Mang máy ảnh mọi lúc mọi nơi, tìm những góc lạ, căn được những điểm vàng, tìm điểm nhấn, hoạ tiết đặc trưng là những điều bạn cần để có được những pose ảnh đẹp khi đi du lịch.

Kinh nghiệm 1: Mang máy ảnh mọi lúc có thể

Nhiều khi những tấm hình đẹp đến từ những lúc bạn không thể ngờ, vì thế máy ảnh cần có sẵn trong tay bạn khi khoảnh khắc tới. Bạn nên nhớ, những tấm hình tự nhiên và đời thường luôn luôn đắt giá hơn những gì được sắp đặt. Lưu giữ lại những hoạt động của người địa phương , hoặc các nhóm người đang nói chuyện mang đến sức sống cho các tấm hình của bạn.

Nhiều người thường thích chụp những tấm hình chân dung của người dân địa phương để cảm nhận được “không khí” và “cuộc sống” nơi đang thăm quan.

Kinh nghiệm 2: Tìm những góc máy lạ

Các “nhiếp ảnh gia” nghiệp dư thường chọn những góc máy đơn giản, điều này chính là lý do khiến cho những tấm hình trở nên thiếu chuyên nghiệp và hấp dẫn. Vì thế, một lời khuyên cho bạn là hãy tìm tòi những góc chụp mới, ví dụ từ trên cao xuống, hoặc từ thấp chiếu lên.

Một số dòng máy như Canon G12, G1X, hoặc các máy DSLR như Canon 60D, 600D, 650D có một màn hình xoay lật linh hoạt sẽ giúp người chụp tiếp cận với cách chụp hình này một cách dễ dàng.
Thay vì phải mất nhiều thời gian “setup” chân máy cho 1 cảnh chụp, sử dụng máy ảnh có màn hình LCD xoay giúp việc “tự chụp” trở nên dễ dàng hơn nhiều (hiệu quả hơn nữa với ống kính góc rộng).

Khi có điều kiện đứng ở một ví trí cao, ví dụ đứng trên toà nhà cao tầng, đường đi bộ trên cao, thành phố hay khung cảnh bạn được chụp trở nên vô cùng khác lạ và nhỏ bé.

Với các mẫu máy compact và một vài máy DSLR của Canon (600D, 650D, 60D) có tính năng chụp hình thu nhỏ (hiệu ứng miniature). Chỉ với một vài thao tác trên máy và một vài giây để máy xử lý, những tấm hình của bạn sẽ trông “chuyên nghiệp” hơn rất nhiều.

Kinh nghiệm 3: Tìm điểm nhấn, họa tiết đặc trưng

Đối với những tấm hình cần sự đặc tả, hoặc khung cảnh quá rối rắm, hãy sử dụng lợi thế của các ống kính có độ mở lớn, ví dụ Canon 50mm/f1.8, hay cao cấp hơn Canon 85mm/1.2L để có được trường ảnh mỏng giúp nổi bật chủ thể.

Bạn cũng nên vận dụng óc quan sát của mình để tìm ra các hoạ tiết đặc biệt, ví dụ như các tiệm bán đồ, nơi có các món hàng được xếp thẳng thớm tắp, các màu sắc đan xen hoặc đơn giản chỉ là các góc cạnh của cuộc sống nơi bạn đang có mặt.

Lấy ví dụ cụ thể về việc chụp lại một xe hàng bán đồ uống trên đường của thành phố Bangkok, qua tấm hình bạn truyền tải được cách người dân Thái Lan sinh hoạt và lao động cũng như ẩm thực nơi đây.

Kinh nghiệm 4: Thời gian vàng

Một thực tế đó là nhiếp ảnh phong cảnh phụ thuộc khá nhiều vào thời điểm chụp hình. Nhiếp ảnh gia nổi tiếng thể loại Nhiếp ảnh đường phố - anh Hải Thanh cho rằng khung thời gian vàng “mặt trời mọc” và “xế chiều” là lúc tuyệt vời nhất để bạn thoả sức chụp và cơ hội “săn” ảnh đẹp.

Tùy thuộc vào từng vị trí địa lý, nhưng cơ bản, mặt trời sẽ mọc vào tầm 6 - 8h sáng, từ khi tia nắng đầu tiên xuất hiện, cho đến khi mặt trời xuất hiện hoàn toàn. Khi mặt trời lặn, chúng ta có thể “săn cảnh” từ khung thời gian 4h-6h chiều.

Đặc điểm ánh sáng của 2 thời điểm này rất đặc biệt, màu của ánh sáng sẽ có tông vàng, hướng đi của ánh sáng thường là xiên chéo, giúp tạo nên những mảng bóng đổ vô cùng tuyệt vời. Bầu trời lúc đó cũng sẽ kỳ ảo và lôi cuốn hơn bao giờ hết, lúc thì đỏ rực, có trường hợp lại tím ngắt pha ánh xanh.

Một nhà văn kiêm hoạ sĩ người Mỹ - Henry Miler từng nói “One’s destination is never a place, but a new way of seeing things”. Có thể hiểu nôm na “Điểm đến của mỗi chuyến hành trình không đơn thuần là một địa điểm, mà là một cách mới bạn cảm nhận về thế giới xung quanh”.

Hãy chia sẻ cảm nhận qua từng tấm hình mà bạn chụp, để thấy cuộc sống của bạn là một chuyến hành trình đầy lý thú.

Mẹo chụp ảnh du lịch đẹp

Đừng quên những bí quyết sau nếu bạn muốn lưu lại những thời điểm đẹp trong chuyến đi. Mỗi một địa điểm mới với điều kiện khí hậu, thời tiết khác nhau là một thử thách với người chụp ảnh. Làm thế nào để không bỏ lỡ những khoảnh khắc tuyệt diệu trong chuyến đi của mình? Hãy cùng tham khảo những bí quyết sau!

Chụp ảnh trong nhà khi ánh sáng yếu.

Khi vào một nhà nguyện, thánh đường, bảo tàng, những khu chợ đêm đông người…với ánh sáng yếu, đừng nghĩ ngay đến đèn flash. Việc đầu tiên là hãy tăng ISO cho máy, đây là phương pháp tối thiểu mà bất cứ tay máy nào cũng có thể nghĩ đến. Tuy nhiên, việc tăng ISO làm cho ảnh bị vỡ nếu phóng to. Làm thế nào để ảnh vẫn sáng và nét. Cách tốt nhất là sử dụng một chiếc tripod (chân máy ảnh).

Hết sức lưu ý đến chế độ cân bằng trắng (white balance) mà bạn sử dụng. Chế độ này giúp chỉnh màu ảnh sao cho màu trắng luôn giữ đúng độ dù trong bất cứ điều kiện ánh sáng nào và vì vậy bức ảnh không bị vàng hay xanh quá.

Chụp ảnh rừng rậm, rừng nhiệt đới

Những khu rừng già thăm thẳm thật hút mắt nhưng không hề hút ống kính và không phải bài tập dành cho tay mơ. Thường thì ánh sáng rất yếu, dù ánh sáng mặt trời vẫn chiếu xuống nhưng chúng đều bị các tán cây che phủ.

Thời điểm tuyệt nhất để chụp ảnh rừng cây là sau khi trời mưa. Bầu trời không quá sáng và nước còn đọng lại trên lá cây sẽ làm cho vạn vật thêm sức sống. Lại một lần nữa, bạn cần tới chiếc chân máy ảnh để tránh cho bức ảnh của mình bị rung, mờ nhòe. Một mẹo nhỏ nữa để chụp ảnh đẹp đó là hãy chụp những tán cây gần sông, hồ, suối, thác bởi cảnh vật ở nơi đây là trong trẻo nhất.

Chụp ảnh tuyết, băng, hồ băng

Bức ảnh chụp băng, tuyết rất dễ bị lóa. Khi chụp tuyết, hãy đặt chế độ máy ảnh thấp hơn bình thường một chút. Hãy chụp ảnh tuyết, băng vào lúc sáng sớm khi chưa có nhiều người đi qua và để lại chi chít dấu chân trên những nơi mà bạn đang định ghi lại hình ảnh!

Sa mạc

Sa mạc vào gần trưa và giữa trưa sẽ chói lóa, vì vậy đó không phải là thời điểm lý tưởng để chụp ảnh. Hãy dậy sớm hoặc đợi đến tầm xế chiều để thử nghiệm những bức ảnh của mình. Ánh sáng đầu hoặc cuối ngày chiếu xiên sẽ làm nhấn mạnh những đường viền cong của những đụn và đồi cát.

Một lỗi nữa mà nhiều nhiếp ảnh gia hay mắc phải là để cái bóng của chính mình lọt vào bức ảnh. Hãy khảo sát địa hình, bóng nắng, ánh sáng thật kỹ trước khi chụp ảnh! Vào những ngày gió, hãy bảo quản thật tốt chiếc ống kính của mình. Nếu gió quá to, việc bạn cần làm là cất thật kỹ máy ảnh vào túi để chờ một ngày khác, tránh việc những hạt cát li ti chui vào thiết bị vô giá của bạn!

Du lịch, GO! - Theo Vietnamnet, Zing, internet