Đêm Trường Sơn.
Gió xào xạc bứt đám lá khô thả tung lên trời, rồi lại cuốn đi rào rào trên con đường đất đỏ. Con đường huyền thoại giữa đêm tối như chất chứa những bí ẩn khó tả. Có thể, ngày ấy, nơi này, những người lính đã ngã xuống để hôm nay chúng tôi có cơ hội được thử sức mình...
.
Tạm biệt vườn Quốc gia Chư Mom Ray, bốn chiếc xe máy tiếp tục hành trình chinh phục 14C, bụi bám trắng xóa lên áo khoác ngoài và balô.
Trạm kiểm soát của đồn biên phòng 707 cách trạm kiểm lâm cuối rừng Mo Ray chừng 5km. Tại đây, chúng tôi được chỉ dẫn tới làng K’Đin để ăn trưa. Theo đó, chạy tiếp đến địa phận xóm Mới, nơi có những căn nhà gỗ đơn sơ và giản dị của công nhân trồng rừng thì phải vòng về phía bên trái để qua cầu. Ở khu vực này, nếu không chú ý sẽ dễ dàng đi lạc về phía biên giới hoặc sang cả địa phận Campuchia.
Làng K’Đin thuộc xã Mo Ray còn rất nghèo, nhà sàn được ghép từ gỗ, mảnh phên và ống nứa, lợp ngói và có cùng một kiểu kiến trúc hình chữ T, thân ngắn, nằm rải rác bám dọc hai bên đường quốc lộ.
.
“512” là tên một quán ăn duy nhất nằm chéo trước cổng doanh trại của binh đoàn 15. Cách đó không xa là căn nhà rông văn hóa điển hình của buôn làng Tây nguyên do Công ty 78 tặng nhân dân làng K’Đin với những khúc gỗ còn tươi nguyên. Mái nhà lợp bằng tôn thay vì tết bằng thảm rơm. Hai bên cầu thang có hai thanh cột chống, phía trên có tượng hai chú voi bằng gỗ trông rất độc đáo.
Giữa trưa, người dân đi lên nương cả nên làng khá vắng vẻ và trầm lặng. Đàn lợn say sưa nằm dưới gốc tre, ngủ yên lành.
.
Trong lúc lang thang, tình cờ tôi gặp một cụ già người dân tộc Gia Rai đang ngồi chiết nước vào những chai nhựa rỗng bên giếng khoan. Bà cụ có màu da nâu sẫm và rắn rỏi "rất Tây nguyên", thùy tai chảy xệ xuống tạo thành một lỗ hổng lớn do thời trẻ bà đã đeo rất nhiều đồ trang sức. Ngay cả lúc này, bà cũng đang đeo rất nhiều vòng trên cổ và tay. Bà cụ không nhớ mình bao nhiêu tuổi, nói được ít tiếng Kinh, chỉ biết thể hiện thái độ thân thiện với chúng tôi qua nụ cười mộc mạc.
.
Có vẻ như bộ quần áo truyền thống lấp lánh chỉ thêu được để dành cho những dịp lễ hội, nên ngày thường những người phụ nữ dân tộc chúng tôi gặp trên đường chỉ mặc váy hoa quấn giản dị với một chiếc áo vải kiểu hiện đại. Đàn ông thì khá "Kinh hóa", hầu như ai cũng mặc quần áo như người dưới xuôi, thay vì đóng khố và ở trần.
.
Chỉ vào một khúc gỗ lấm đất nằm lẫn trong đống củi bên gốc mít, một người địa phương cho biết đó chính là quan tài của đồng bào người dân tộc. Nó được khoét một lỗ vuông từ một khúc gỗ nguyên bản và đặt úp xuống để bảo quản, nhà nào cũng có một vài chiếc để dưới sàn nhà hoặc trong vườn, dành sẵn cho người già.
.
Dọc đường, gặp căn nhà có dựng hai cây nêu lớn bằng tre khá kỳ công và độc đáo trước sân, cả nhóm rủ nhau dừng lại chụp ảnh. Cây nêu của đồng bào người Tây nguyên là một loại cây không thể thiếu trong các dịp lễ hội hay mừng năm mới. Cây nêu thường được làm từ cây tre hoặc lồ ô có lá ở trên ngọn và được trang trí đặc biệt bằng những thanh tre, nứa cắm xòe như tua hoa xung quanh. Dưới gốc còn cắm những thẻ bài với mục đích yếm quỉ trừ tà, cầu mong cho mọi gia đình luôn được ấm no và hạnh phúc, hàng xóm láng giềng vui sống thuận hòa. Một số nơi còn trang trí cây nêu bằng những dải lá phướn nhiều màu rực rỡ.
.
Gặp khúc quanh đầu tiên của suối Nam Sa Thầy tại đúng trạm kiểm soát biên phòng của đồn 709, và tình cờ chúng tôi cũng gặp cả bí thư xã Mo Ray. Con đường vắng vẻ, ít người đi lại khiến những người lính và dân nơi đây đều kinh ngạc khi biết mục đích đi du lịch của nhóm qua vùng này. Bên dòng suối róc rách, chúng tôi đã cùng nhau uống cạn những ly rượu trắng, mừng cho cuộc gặp gỡ hiếm hoi chốn biên thùy.
.
Càng đi, quốc lộ 14C càng trở nên hoang sơ và bí ẩn. Con đường vẫn lúc ẩn lúc hiện dưới tán cây rừng nguyên sinh, lúc chạy xiên qua những đồi trồng cỏ chăn nuôi gia súc, lúc lại bị cắt ngang bởi một khúc suối lớn, bên những cây cầu đang xây dựng dở dang. Suối mùa khô nên ít nước, trong leo lẻo nhìn rõ cả những viên đá cuội nằm ngổn ngang dưới đáy dòng. Những người công nhân làm cầu cho biết nếu có một trận mưa rừng thì không thể vượt qua những đoạn suối thế này, kể cả bằng xe U-oát chuyên chạy đường rừng của biên phòng và kiểm lâm.
.
Từ đồn 711 nằm bên cạnh Suối Cát, chúng tôi được chỉ dẫn sẽ phải chạy xuyên rừng Trường Sơn sát biên giới để tới Chư Ty bằng đường tránh Sesan 4 vì thủy điện Sesan 3 sẽ xả nước hằng ngày từ 12g trưa, ngầm sẽ ngập nước ngang ngực suốt cả chiều và đêm, không xe nào có thể đi qua.
.
Hơn một chục kilômet từ Suối Cát ra đến Sesan 4 quả là ấn tượng và khó quên. Con đường rất xấu bởi những tảng đá lớn đã bị bóc hết lớp đất sét bao quanh, trồi lên khấp khểnh trên mặt đường, cỏ ẩm ướt trơn trượt và ban đêm trở thành một cái bẫy nguy hiểm. Không một bóng người, không nhà dân và không đồn biên phòng. Gặp những ngã ba, chúng tôi đành phải chọn lựa bằng cảm giác đường, bằng những kinh nghiệm mà các chiến sĩ biên phòng đã hướng dẫn tỉ mỉ lúc chiều.
.
Đêm Trường Sơn. Rừng âm u và lạnh lẽo, chỉ có tiếng động cơ xe máy nổ ầm ầm và những ánh đèn xe loang loáng bám sát nhau. Góc rừng huyền thoại trong chiến tranh, giữa đêm tối trở nên chất chứa những bí ẩn khó tả. Có thể, ngày ấy nơi này, những người lính đã ngã xuống để hôm nay chúng tôi có cơ hội được thử sức mình.
.
Những chiếc xe lầm lũi và cần mẫn vượt qua những đoạn đường dốc ngược hay bùn đất lê lết, vượt qua những con suối hoang dại giữa thung sâu, sương mù ma quái và bồng bềnh ngay trước ánh đèn xe. Dường như chính đại ngàn đã âm thầm tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi băng qua bóng tối với một chút liều lĩnh của tuổi trẻ.
.
Những ánh sáng từ công trình thủy điện Sesan 4 lấp lánh trong đêm cho chúng tôi biết mình đã không sai đường. Với một địa hình bị chia cắt mạnh, sườn núi có độ dốc cao và một hệ thống sông suối dày đặc đã hình thành nên một dòng Sesan hoang dại có tiềm năng thủy điện lớn thứ 3 trong cả nước sau sông Đà và sông Đồng Nai.
.
Cả nhóm dừng xe trên mặt đập, nghe gió lồng lộng trên đỉnh đầu trong khi tiếng nước chảy ầm ì dưới chân, cảm thấy sự vĩ đại của thiên nhiên đã và đang được bàn tay tài hoa của con người chinh phục. Cảm xúc vừa dữ dội vừa dịu êm, khó để diễn tả thành lời.
.
Từ Sesan 4, chúng tôi tìm đường tắt qua hai xã Ia O và Ia Chia thuộc huyện Ia Grai về thị trấn Chư Ty huyện Đức Cơ tỉnh Gia Lai. Con đường dài khoảng 40km chạy xuyên qua những đồn điền cao su mênh mông bát ngát của binh đoàn 15.
.
Đêm, vẫn là đêm Trường Sơn. Gió xào xạc bứt đám lá khô trên cành thả tung lên trời, rồi lại cuốn rào rào trên con đường đất đỏ. Như một lời chào tốt đẹp nhất dành cho cung đường 14C trên địa phận tỉnh Kontum.
.
Chitto
.
Còn tiếp:
Tây Nguyên - đường 14C... (P2)
.
Du lịch, GO! - Theo Phuot.vn, internet
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.