(TTO) - Những trang tư liệu hải dương học đầu thế kỷ 20 đã khẳng định: Hoàng Sa là của Việt Nam...

Hoàng Sa - Việt Nam!

Việc Trung Quốc cho rằng giàn khoan Hải Dương 981 được đặt trong vùng đặc quyền kinh tế của họ là một sự bịa đặt và không có căn cứ pháp lý. Lợi dụng những khó khăn và biến động ở Việt Nam, quân đội Trung Quốc đã xâm chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực.
Trước đó, quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam. Những trang tư liệu hải dương học đầu thế kỷ 20 đã nói rõ điều này...
Công cuộc khảo sát và khai thác quần đảo Hoàng Sa những năm đầu thế kỷ trước in đậm dấu ấn con tàu hải dương học đầu tiên ở Việt Nam.

Từ Bordeaux...

Theo tài liệu “Viện Hải dương học Đông Dương” của TS Armand Krempf (xuất bản năm 1931), con tàu này được bàn giao cho Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương vào ngày 21-6-1924 tại cảng Bordeaux (Pháp). Đó là con tàu chạy bằng hơi nước được chuyển đổi công năng để phục vụ việc thám sát biển dài ngày.

Tàu mang tên De Lanessan nhằm ghi nhớ về vị bác sĩ hải quân Jean-Marie de Lanessan, một nhân vật đặc biệt trong giới khoa học và chính trường nước Pháp. De Lanessan tốt nghiệp đại học y khoa tại Bordeaux, học tiếp ở Trường Hải quân Rochefort (nơi ông làm trợ lý bác sĩ phẫu thuật), rồi trở thành bác sĩ trong hải quân với tám năm lênh đênh trên các vùng biển châu Phi và Đông Dương. Năm 1870, ông rời lực lượng hải quân để nghiên cứu y học và tự nhiên học, rồi trở thành giáo sư tại Đại học Khoa học Paris. Chín năm sau, người ta thấy ông hoạt động chính trường với tư cách một ứng cử viên độc lập ở hội đồng thành phố Paris. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm toàn quyền Đông Dương (1891-1894), trước khi giữ chức bộ trưởng Bộ Hải quân trong nội các Waldeck-Rousseau (1899-1902).

Tàu De Lanessan có trọng tải 750 tấn, dài 45m, mặt boong rộng 7,63m, mớn nước 4,45m, công suất 350CV. Nó được trang bị lưới quét cùng nhiều máy móc hiện đại, theo đề án gửi về Paris của TS A. Krempf, giám đốc Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương lúc bấy giờ. Việc nghiên cứu biển và các quần đảo giữa trùng khơi biển Đông khi đó cấp thiết phải có một chiếc tàu lớn. Vì thế sau khi chạy thử thành công ở cảng Bordeaux, lập tức con tàu được bàn giao cho Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương, để lên đường sang Việt Nam.

Đến Hải Phòng

Sở Hải dương học nghề cá Đông dương (Service océanographique des pêches de l’Indochine) được thành lập theo quyết định của ông Baudoin - toàn quyền Đông Dương, trước đó gần hai năm (vào ngày 14-9-1922). Trụ sở được đặt tại Nha Trang, một thành phố xinh đẹp ở miền Trung Việt Nam, nơi mà nhà bác học Alexandre Yersin danh tiếng chọn để gắn bó đời mình. Theo những tài liệu lưu trữ tại Viện Hải dương học, TS A. Krempf - nguyên giám đốc Viện Khoa học Đông Dương - nhận lãnh trọng trách giám đốc sở này ngay thời điểm vạn sự khởi đầu nan. Dưới sự chỉ huy của ông, ngay sau khi sở này thành lập, tại khu đất cao bên bờ biển luôn ngập nắng miền nhiệt đới, rộng đến 20ha, kéo dài từ phía bắc cảng Cầu Đá lên tới lầu Bảo Đại, đã mọc lên những nhà xưởng đầu tiên.

Từ đây có thể phóng mắt ra một vùng biển rộng mênh mông. Biển ven bờ ở nơi này thuộc loại sâu nhất ở Việt Nam, rất gần với hải phận quốc tế và vùng trung tâm biển Đông. Đây cũng là nơi gặp gỡ của hai dòng hải lưu nóng - lạnh, một từ phương bắc xuống và một từ xích đạo ngược lên, tạo nên một môi trường lý tưởng cho nhiều loài sinh vật biển định cư, đặc biệt là các rạn san hô cùng hệ sinh vật sống cộng sinh.

Tại đây TS A.Krempf bắt đầu thực hiện sứ mệnh khám phá biển Đông với các cộng sự: hai nhà nghiên cứu ngư học là TS Pierre Chevey và TS Paul Chabanaud, nhà nghiên cứu hóa sinh học - TS Henri Marcelet (người Pháp), nhà nghiên cứu động vật không xương sống ở biển- TS Constantin Dawydoff (người Nga) cùng ông Nguyễn Công Tiêu, nhà nghiên cứu động vật giun nhiều tơ (người Việt Nam). Vỏn vẹn chỉ sáu nhà khoa học lúc đầu nhưng phải gánh vác một nhiệm vụ lớn lao đã được ghi trong quyết định thành lập Sở Hải dương học nghề cá: “Khảo sát điều kiện tự nhiên và nguồn lợi sinh vật, kết hợp với việc đánh cá ở biển Đông, bao gồm hai quần đảo Paracels (Hoàng Sa), Spratly (Trường Sa) và biển Hồ ở Campuchia để xác định chiến lược cho nghề khai thác cá ở Đông Dương. Đồng thời triển khai nghiên cứu các công nghệ chế biến và nuôi trồng hải sản”.

Trở lại với câu chuyện con tàu De Lanessan. Sau một hải trình 63 ngày sóng gió, ngày 7-11-1924 tàu đã cập cảng Hải Phòng. Nó phải mất một thời gian ở đây để thực hiện các công việc đăng ký, đăng kiểm. Đến mùa đi biển chính của năm sau, khi việc đăng kiểm đã hoàn thành, ngày 7-4-1925 tàu De Lanessan được điều động đến vịnh Bắc bộ. Một ngày sau đó, nó đánh mẻ lưới thí nghiệm đầu tiên tại tọa độ 20 độ vĩ bắc và 106,5 độ kinh đông. Kể từ đó, nhật ký hải trình của con tàu ghi dấu những chuyến thám sát dài ngày của các nhà khoa học thuộc Sở Hải dương học nghề cá khi đó và Viện Hải dương học sau này.

Sứ mệnh lịch sử

Nhờ hoạt động hiệu quả của tàu De Lanessan - theo PGS. TS Võ Sĩ Tuấn, viện trưởng Viện Hải dương học - ngay sau khi thành lập, Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương lúc đó đã mở rộng phạm vi nghiên cứu và thu thập thông tin xuống phía nam (vịnh Thái Lan), lên phía bắc (vịnh Bắc bộ), ra các vùng khơi xa và hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, khảo sát có hệ thống và định kỳ trên 572 trạm, đặc biệt là hai trạm cố định ở Cầu Đá (Nha Trang) và ở quần đảo Hoàng Sa.

Kể từ năm 1925, tàu De Lanessan đã gắn chặt với các hoạt động của Viện Hải dương học. Trong nhiều báo cáo thường niên của viện đều nhắc đến hoạt động của con tàu. Báo cáo năm 1927-1928 viết: “Trong cả năm hoạt động, tàu De Lanessan đã đi được 106 ngày trên biển, trong đó đã dành trên 300 giờ khảo sát đáy biển và kéo lưới. Như vậy, kể từ khi bắt đầu nghiên cứu đến nay, tổng số giờ chúng tôi dành cho nghiên cứu về địa lý hải dương học và đánh cá ngoài khơi lên đến gần 1.000 giờ”.

Ngày nay bên cảng Cầu Đá (Nha Trang), hầu như ngày nào cũng có du khách nước ngoài háo hức tìm vào khu nhà mang dáng dấp kiến trúc thuộc địa nằm sâu trong khuôn viên của Viện Hải dương học. Đó là Bảo tàng Hải dương học Việt Nam, một trong những bảo tàng lâu đời nhất ở Đông Nam Á. Tại đây, họ thường dừng lại rất lâu trước bức ảnh đen trắng phóng lớn của tàu De Lanessan, được đặt ở một góc trưng bày khá trang trọng.
Một chương lịch sử sóng gió của biển Đông như ngưng đọng ở góc trưng bày này.

Gần một thế kỷ hoạt động hải dương học trên vùng biển Việt Nam và lân cận

Theo PGS. TS Võ Sĩ Tuấn - viện trưởng Viện Hải dương học, Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương (tiền thân của Viện Hải dương học) được thành lập vào năm 1922. Đến năm 1930 đổi tên thành Viện Hải dương học Đông Dương. Năm 1952 đổi tên thành Viện Hải dương học Nha Trang. Năm 1954 đổi tên thành Hải học viện Nha Trang. Năm 1975 đổi tên thành Viện Nghiên cứu biển Nha Trang (có sáp nhập Viện Nghiên cứu biển Hải Phòng vào). Năm 1993 đổi tên thành Viện Hải dương học.

“Bảo tàng tại viện có khoảng 10.000 mẫu sinh vật lấy từ hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa và một số vùng trên biển Đông. Đó là kết quả sưu tập, nghiên cứu của các nhà khoa học từ đầu thế kỷ 20 trên vùng biển Việt Nam và lân cận. Và đó cũng là bằng chứng góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo thiêng liêng này”- ông Tuấn cho biết. 

Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6

Theo Huỳnh Hiếu (báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!