(Tiếp theo) - Cuối cùng thì cổng tam quan chùa Châu Thới hiển hiện trước mặt, lộ ra con đường chạy lên chùa - cũng là đỉnh núi Châu Thới.

< Cái bảng tròn màu vàng bên phải ghi 'Cấm xe trên 16 chỗ'. Cấm thì cấm nhưng lên thì lên, có điều hơi liều.

Những con đường ngoằn ngoèo dốc dựng là nỗi đam mê của mình: vượt đèo, càng hiểm trở thì càng thích thú vô cùng... nhưng đã khá lâu rồi, từ hồi bệnh đến nay thì những chuyện vượt dốc đèo này đã rời xa. Vậy nên theo dốc, lên núi Châu Thới giống như một chút gì khơi gợi lại nỗi nhớ chuyện cũ.

< Ngay cua dốc đầu tiên, có lẽ không kém 10° đâu. Đỉnh dốc này có điểm dừng: bên trái là nhà bia hình bát giác, bên phải là chạy tiếp lên chùa.

Núi Châu Thới chỉ cao tầm 82m với 2 con đường lên chùa: Một là ta có thể gởi xe, đi theo 220 bậc thang đá lên đỉnh. Hai là cứ chạy xe thẳng lên núi. Tuy nhiên, do chỉ chiếm diện tích khoảng 25ha nên đường xe lên đỉnh có dốc khá cao với đôi cua gắt. Do vậy, ngay từ đầu đường lên núi có bảng 'Cấm xe trên 16 chỗ' do khá nguy hiểm. Cấm thì cấm vậy chứ khi mình lên đã thấy một chiếc xế hộp bấy nhiêu chỗ đậu trên đó rồi, hi hi.

< Mình quẹo phải theo đường, dốc lúc này thế ni.

Giữa đoạn đường lên núi có 1 điểm dừng. Nơi này, địa phương đã cho xây một nhà bia Tổ quốc Ghi công hình bát giác để khách có thể tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ hay vãng cảnh hồ và núi thơ mộng nằm chơ vơ giữa một 'rừng' nhà máy khai thác đá. May mà còn chùa xưa mang danh Di tích (Núi được xếp hạng là di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia ngày 21/04/1989) nên núi còn, không thì Châu Thới cũng sẽ thành một địa danh cổ trong quá khứ rồi.

< Gặp ngay con dốc cuối cùng, chắc phải hơn 15°. Chạy thẳng là vào khuôn viên chùa còn cạnh cổng, phía phải là bậc thang bộ hành lên xuống núi.
Đống đá ven đường do nhà chùa đang xây dựng gì đó ven sườn núi. Nhà nghỉ cho bá tánh chăng?

< Trong sân chùa nhìn ngược lại cổng. Đống gạch to dành cho việc xây dựng phía dưới kia. Riêng xe thì dựng góc bên này, mua nén nhang rồi bước vào chánh điện.

Tương truyền Chùa do thiền sư Khánh Long tạo lập từ đầu thế kỷ XVII (1612) nhưng cũng có sách cho là do thiền sư Thành Nhạc – Ẩn Sơn khai sơn và viên tịch tại nơi này vào ngày 17/12/1776. Trước đây, tại Chùa có ngôi bảo Tháp của tổ Thành Nhạc nhưng nay không còn.

< Bà xã đốt nhang khấn Phật, còn mình thì... móc máy ảnh ra. Hơi e ngại đôi chút nên mình xin phép sư thầy... chộp ảnh, ông cho phép xong là ta lò mò vào bấm tá lả.

Trải qua hơn ba trăm năm lịch sử đầy biến động, chịu bao hủy hoại tàn phá của thời gian và chiến tranh, chùa núi Châu Thới nay không còn giữ được dấu tích, di vật nguyên thuỷ của một chùa cổ được hình thành vào hàng sớm nhất Nam Bộ.

< Nhá Flash 2 cái đầu tồi tự ngẫm lại mình chả cần flash, vậy nên chụp âm thầm những tấm sau...

Hiện Chùa là một quần thể kiến trúc đa dạng được xây dựng vào nhiều thời điểm khác nhau: gồm ngôi chánh điện, các điện thờ Thiên Thủ Thiên Nhãn, Linh Sơn Thánh Mẫu, Diêu Trì Kim Mẫu, Ngũ Hành Nương Nương và cả điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ở đây còn cho thấy rõ nét sự dung hợp giữa tín ngưỡng Phật giáo và tín ngưỡng dân gian như phần đông các ngôi chùa Phật giáo ở nước ta.

< Khảm thờ rất nhiều, tứ phía. Mình không đạo Phật nên nhìn chả biết... mô tê, thôi thì cứ tận dụng cơ hội vậy.

Nhà tổ và giảng đường của Chùa được trùng tu vào năm 1930. Năm 1971, hoàn tất việc xây dựng 220 bậc thềm (xi măng) đường dẫn lên Chùa. Đến năm 1989, xây thêm cửa tam quan. Ngôi chánh điện được xây lại khá qui mô bằng bê tông cốt sắt vào năm 1993…

< Nghe 'nửa kia' suỵt suỵt ngoắc, mình nhẹ nhàng bước vào gian trong. Lúc này mới nhận thấy rằng mình đang mặc... quần lửng, cái thứ thời trang gọn nhẹ nhưng tiện dụng của ngày nay. Nhiều nơi, mặc thứ này thì người ta không cho vào đâu, có lẽ trông thiếu nghiêm trang ở chốn trang nghiêm.

< Nhưng ta vẫn thành kính bằng cả tấm lòng, sư thầy cho phép thì không sao.
Nhìn các ảnh, bạn cũng thấy trang trí trong chùa rất đẹp, chỉ tiếc các đèn soi sáng hơi lộ liễu.

< Chụp choẹt một hồi xong thì bọn mình trở ra khuôn viên ngoài. Thật tế trong ấy còn nhiều điện thờ lắm nhưng ăn bận lèng xèng quá, làm phó thường dân ở ngoài dễ chịu hơn.

Nét nổi bật về trang trí kiến trúc của Chùa là dùng nhiều mảnh gốm sứ màu sắc gắn kết đắp thành hình con rồng dài hơn cả mét đặt ở đầu đao của mái chùa và có đến 9 hình rồng như thế hướng về nhiều phía.

< Tầm 3h chiều mà trời vẫn tù mù thế này đây, tròi vẫn không mưa mới sướng!

Chánh điện được thiết kế: dành phần trên thờ Phật A Di Đà, Quan Âm, Thế Chí; tầng kế thờ Phật Thích Ca; tầng dưới là nơi thờ Phật giáng sinh. Toàn bộ những tượng đồng được đúc tại Chùa, do nhóm thợ chuyên môn của xứ Huế thực hiện.

< 7 tầng tháp vút cao trong khuôn viên chùa Châu Thới, mộ tháp chăng?

Chùa còn thờ bộ thập bát La Hán và thập điện Diêm Vương bằng đất nung. Đây là hai bộ tượng khá xưa và độc đáo của Chùa còn lưu giữ được, cho thấy nghề gốm ở địa phương đã phát triển khá sớm.

< Bà xã đây. Từ chỗ này có thể nhìn xuống một khoảng rất rộng bên dưới, phía QL1K và mỏ đá Tân Đông Hiệp. Mỏ đá này ngày xưa cũng là một ngọn núi, nay sắp 'cạn tàu ráo máng' rồi.
Khung cảnh tường tận chung quanh mình sẽ post trong bài sau vậy.

< Mỏ đá không đáng nhìn, cái đáng ngắm là trụ đá nằm ngay góc.

< Góc Tây Nam chùa Châu Thới.

< Tượng thờ tại đây có tông màu vàng kim loại giống mạ vàng, một số tượng thờ đặt nguyên bản màu đá thô tuyệt đẹp.

Chùa cũng còn lưu giữ được ba pho tượng Phật tạc bằng đá khá xưa (có thể vào cuối thế kỷ XVII) và một tượng Quan Âm bằng gỗ được làm bằng cây mít cổ thụ hàng trăm tuổi được trồng trong vườn chùa.

< Trời tròn đất vuông nguyên văn chữ Hán là "thiên viên địa phương" (天圓地方).


< Mặt chùa Châu Thới ở hướng chính Nam.

Vào năm 1988, Chùa đúc một đại hồng chung theo mẫu của chùa Thiên Mụ (Huế) nặng 1,5 tấn, cao 2 mét, đường kính 1m2, đặt trên chiếc giá chuông bằng gỗ lim do nghệ nhân Bình Dương chạm trổ các hoa văn đẹp.

< Tổ đình ở góc Nam.

Những năm 1996 – 1998, Chùa tổ chức đúc thêm bảy tượng Phật bằng đồng, xây dựng một bảo tháp gồm nhiều tầng lầu cao 24 mét. Năm 2002, bên phải ngôi chùa xây dựng công trình gồm một trệt một lầu và bên trên sân thượng có xây bảo tháp thờ tượng Quan Âm bằng đồng cao 3 mét, nặng 3 tấn.
< Ngày thường, vắng khách nên thong dong trong khuôn viên thật thích.

Đến nay, Chùa còn lưu giữ được 5 long vị từ thế hệ truyền thừa đời thứ 40 của phái Lâm Tế dòng Bổn Nguyên như: Hồng Kiềm (đời 40), Nhật Liên (đời 41), Nhật Tâm (đời 41), Lệ Thiên (đời 42), Lệ Huệ (đời 43).

Về số cổ vật có giá trị đã được xếp loại tại chùa núi Châu Thới hiện nay còn lưu giữ được 55 hiện vật (đứng nhì trong các ngôi chùa trong tỉnh).

< Một gian thờ nhỏ ở góc Bắc.

Bài này mình trình bày cảnh quan trong chùa kèm theo ảnh chùa Châu Thới, bài sau sẽ post quan cảnh quanh chùa, quanh núi và trích dẫn thông tin lịch sử ngôi chùa hơn 3 trăm tuổi này nhé.

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!