó tổng biên tập những tờ báo đang nổi đình đám. Chuyến ra đảo lần hai của tôi tới Long Châu cùng với nhà văn đặc công Chu Lai và nhà báo Bùi Đức Toàn - Trưởng ban Biên tập Báo Quân đội Nhân dân cuối tuần.
Long Châu là quần đảo gồm trên dưới 30 hòn đảo nằm rải rác giống như được một bàn tay phóng khoáng của một vị khổng lồ thích đùa nghịch, vào một ngày đẹp trời, cầm nắm đất quăng bừa trên mặt biển. Long Châu là đảo to nhất với diện tích hơn 1 cây số vuông với vẻ đẹp hoành tráng, được tạo nên bằng những triền núi đá tai mèo trơ xám, hao hao dáng vẻ và có lẽ cũng cùng chất, cùng sự khắc nghiệt về thổ ngơi với thung lũng đá Hà Giang. Long Châu nguyên thủy gần như thuần đá và rất khan nước.
< Đèn biển Long Châu trên đỉnh đá (Hải Phòng).
Mùa mưa, dân đảo tìm đủ cách tích nước trời. Mùa khô càng khổ hơn. Đợi thuyền của dân ra, vượt dốc dài thăm thẳm trườn qua núi xuống mua từng can. Thế cho nên nước trên đảo Long Châu được sử dụng triệt để qua nhiều chức năng. Tắm rửa xong giữ lại làm việc nọ, việc kia rồi tưới cây. Rửa rau, vo gạo rồi còn lưu lại sử dụng qua vài việc nữa rồi mới tưới cây. Nước khan như vậy nên chỉ có những cây cỏ có sức sống lạ kỳ lắm mới sống nổi. Trong dân gian mới lưu truyền rằng, Long Châu cũng là “vườn thuốc nam” cực quý là vậy. Năm 2003, đoàn thanh niên đảm bảo hàng hải miền Bắc có sáng kiến vận chuyển 20 khối đất từ đất liền ra, rồi bằng sức người, gùi dần lên đỉnh đảo để tạo vườn trồng rau.
Ở Long Châu có nhiều loại rắn, đa phần thuộc nhóm rắn độc, trong đó nổi danh nhất là rắn lục, rắn nâu và rắn xanh. Lần ra đảo thứ nhất, đoàn nhà báo ngủ lại qua đêm. Anh em trên đảo quý nhà báo nên cứ dặn: Đêm xuống, dù vội đến đâu cũng nên soi đèn để tránh rắn cắn. Các giống rắn trên đảo Long Châu đều rất lành nhưng nọc cực độc. Bác Vũ Văn Lợi, công nhân gác đèn, 30 năm trước ở tuổi 56 bị rắn cắn, may kịp sơ cứu rồi đưa vào bệnh viện trong bờ chữa chạy mới qua khỏi hiểm nguy.
< Quang cảnh quần đảo Long Châu.
Sét ở Long Châu phải xếp vào hàng thượng thặng, ít nơi nào sánh được. Trong cơn mưa, bão trời Long Châu mịt mùng liên tục bị xé nát bằng những chuỗi sét liên hồi kỳ trận. Người trên đảo bịt chặt tai mà vẫn không khỏi ù lên, đầu nhức buốt như gặp bom tấn. Tivi rút khỏi ổ cắm vẫn không tránh khỏi sét đánh đen thui qua cảm ứng. Đặc sản thứ ba ít nhiều mang lại sự thích thú về ẩm thực của dân đảo Long Châu. Đó là dê rừng. Đá ràn rạt hiểm trở như thế, cây cỏ hiếm, song bù lại toàn cây thuốc nên giống dê núi ở đây đúng nghĩa là sơn dương. Giống này cực khỏe, dính đạn thợ săn thủng bụng vẫn lao vun vút trên những triền đá lởm chởm như chông dựng ngược.
Các nhà ẩm thực sành sỏi phong sơn dương Long Châu vào hàng đệ nhất An Nam, vượt lên cả dê núi đá Ninh Bình. Nghe nói đàn sơn dương đảo Long Châu hiện nay chỉ còn lại khoảng hơn chục con. So với trước cũng đã có sự gia tăng số lượng. Hôm đoàn nhà báo cùng đoàn cán bộ của Thành ủy Hải Phòng ra thăm đảo. Dân gác đèn và bộ đội biên phòng quý khách, chi hơn triệu bạc thuê mấy vị thổ dân Cát Bà ra chăng lưới, bắt được một chú sơn dương đãi khách…
2. Đồng Trung Kiên là Giám đốc Xí nghiệp Đảm bảo an toàn hàng hải (ĐBATHH) Đông Bắc Bộ, thuộc thế hệ quản lý thứ ba của ngành ĐBATHH. Nhìn hai cái đầu hói và một mái tóc hoa râm của đoàn nhà văn, nhà báo, lại biết tôi là bạn của bố anh - kỹ sư Đồng Trung Hiền, một người có dáng vẻ hào hoa nổi tiếng trong làng ĐBATHH bởi bộ ria cực đẹp, từng là kế toán trưởng của ĐBATHH miền Bắc, rất ưu ái nên suốt trong chuyến dẫn đoàn ra đảo, Kiên luôn xưng cháu một cách lễ phép với chúng tôi. Chẳng những kế tục gia đình đi theo nghề ĐBATHH mà Kiên được đào tạo bài bản cho nghề này khi anh nhận bằng kỹ sư khoa ĐBATHH tại Trường đại học Hàng hải.
Ra trường về nhận công tác tại xí nghiệp năm 1994, 13 năm sau (năm 2007) anh lên đảm nhiệm vai trò Giám đốc xí nghiệp. Hơn 4 năm giữ trọng trách này, vị giám đốc trẻ đã thuộc nằm lòng mọi cơ sở, mọi lĩnh vực thuộc xí nghiệp. Kiên cho biết, phạm vi quản lý của xí nghiệp anh phủ rộng trên mặt biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình với 240 phao tiêu. Luồng Lạch Huyện là luồng quan trọng hàng đầu cho việc ĐBATHH để tàu ra vào cảng Hải Phòng, riêng phao nhỏ có 150 chiếc, phao lớn 200 chiếc. 10 đèn biển đều ngự trên những địa danh “vua biết mặt, chúa biết tên” như đảo Long Châu, đảo Trần, đảo Cô Tô, đảo Hạ Mai, đảo Bạch Long Vĩ, đảo Hòn Dấu, đảo Sói Đen còn gọi là đảo Thanh Niên…
< Cán bộ, chiến sĩ Đài quan sát Long Châu tuần tra, kiểm soát biển đảo.
Trong bữa cơm dân dã, khách và chủ ngồi chiếu trải trên nền nhà, tựa lưng vào tường nhà đảo đèn, chúng tôi được gặp mặt tất cả 12 cư dân của đảo. Đó là 4 chàng bộ đội của hai trạm biên phòng cùng 8 công nhân nhà đèn Long Châu. Trò chuyện với chàng bộ đội đeo lon Đại úy - Trưởng trạm Biên phòng Nguyễn Xuân Hải - tôi mới biết anh là con trai của ông Nguyễn Xuân Hời, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng, Huyện ủy Vĩnh Bảo. Hải ra đảo gần tròn 3 năm và bắt đầu quen với đảo nên mọi sự khó khăn, khắc nghiệt ở đây đã trở nên bình thường, đến độ mỗi bận nghỉ phép về đất liền lại thấy nhơ nhớ.
12 con người tuy khác đơn vị, ngành nghề nhưng ở trên đảo này coi như anh em trong một gia đình. Việc riêng, việc chung đều bàn bạc, buồn vui cùng chia sẻ. Khách đất liền ra, tất cả xúm vào, mỗi người một việc đón tiếp chu đáo. Trạm trưởng Trạm đèn là Nguyễn Mạnh Hùng, cao dong dỏng, là một tay lành nghề bậc nhất đảo và nếu so với các đầu bếp có tiếng trong đất liền về chế biến dê chắc cũng không kém mấy. Vừa trả lời những câu hỏi của tôi về cách làm thịt dê, Hùng vừa dỏng tai về phía nhà văn Chu Lai nghe câu chuyện ngày càng hấp dẫn của ông nhà văn đặc công tràn ngập ngôn ngữ lính và quá nhiều câu chuyện của người đàn ông từng trải.
< Vịnh đậu tàu thuyền đảo Long Châu.
Đặt đĩa tiết canh xuống chiếu sau khi đã xẻ cho tôi một góc, Hùng chợt reo lên tán thưởng: “Đúng, đúng, nhà văn nói rất đúng. Càng sống lâu, con người ta càng yêu mảnh đất gắn bó với mình”. Dường như để minh họa cho câu nói của Chu Lai ngay sau bữa ăn, Trạm trưởng Hùng dẫn chúng tôi ra thăm mộ liệt sĩ Cao Quang Viên, công nhân gác đèn đã anh dũng hy sinh trong trận đánh bom của Mỹ vào năm 1967. Rồi anh dẫn chúng tôi lên nhà đèn theo cầu thang xoáy trôn ốc có tới gần hai trăm bậc.
Với vẻ thành thạo và am hiểu nghề, Hùng cho chúng tôi biết: “Đèn biển Long Châu bây giờ thuộc loại đèn PRV 24, hoạt động được bằng pin mặt trời do nước Anh sản xuất. Nó gọn nhẹ hơn so với đèn của Pháp nhưng cái bệ do người Pháp xây vẫn giữ nguyên, tạo so sánh cho sự tiến bộ kỹ thuật của nhân loại và cũng là chứng tích của một thời. Vết tường đá phía đông nhà đèn bị rốc-két Mỹ bắn vẫn để nguyên, giống như “vết đạn thành Cửa Bắc” (Hà Nội) tại nhà đèn Long Châu. Tuy nhỏ bé, xinh xắn như vậy, nhưng ánh sáng đèn biển Long Châu đủ sức lan tỏa, vươn tới 25-30 hải lý để những con tàu trong đêm định hướng ra vào an toàn trên mặt biển mênh mông.
Hải đăng Long Châu tọa lạc trên đảo Long Châu, huyện đảo Cát Hải, Hải Phòng, được xây dựng năm 1894, với mục đích phát tín hiệu chỉ dẫn những con tàu khi qua vùng biển vịnh Bắc Bộ lưu thông được an toàn.
Mắt ngọc Long Châu là tên thân thương của ngọn đèn mà những người đi biển thường gọi. Từ xa, ngọn hải đăng Long Châu sừng sững như tháp bút khổng lồ viết lên trời xanh. Ngọn hải đăng cao 109,5m so với mực nước biển và chiếu sáng xa 27 hải lý, tàu biển cách xa Long Châu tới 49km vẫn nhìn thấy ánh sáng ngọn hải đăng.
Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Hiếu (Petrotimes), internet
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.