Voi vua, cọp đen, vườn lạ, núi thiêng và tất cả vẫn ẩn trong làn mây bí mật trên dãy Trường Sơn vời vợi...
< Già làng Hồ Vàng và những chiếc mâm đồng được lấy từ hang Long Nhin.
Già làng Hồ Vàng năm nay đã sống qua 100 mùa rẫy, ngồi trong ngôi nhà sàn giữa Làng Hoong xã Hướng Linh (Hướng Hóa, Quảng Trị), chậm chạp nhả từng ngọn khói trắng trong chiếc tầu thuốc lá đến vẹo cả một bên miệng, do thói quen ăn thuốc của người Vân Kiều, rồi chỉ tay lên đỉnh Voi Mẹp dè chừng nói: "Núi của vua đấy, người lạ không được tự tiện lên đâu!".
Người Vân Kiều thuộc 2 xã Hướng Linh và Hướng Sơn đã mấy đời nay tự mình lưu giữ những bí mật mà họ cho rằng trên con đường Cần vương của vua Hàm Nghi đi qua, đã để lại. Đó là những câu chuyện lạ lùng nơi vùng rừng linh thiêng này, với những điều lạ như: Voi vua, cọp đen, vườn lạ, núi thiêng và tất cả vẫn ẩn trong làn mây bí mật trên dãy Trường Sơn vời vợi.
Vườn lạ trên núi
Câu chuyện về núi vua tôi đã được nghe những người già truyền lại, rằng có một vị vua trên đường đi kháng chiến, đã đi qua vùng này. Ngược trở lại dòng lịch sử chống Pháp của vua quan nhà Nguyễn, có đoạn viết về vua Hàm Nghi như sau: Nửa đêm 7/7 năm Ất Tị (1885) Tôn Thất Thuyết ra lệnh tấn công bất ngờ vào đồn Mang Cá và tòa Khâm sứ Pháp. Quân Nam đánh rất hăng hái, song vũ khí quá thô sơ và giao liên non kém nên chỉ mấy giờ sau bị thất bại. Kinh thành Huế thất thủ. Tôn Thất Thuyết hạ lệnh tập hợp tàn quân chực sẵn ở cửa Chương Đức, vào cung đưa vua và tam cung chạy khỏi Hoàng thành xa giá ra Quảng Trị. Đạo Ngự có hơn ngàn người, phần đông là các đại thần, ông hoàng bà chúa, già có, trẻ có, đi kiệu, đi ngựa và đi bộ...
< Chủ tịch xã Pạ Tuyến, phía sau là đỉnh Voi Mẹp.
Già làng Hồ Vàng kể, chuyện lịch sử ngày xưa như thế nào người Vân Kiều không tường tận hết, nhưng hồi nhỏ khi vừa mới biết đi rừng, lúc đó chỉ khoảng 12 tuổi ông đã được ông nội dẫn đi. Suốt một ngày đường trèo qua 3 dãy núi, mới đến được một vườn quả gồm cam, quýt, ổi, còn có cả một vườn chè nữa. Vườn cây lẫn trong mây mù, cây nào, cây đó quả sai lúc lỉu, mọng nước. Lúc đó, ông vẫn còn nhớ định lẹ tay bứt ăn cho hết khát, thì bị ông nội ngăn lại, "muốn ăn thì phải lạy trời, lạy đất xin vua chứ, đừng có mà tự tiện là không về được đâu".
Điều già làng kể về những loại quả từ vườn cây, được dân làng gọi là vườn quả của vua trên đỉnh núi Voi Mẹp đó, đã được anh Hồ Hà, một thợ săn lão luyện xác nhận. Sự xuất hiện của một vườn cây trái lạ trên lưng chừng núi Voi Mẹp, làm rất nhiều người tò mò, trong đó có cả thầy giáo Nguyễn Văn Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hướng Linh. Thầy Thanh kể, đã từng đi theo những người săn thú mất 3 ngày để đến được vườn cây ăn trái lạ. Tất cả những cây cam, quýt mọc ở trên núi đều to một cách lạ thường, có thể xếp vào loại cổ thụ. Tới bây giờ, tất cả cây đó vẫn xanh tốt, cho trái ngọt đều đều.
Hang núi bí ẩn
< Trưởng bản Hồ Rầm trong rừng Miếu linh thiêng.
Voi Mẹp là đỉnh núi cao nhất trong vùng, có tầm khống chế quan sát toàn bộ khu vực đồng bằng và núi rừng 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Không chỉ là nơi có vị trí chiến lược, bên trong lòng núi còn có rất nhiều những hang động thuận tiện cho việc trú ẩn, trong đó có hang Long Nhin. Hang nằm dưới 3 nhánh của thác Chín Hin. Cửa hang quanh năm được dòng nước phủ kín, nếu không phải là người thông thổ địa hình thì không thể nào tìm được nối vào.
Anh Hồ Hà dẫn đường cho chúng tôi vào hang bằng cách chui qua một thác nước lớn, vào tới bên trong thì toàn bộ lòng hang vô cùng bằng phẳng, giống như đang đứng trong một hầm đường bộ do con người đào. Khu vực này có thể làm chỗ ăn nghỉ cho khoảng 200 người cùng một lúc.
Được biết, hang này đã bỏ hoang từ sau chống Mỹ, bây giờ thỉnh thoảng cánh thợ săn mới ập vào bắt thú. Già làng Hồ Vàng kể thêm: Hồi còn trẻ, ông và đám thanh niên bạo gan trong làng nhiều lần đến cửa hang nhưng không thể vào được, bởi bên trong lúc nào cũng có sự canh phòng cẩn mật của hai ông già lạ mặt. Họ mặc quần áo giống nhau, để tóc dài đến thắt lưng, vũ trang giáo dài... Theo đồn đoán của dân làng lúc đó, họ là những người lính trong đoàn chạy giặc của vua Hàm Nghi, được nhà vua cắt cử ở lại canh giữ hang, bảo vệ một số đồ quý.
< Rừng Miếu linh thiêng trên đỉnh Voi Mẹp.
Bẵng đi một thời gian, khi dân làng chạy càn Pháp vào hang thì thấy 2 bộ xương khô; trong hang có rất nhiều đồ lạ mắt. Già làng Hồ Vàng không còn nhớ những thứ đó là gì nữa. Già chỉ nhớ nhất là có rất nhiều mâm đồng với đủ kích cỡ, có cái bé như một chiếc đĩa, có cái lại to như chiếc nia mà đồng bào dùng để phơi thóc. Cho tới bây giờ, hầu như những chiếc mâm tìm thấy ở bên trong hang núi đã bị thất lạc. Nhưng tại nhà già làng Hồ Vàng vẫn còn giữ được 10 chiếc, chúng đều có hình dáng, kích thước rất lạ. Chiếc to nhất có đường kính 1,2m, nặng khoảng 15kg. Có chiếc lại nhỏ như cái cơi đựng ấm chén. Theo ông Hồ Rầm, con trai già làng, thì những chiếc mâm này đã được trả giá hàng trăm triệu đồng nhưng gia đình kiên quyết không bán.
Cọp lạ và voi vua
Ông Pạ Tuyến, 61 tuổi, Chủ tịch UBND xã Hướng Linh, cũng là người nhiều phen mắt thấy tai nghe những chuyện của vùng rừng núi này, nói: "Vùng này lạ lắm, có những chuyện cứ như hoang đường ấy, nhưng tôi cam đoan nó có thật. Chính tôi và hàng trăm người dân trong xã đều đã chứng kiến, sợ như mất vía mỗi lần chạm mặt chúa sơn lâm. Theo như tôi được biết, vùng này khoảng 20 năm nay, cứ mỗi năm đều thấy một con cọp có màu lông đen tuyền xuất hiện...".
Ông Tuyến đã đụng hắc hổ này 2 lần. Lần đầu đụng “ngài” vào tháng 3 năm 1995. Lúc đó, ông Tuyến còn làm cán bộ phụ trách thương binh xã hội của xã Hướng Linh. Ông cùng ông Đang (hiện là Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã) đi bộ vào thôn Hoong phát tiền chính sách. Trời đã quá trưa, trên con đường mòn vào thôn chỉ có 2 ông cùng với một túi tiền. Đi qua con suối đầu thôn, vừa mới ló đầu lên khỏi dốc, 2 ông đã nhìn thấy một con cọp to như con trâu, lừng lững đứng chặn giữa đường. Khoảng cách giữa 2 người và con cọp lạ chỉ 4m.
Ông Tuyến vốn là một tay thiện xạ từ hồi chống Mỹ, hôm đó lại khoác theo một khẩu AK với nguyên một băng đạn. Nhưng vì sự xuất hiện quá bất ngờ của con cọp lạ, gần ngay trước mắt, nên chỉ biết đứng như trời trồng. Nhớ lại cảm giác lúc đó, vị Chủ tịch xã nói: "Hôm đó, cả tôi và đồng chí Đang như bị mất hồn, không nhúc nhích được. Cả hai đều đứng im chờ tai hoạ. Nhưng không hiểu vì sao ngài cọp chỉ nhìn hai chúng tôi liếm mép vài cái rồi lững thững bỏ đi. Phải mất vài ngày sau chúng tôi mới bình tĩnh được để tiếp tục làm việc bình thường".
Còn ông Nguyễn Văn Tuân, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Hướng Linh, nay là Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Hướng Hóa, thừa nhận: Mỗi lần có cọp đen xuống núi, cả trường không có lấy một mống học sinh. Đợi cho yên ắng, các thầy cô giáo phải mất ít nhất 2 tuần lội bộ dọc rừng để động viên học sinh trở lại trường.
Ông Tuân nhớ lại, thời điểm đó, nhà nhà đóng cửa im ỉm từ sáng đến tối. Trâu bò khắp xã cũng được lùa vào chuồng, canh giữ cẩn mật, còn trẻ con thì không dám ló mặt ra khỏi nhà. Qua theo dõi nhiều năm của đồng bào Vân Kiều, bao giờ con cọp đen này cũng xuất hiện ở rừng Vàng, sau đó sang rừng Miếu, đi vòng qua thôn Hoong, rồi lên đỉnh Voi Mẹp thì mất hút. Tuy đều đặn xuất hiện và được người dân mô tả là có hình dáng rất lớn, nhưng tuyệt nhiên không một lần ông cọp lạ này lại bắt người hay trâu bò.
Cũng tại vùng rừng núi này, theo ông Tuyến, trước kia còn xuất hiện một con voi mà nhiều người cho rằng là voi của vua Hàm Nghi còn sót lại. Vì trên cổ voi còn mang một chiếc chuông lớn. Nhưng năm 1973, con voi này đã bị những kẻ lạ mặt bắn hạ, ngay dưới chân đỉnh Voi Mẹp thuộc địa phận huyện Gio Linh. Khi nghe tin voi bị bắn, ông Tuyến dẫn dân quân đuổi đến nơi thì bộ ngà đã bị cướp, con voi vẫn còn chiếc chuông đeo ở cổ, dân quân đã thu về nhưng bây giờ không biết thất lạc nơi nào.
Rừng thiêng
Cho tới bây giờ, những người già sống đến bách niên tại Làng Hoong hầu như không biết bên trong khu rừng Miếu ngay cạnh làng mình có những gì? Vì đây là một khu rừng thiêng, không phải ai cũng được đặt chân tới. Hiện người được phép duy nhất ra vào bên trong khu rừng này là Trưởng bản Hồ Rầm.
Trên đường dẫn tôi đến khu vực Miếu mà dân làng vẫn thường dùng làm nơi cúng thần rừng, trong những ngày đại lễ, ông nói: "Khu rừng này ngay cạnh làng mình, nhưng dân làng không bao giờ dám tự ý đi vào. Mọi lá cây, ngọn cỏ, muông thú bên trong cũng không bị xâm phạm. Trời sinh như thế nào thì rừng Miếu vẫn nguyên trạng như vậy".
Không những rừng Miếu được người Vân Kiều coi là rừng thiêng, mà đi cùng với đó là một lễ cúng được đồng bào cho là vô cùng quan trọng. Cứ 3 năm một lần, lễ vật bằng một đôi trâu mộng, một con đen một con trắng, cúng kéo dài 2 ngày. Đêm trước khi diễn ra lễ chính, tất cả dân làng Hoong phải có mặt tại khu Miếu làm lán đốt lửa ngủ ở đó 1 đêm. Họ buộc 2 con trâu lại để thầy cúng niệm chú mời thần rừng, thần miếu về nhận lễ, rồi che chở cho làng.
Khi mọi nghi lễ cúng hoàn thành, đôi trâu này được đem ra giết thịt để tất cả dân làng cùng ăn. Tôi hỏi già làng Hồ Vàng, sao lại phải cúng rừng tốn kém thế? Già làng cho biết, nếu không cúng thì làng sẽ bị hao người, gia súc chết. Vì đây là rừng thiêng!
Du lịch, GO! - Theo GiadinhNet, internet
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.