(TPO) - Gần 10 ngày qua, PV Tiền Phong theo tàu cá ngư dân Đà Nẵng đánh bắt ở vùng biển “nóng” Hoàng Sa. Trải qua những đêm ngày lênh đênh cực khổ cùng bà con, được trực tiếp và tham dự bao hiểm nguy, cùng sự gây hấn.

Thế nhưng lòng quả cảm can trường, sự thông minh mưu trí và nhanh nhẹn của ngư dân miền Trung đã vượt qua tất cả.

“Đi Hoàng Sa” - anh Lê Văn Chiến - thuyền trưởng tàu ĐNa 90351 đáp ngắn gọn sau nhiều tin nhắn hỏi han tình hình ra khơi của tôi. Mặc cho biển Đông đang sục sôi như “thùng nhựa đường” nóng bỏng, các biên đội tàu cá Đà Nẵng và Quảng Nam vẫn mạnh mẽ vươn khơi, quyết ra đúng cái tọa độ mà giàn khoan Hải Dương 981 vừa hạ đặt trái phép.

Xuất hành

Bữa ăn sáng bất thường của anh em thuyền viên tàu cá ĐNa 90039 của thuyền trưởng kiêm chủ tàu Nguyễn Văn Còn B (phường Xuân Hà, Thanh Khê - Đà Nẵng) diễn ra lúc 3h sáng ngày 12/5. Sau hơn 2 tuần nằm bờ, hàng chục tàu cá Đà Nẵng quyết xuất hành ra Hoàng Sa.

“Lần này, chúng tôi sẽ quyết tâm thả lưới đánh bắt ở vùng biển có giàn khoan trái phép của Trung Quốc, xem họ làm được gì. Đó là đường ra khơi, vừa là ngư trường của ngư dân, nếu mất, có lẽ từ nay chúng tôi mất hẳn ngư trường Hoàng Sa. Chú chuẩn bị tinh thần gian khổ đi. Sẽ là một ngư dân thực thụ đấy” - ông Còn B quả quyết.

< Thuyền trưởng Nguyễn Văn Còn B cầu bình yên trước khi xuất hành.

Tôi bước lên tàu, là thuyền viên thứ 13 của ĐNa 90039, con “chiến mã” 800 sức ngựa, là niềm tự hào của đại gia đình ông Còn B cũng như của ngư dân Thanh Khê. Đã nhiều lần lênh đênh trên biển, không ít phen xuống tàu cùng ngư dân, nhưng chuyến đi lần này vô cùng đặc biệt. Một chuyến ra khơi đánh bắt hải sản đúng nghĩa, nhưng trực chỉ vùng biển mà cả thế giới đang dõi theo.

“Bình thường, chúng tôi không chọn vùng biển này, bởi nói gần cũng chưa hẳn nhưng bảo quá xa thì không đúng. Đội tàu xa bờ của ngư dân miền Trung khi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, luôn đến nơi xa nhất. Ở đó, lượng hải sản dồi dào, đồng thời cũng là một cách để ngư dân xác lập, gìn giữ chủ quyền cương thổ” - thuyền trưởng Còn B tâm sự.

Cửa biển Sơn Trà lùi xa dần trong sương sớm, bó hương trong tay ông Còn B cháy rực. Ánh mắt ông xa xăm nhìn ra biển lớn, chuyến đánh bắt lần này, có lẽ mang lại cho ông nhiều xúc cảm hơn thường lệ. “Thường ngày cầu an toàn, may mắn, cầu được nhiều luồng cá. Nay cầu thêm sự bình yên từ biển cả, cầu bình yên từ vùng biển mà vốn dĩ lâu nay là chốn ra vào của bà con” – thuyền trưởng Còn B trầm tư.


< Hoàng Sa thẳng tiến.

Tàu ĐNa 90235 của anh Trương Văn Hay dẫn đầu, theo sau, hàng chục tàu cá Đà Nẵng, Quảng Nam rẽ sóng tiến ra khơi. Tàu ĐNa 90039 đi thứ 2, máy trưởng Nguyễn Văn Trường quyết định mở cả hai máy, mã lực 800CV tốc độ hơn 10 hải lý/giờ. Bọt sóng trắng xóa bắn tung tóe, tiếng máy gầm vang xé toang không gian yên tĩnh. Bình minh ló dạng từ phía Đông. Hải trình gần 10 ngày đêm làm ngư dân ở “tọa độ nóng” của tôi bắt đầu…

Cuộc rượt đuổi đầu tiên

Mất gần 1 ngày 1 đêm cho hải trình hơn 180 hải lý, đến tận chiều ngày 13/5, chúng tôi có mặt ở vùng biển Hoàng Sa. Tàu tạm ngưng, thả trôi cách giàn khoan Hải Dương 981 phi pháp của Trung Quốc khoảng 7 hải lý.

Chiếc giàn khoan ngang ngược mờ xa khi nhìn bằng mắt thường nhưng rõ mồn một qua ống kính. Hai giờ chiều, xung quanh giàn khoan là hơn trăm tàu cá vỏ sắt, tàu hải giám, hải cảnh, ngư chính và cả tàu chiến Trung Quốc ken đặc. Mỗi chiếc đậu cách nhau khoảng nửa hải lý, hướng mũi tàu ra phía ngoài.

Gió thổi mạnh, sóng cấp 4 - 5 bắt đầu nổi lên, tàu tròng trành. Thả trôi không dòm dù (dụng cụ ngư dân dùng để neo tàu khi sóng lớn - PV), nên ĐNa 90039 chỉ sau chưa đầy một bữa cơm chiều của anh em trên tàu đã lạc vào “ma trận” của đội tàu Trung Quốc. Nhiều tiếng còi dài bắt đầu hú lên, xé toang mặt nước, xé toang không gian yên tĩnh chiều Hoàng Sa.

Một chiếc tàu hải cảnh đồ sộ đang chếch mũi về hướng khác, bỗng quay ngoắt 180 độ, lừ lừ rẽ sóng hướng tới. Cách khoảng 5 hải lý, tàu này hú còi ầm ỹ, bắt đầu biểu diễn phun nước tứ phía. Từng cột nước trắng xóa bắn ra, thông điệp đe dọa. Các ngư phủ trên tàu vẫn bình thản. “Diễn thôi, đừng sợ !” - thuyền trưởng Còn B nói.

Lúc này, mấy tàu cá khác của Đà Nẵng cũng bắt đầu triển khai đánh bắt xung quanh khu vực này. Icom trên các tàu nóng ran các cuộc thoại. “Đã chấp nhận đánh bắt trong thời điểm này, ngay khu vực này là phải đi theo biên đội, phối hợp nhịp nhàng, đói no cùng chịu. Nếu chỉ cần tàu nào xé lẻ, ngay lập tức sẽ bị tàu sắt ngư dân hoặc hải cảnh uy hiếp” - máy trưởng Nguyễn Văn Trường nói.

Biên đội 5 chiếc do tàu chúng tôi, ĐNa 90039 dẫn đầu bắt đầu chia đội hình, chọn vị trí để thả lưới. “Toàn tổ chú ý, nhiều tàu phía Trung Quốc bắt đầu triển khai uy hiếp chúng ta. Tất cả bình tĩnh né tránh chủ động. Không khiêu khích” – tiếng “anh hùng Hoàng Sa” Lê Văn Chiến (thuyền trưởng ĐNa 90351) đanh thép qua Icom.

Lúc này, khoảng cách giữa tàu ĐNa 90039 với giàn khoan chỉ còn chưa đầy 6 hải lý. Bất ngờ, hàng chục tàu cá vỏ sắt phía Trung Quốc ùa ra. Cuộc đối mặt, rượt đuổi gay cấn đầu tiên diễn ra ngay trong ngày thứ nhất ở biển. Không thể nào đếm xuể tàu cá Trung Quốc, được bọc lót phía sau là hàng chục tàu hải giám, hải cảnh và cả tàu chiến.


< Áp sát.

Một chiếc tàu cá Trung Quốc màu xanh, đồ sộ, biển hiệu 98001 lao thẳng tới tàu ĐNa 90039 với tốc độ lớn, khi khoảng cách còn rất gần, tàu này bắt đầu hãm tốc. Đồng thời, 2 chiếc tàu cá Trung Quốc khác, thân màu ghi cũng đã kẹp ngay bên hông, chặn đường né tránh. “Bình thường, chưa bao giờ thấy tàu cá Trung Quốc lớn như thế này, đặc biệt là chiếc màu xanh” – ông Còn B nhận định.

Tôi lên nắp cabin quan sát. Lúc này, toàn bộ tổ đội 5 chiếc của Đà Nẵng đã bị quây rất chặt. Cứ 3 - 4 chiếc tàu sắt của Trung Quốc áp sát một chiếc tàu cá Việt Nam. Một chiếc trước mũi chặn đường tiến, hai chiếc bên hông không cho đường thoát. Tình hình căng hơn dây đàn. Tất cả đều phụ thuộc vào mọi quyết định của thuyền trưởng Nguyễn Văn Còn B. Ông là thuyền trưởng của tàu tổ đội trưởng, sát cánh ngay bên là tàu anh Lê Văn Chiến, tổ đội phó. Phía bên phải là tàu ĐNa 90098 của Lê Dũng.

“Tui tin tưởng nhất hai cha này. Gan lỳ và dũng cảm nhưng cũng rất khôn khéo”. Thế cuộc vờn nhau trên biển diễn ra gần 1 tiếng đồng hồ. Lúc này, thuyền trưởng Còn B quyết định cho tàu lách ra. Một pha đánh lái điệu nghệ cùng với màn phối hợp ăn ý giữa hai cậu cháu Nguyễn Văn Còn B – Lê Dũng đã tạo khoảng trống tuyệt vời cho tàu anh Lê Văn Chiến lách ra.

Ngay sau đó, tàu anh Dũng cũng cắt đuôi 2 tàu sắt, tạo thêm khoảng trống cho 2 tàu khác trong tổ đội song song rời vị trí. Đi cuối cùng là tàu ĐNa 90039. Các tàu cá Trung Quốc rượt đuổi thêm vài hải lý trước khi giảm tốc và dừng cuộc áp sát đầu tiên. Lúc này đã là 17 giờ chiều ngày 13/5. Các tàu cá bắt đầu bung dù thả trôi, kết thúc ngày ra khơi đầu tiên đầy gian nan, thử thách.

Đêm Hoàng Sa ập xuống nhanh, ngày 13/5 đúng vào ngày rằm tháng 4 (tức 15/4 âm lịch). Ánh trăng chiếu rọi xuống đại dương sâu thẳm một vệt sáng long lanh. Đằng xa, đèn trên hàng trăm chiếc tàu sáng bừng cả một vùng biển. Giàn khoan 981 nhấp nháy trong đêm. Nếu là một bức tranh của hòa bình, hữu hảo thì nó thật lộng lẫy và lãng mạn.

Nhưng sự thật, sự hiện diện phi pháp của giàn khoan khổng lồ ấy đang khiến người dân Việt Nam và người dân nhiều nơi trên thế giới bất bình, giận dữ, tạo ra điểm nóng nguy hiểm giữa biển Đông cho cả các nước trong khu vực và thế giới. Tôi không thể ngờ được, ngày mai thôi, khi ánh mặt trời chói chang giữa trùng khơi, sự khốc liệt mới bắt đầu…

Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4
Theo Nam Cường (báo Tiền Phong)
Du lịch, GO!