Một ngày cuối tuần, tôi nhận được tin nhắn: “Sáng mai leo núi không?”. "OK, leo thì leo!". 
Vì là lần đầu leo núi, chúng tôi quyết định chọn 2 ngọn núi khá thấp, dễ leo và có thể chinh phục trong cùng một ngày là núi Ông Trịnh và núi Thị Vải.

< Chúng tôi quyết định leo núi lúc 12 giờ trưa.

Đây là hai ngọn núi thuộc dãy núi Dinh, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách TP.HCM khoảng 100km. Để đến được hai ngọn núi này, từ TP.HCM, bạn đi qua ngã 3 Vũng Tàu, rồi đi quốc lộ 51 hướng ra Vũng Tàu đến thị trấn Tân Thành, qua khỏi chùa Đại Tùng Lâm tầm 500m thì rẽ trái rồi hỏi đường đến núi Ông Trịnh hoặc Thị Vải.

< Trên đỉnh núi Ông Trịnh.

Theo chia sẻ của những thành viên trên các diễn đàn leo núi, núi Ông Trịnh cao hơn 500m và núi Thị Vải cao gần 700m. Đây là chiều cao so với mặt nước biển, tất nhiên bạn không thể leo theo "đường chim bay" từ chân đến đỉnh núi, quãng đường bạn phải leo có thể gấp 4-5 lần chiều cao của núi.

Cũng theo kinh nghiệm của giới phượt thủ, chúng ta nên leo núi ông Trịnh trước, vì núi này đường xấu hơn, ít cây hơn, leo sớm sẽ tận dụng được thời điểm trời còn mát, cũng như nếu có gặp sự cố gì vì đường xấu hay lạc đường thì bạn cũng còn đủ thời gian để xử lý.

< Thoạt đầu, đường lên núi còn có những bậc thang đá và xi măng.

Thế là cả nhóm 4 đứa tranh thủ ăn trưa, mua thêm nước, gửi xe và khăn gói lên đường. Chuẩn bị xong mọi thứ, chúng tôi bắt đầu hành trình của mình vào thời điểm mà người ta thường gọi là “giờ linh”: 12 giờ trưa.

Đường vào núi khá vắng vẻ nhưng rất đẹp. Qua khỏi đoạn đường mòn vào chân núi, chúng tôi bắt đầu những nấc thang đầu tiên. Nắng đấy nhưng ai trong chúng tôi cũng háo hức, vừa leo vừa cười đùa ngắm cảnh chụp ảnh. Bỗng dưng, ai cũng thấy mình cứ như đứa trẻ!

< Cổng chùa Bửu Sơn Tự.

Leo khoảng gần 1/2 đường núi, chúng tôi bắt đầu thấm mệt. May sao, chúng tôi gặp một ngôi chùa nhỏ mang tên Bữu Sơn Tự. Có lẽ đã quá quen “cứu nước” cho những đoàn leo núi, vừa thấy chúng tôi mồ hôi nhễ nhại đi vào chùa, là các sư biết ý, làm ngay cho 2 ca trà đá to. Tôi vẫn luôn thích uống trà đá, nhưng có lẽ chưa bao giờ tôi thấy trà đá ngon đến vậy.

Sau khi dự trữ thêm số nước cần thiết và cám ơn rối rít các sư, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình của mình. Phía trước là đoạn đường khá xa và khó khăn hơn vì không còn những bậc thang nữa. Cả nhóm trổ tài bò, lê, lết,.. đủ "món" để chinh phục những đoạn "đèo" khó.

< Khỉ trên núi.

Rừng núi với nhiều cây cối không được phát quang chính là điều kiện thuận lợi cho lũ muỗi phát triển. Chúng cứ vô tư bu lấy bạn giống như để xua đuổi vì đó là lãnh địa riêng của chúng.

Sau 2 giờ 10 phút, tính luôn cả ngắm cảnh, chụp ảnh, nghỉ ngơi, tham quan và.. đập muỗi, cuối cùng chúng tôi cũng leo đến nơi cao nhất của núi Ông Trịnh. Đứng trên đỉnh núi, để gió lồng lộng luồn vào ngón tay kẽ tóc, thu vào tầm mắt đất trời bốn phương, ngó xuống nhìn màu xanh ngắt của cây, ngước lên ngắm màu xanh trong của trời, hít thở từng luồng không khí trong lành, chợt thấy tất cả những vất vả mà chúng tôi đã cố gắng vượt qua kể ra cũng vô cùng xứng đáng!

< Khi hết thang thì chỉ còn lối mòn. Vậy nhưng dù nắng gắt nhưng ai cũng thấy thích thú.

Nghỉ ngơi trên đỉnh núi khoảng 15 phút, chúng tôi tranh thủ dọn dẹp để xuống núi. Nhưng đường nào để xuống đây?

Rừng núi bao la, khó có thể chắc được rằng bạn sẽ đi “thẳng” hay “xéo”. Thêm nữa, rừng có cây to cây nhỏ có gai, hố, đá nhọn và cả rắn rít, bạn phải xem xét phán đoán để chọn đường đi nào ít chông gai nhất. Cuối cùng, chúng tôi quyết định không về bằng con đường cũ, mà cử 1 thành viên kinh nghiệm nhất đi tiền trạm mở đường. Sau khoảng 10 phút dò đường, bạn ấy chỉ cho cả nhóm một hướng đi mà sau đó, khi tới được chân núi, ai cũng mừng suýt khóc!

< May thay dọc đường núi có những cây lớn để nghỉ chân.

Khoảng vài trăm mét đầu tiên của đoạn đường đi xuống khá nhẹ nhàng, không có nhiều muỗi, nắng cũng đỡ gay gắt, chúng tôi chỉ phải cố gắng đi xuống sao cho thăng bằng, để không trượt ngã. Theo thống kê của những thành viên leo núi kỳ cựu, số người bị thương do trượt ngã khi xuống núi nhiều hơn rất nhiều so với khi leo lên.

Nhưng sau đó không lâu, khi phát hiện bàn tay ai cũng ran rát và rươm rướm máu vì gai và dầm thì chúng tôi lại phải mặc áo khoác và mang bao tay vào. Những tưởng núi rừng đã hết “thử thách” nhưng ngay sau đấy, trước mắt chúng tôi chỉ có một rừng tre rậm rạp bí hiểm. Không còn cách nào khác, đành phải áp dụng thêm vài bài tập của lớp học quân sự ngày trước thôi!

< Cuối cùng cũng đến được đỉnh núi. Giữa trời lồng lộng xanh ngắt bốn phương.

Sau khi lăn, lê, bò, toài và hàng tá lần tiếp đất bằng... mông, rất may tất cả chúng tôi đều qua được rừng tre an toàn. Lúc ấy là gần 16 giờ và chúng tôi đã xuống được khoảng ½ ngọn núi. Phía trước vẫn là cây cối âm u, bốn phía như một, không bậc thang, không đường mòn, không tiếng động, chỉ có tiếng đập thình thịch của 4 trái tim và tiếng kêu cồn cào của 4 cái bao tử…

Đúng 17 giờ, chúng tôi chính thức chạm chân đến chân núi. Mọi người thở phào nhẹ nhõm.

Kết thúc hành trình, tuy đã gặp nhiều sự cố mà chúng tôi không thể lường trước được ở một ngọn núi được đánh giá là vô cùng dễ leo, nhưng chúng tôi đều thấy chuyến đi thật đáng giá. Dù sao thì tất cả đều đã an toàn, "tổng thiệt hại" chỉ có một vài dị ứng ở da, một vài vết xước ở tay chân, giày thì tơi tả 1 đôi mòn 3 đôi (chắc là do lúc trượt qua rừng trúc)...

Trời đã sắp tối, chúng tôi không kịp leo ngọn núi còn lại rồi. Đành hẹn Thị Vải vào một ngày khác. Sớm thôi...

Hướng dẫn thêm:

< Đường xuống núi cũng cam go không kém.

Khi đến núi Ông Trịnh, bạn có thể gửi xe ở các nhà dân xung quanh chân núi. Chỗ tôi gửi xe là một gia đình vô cùng dễ thương. Giữ xe chẳng chịu lấy tiền đã đành, họ còn tặng chúng tôi cả tá xoài sống trong vườn nữa.
Với ngọn núi nhỏ và thấp như núi Ông Trịnh, bạn chỉ cần lưu ý một số điều dưới đây:

- Nên chọn mùa nắng để leo, mùa mưa leo núi sẽ khó và nguy hiểm hơn.
- Nên bắt đầu đi từ sáng sớm và dự trù mọi sự cố có thể xảy ra.
- Trang phục: Giày tốt nhất nên mang giày leo núi, nếu không thì mang giày đi bộ, giày vải hay sandal cũng được, nhưng phải là loại bạn cảm thấy có thể bảo vệ được chân bạn, có độ bám, không dễ trượt, không đau chân khi mang lâu). Ngoài ra còn cần nón; kính; vớ; găng tay; áo khoác (lưu ý chất liệu, đừng mang áo khoác hay găng tay len, sẽ dễ vướng vào gai và dầm); quần áo sạch, nhẹ, đơn giản để thay; khăn vải hoặc khăn giấy để lau mồ hôi; dép lê. Quần áo leo núi nên gọn gàng thoáng mát, nên mặc màu sáng để dễ tìm thấy nhau trong rừng. Đặc biệt không nên mặc quần short hoặc lửng.

< Một đôi giày đã "hi sinh".

- Dụng cụ: kem chống muỗi, kem chống nắng, áo mưa nhẹ (phòng khi trời mưa), đèn pin, gậy leo núi (nếu cần), dao đi rừng/dao cá nhân, bật lửa, dây thừng (nếu thấy cần).
- Thiết bị: thiết bị định vị GPS, la bàn (nếu thấy cần), đồng hồ. Điện thoại cài đặt sẵn bản đồ, GPS, la bàn. Nếu cần nge nhạc thì mang theo mp3/ipod. Cần chụp ảnh thì mang theo máy ảnh (dĩ nhiên đã sạc pin đầy, có pin dự trữ thì càng tốt).

- Thức ăn, nước uống: Chỉ nên mang một ít thức ăn nhẹ. Nước thì cần mang khoảng 1,5 lít đến 2 lít.
- Thuốc men: nếu cẩn thận bạn có thể mang theo băng keo cá nhân, dầu gió, thuốc đau bụng, thuốc nhức đầu, bông băng, cồn y tế.
- Cuối cùng, bạn cần chuẩn bị một cái balo tốt, chất liệu gọn nhẹ, không quá to, không quá nhỏ, vừa đủ để những thứ kể trên, có ngăn để nước, có dây buộc ở bụng càng tốt. Tuyệt đối không nên thay balo bằng túi xách, túi đeo, túi cầm các loại.

Du lịch, GO! - Theo Phạm Như Quỳnh (iHay), bổ xung ảnh tù Haicachon blog.