(LangvietOnline) - Chùa Thầy là một ngôi chùa ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ - nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội; cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây Nam nếu đi theo đường cao tốc Láng - Hòa Lạc. Sài Sơn có tên Nôm là núi Thầy nên chùa được gọi là chùa Thầy. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý. Đây là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, lúc này núi Thầy còn gọi là núi Phật tích.

Cứ đến ngày mùng 7 tháng 3 âm lịch hàng năm, du khách thập phương lại tấp nập kéo về trẩy hội chùa Thầy, vừa để dâng hương khấn Phật, vãn cảnh chùa, vừa thỏa mãn tính mạo hiểm khi leo núi. Ngoài những sinh hoạt lễ hội hấp dẫn, đến hội chùa Thầy, du khách còn được thưởng ngoạn danh thắng nổi tiếng: “Có động, có hồ, có chợ Trời/ Núi sông tiểu biểu giải kỳ quan”.

Phong thủy hữu tình

Ban đầu chùa Thầy chỉ là một am nhỏ gọi là Hương Hải am do Thiền sư Từ Đạo Hạnh lập ra để tu tập. Sau này Vua Lý Nhân Tông (1072-1127) đã cho xây dựng lại gồm hai cụm chùa: chùa Cao (Đỉnh Sơn Tự) trên núi và chùa Dưới (tức chùa Cả, tên chữ là Thiên Phúc Tự). Đầu thế kỷ XVII chùa được trùng tu, mở rộng.

Theo thuyết phong thủy, chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn. Chùa quay mặt về hướng Nam. Phía trước chùa Thầy là một sân rộng nhìn ra một hồ nước gọi là Long Chiểu hay Long Trì (ao rồng), tạo thành hàm của rồng.

Hai bên hồ có hai cây cầu, cầu Nhật Tiên nối sang một hòn đảo nhỏ, trên đảo có đền thờ Tam phủ. Cầu Nguyệt Tiên nối vào đường lên núi tới chùa Cao. Hai cầu này nối sang hai bên tạo thành thế râu Rồng, làm tăng thêm vẻ đẹp huyền bí của hồ. Giữa hồ có nhà thủy đình, là viên ngọc giữa miệng rồng. Đây cũng là nơi diễn ra trò múa rối nước vào dịp lễ hội.

Kiến trúc độc đáo

Trong một không gian kiến trúc Phật giáo vừa trang nghiêm, cổ kính vừa tĩnh mịch lại gần gũi với đời, chùa Thầy là sự kết hợp của hai khối kiến trúc thờ phật và thờ thánh trong một kết cấu mặt bằng tiền công (nơi thờ phật) và hậu nhất (nơi thờ thánh). Đây cũng là một dạng mặt bằng ít gặp trong kiến trúc chùa cổ Việt Nam, với nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc khá độc đáo mang phong cách kiến trúc nghệ thuật của thế kỷ XVII.

Ngoài hệ thống tượng thờ khá phong phú và đặc sắc, tại chùa Thầy còn lưu giữ được một số lượng lớn các di vật có giá trị như những bệ tượng, nhang án, khám thờ, ngai thờ, đồ tế khí, khánh, chuông, bia đá, sắc phong với những tư liệu lịch sử quý, có niên đại trải dài từ thời kỳ khởi dựng chùa cho đến ngày nay.

Nét độc đáo và đặc sắc nhất của chùa Thầy là ở thượng điện, thờ các hóa thân của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, diễn tả ba “kiếp” của Ngài: đi tu, làm Vua, hiển Thánh. Hiện nay, trong chùa thờ pho tượng còn nguyên xương cốt có tuổi thọ gần 1000 năm, điều đặc biệt hơn là pho tượng của Ngài có thể cử động được các khớp xương chân tay- thể hiện nghệ thuật làm rối nước của dân gian. Pho tượng này duy nhất chỉ có ở chùa Thầy. Tương truyền, xưa kia mỗi khi mở khám, tượng lại từ từ đứng dậy, đóng cửa tượng lại từ từ ngồi xuống.

Về sau, một vị quan triều Nguyễn nói rằng: “Thánh thì không phải chào người phàm, để ngài đứng dậy mỗi lần mở cửa thì chúng ta thất lễ”. Từ đó hệ thống khớp nối được tháo gỡ và tượng ngồi luôn. Bây giờ nếu có người nâng thì tượng vẫn đứng lên, ngồi xuống và duỗi chân, duỗi tay được.

Giải mã bí ẩn hang động trên núi

Từ chùa Cả, qua Nguyệt Tiên Kiều, để leo lên núi phải vượt qua 251 bậc đá. Trên núi có chùa Cao (Hiển Thụy Am), nơi xưa kia Từ Đạo Hạnh hàng ngày thắp hương thiền định.

Sau chùa là động Phật Tích (Hang Thánh Hóa). Tục truyền đây là nơi Từ Đạo Hạnh đã hóa để đầu thai làm con trai Sùng Hiền Hầu và sau làm vua Lý Thần Tông. Hang nhỏ hẹp, nhìn kỹ vào vách đá sẽ thấy những vệt lõm, đó là vết đầu, vết chân và vết tay thiền sư tì vào lúc trút xác.

Tới thăm chùa Thầy du khách được hưởng thú leo núi vừa cheo leo hiểm trở, vừa thú vị. Leo lên đỉnh núi, có một khoảng đất bằng phẳng, gọi là Chợ trời, xung quanh có nhiều mỏm đá, trong đó có một phiến đá nhẵn lì được gọi là bàn cờ tiên. Có lẽ nơi đây ngày xưa các bậc trích tiên vẫn ngồi chơi cờ, uống rượu, thưởng trăng và ngâm thơ. Chợ Trời được dân gian coi là nơi gặp gỡ giữa người và tiên.

Trở lại chùa Cao, đi vòng ra phía sau tới hang Cắc Cớ. Hang sâu thẳm, tối om, phải dùng đèn pin và đi dò dẫm từng bước mới có thể xuống được, tới cuối hang thấy hiện ra bể xương chứa hàng ngàn bộ hài cốt ngót ngàn năm tuổi. Tương truyền, đây là nơi tuẫn tiết của tướng Lữ Gia cùng nghĩa quân, sau khi thất thế, đã đưa quân lính trốn vào hang để lánh giặc. Nhưng không may bị giặc phát hiện và lấp kín cửa hang. Không còn đường ra, cả nghĩa quân hàng ngàn người phải chôn thây nơi hang Cắc Cớ này.

Gái chưa chồng vào hang cắc cớ,
Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy.

Từ hang Cắc Cớ lên, men theo sườn núi qua hàng đại già đến đền Thượng, nơi thờ Thánh Văn Xương, nơi hội họp của Đông Kinh Nghĩa Thục xưa kia. Đi tiếp, du khách sẽ tới chùa Bối Am (chùa Một Mái), vì chùa chỉ có một mái tựa vào vách núi, hang Hút Gió, thềm đá Thái Lão, đền tưởng niệm Nhà sử học Phan Huy Chú, Nhà lưu niệm Bác Hồ...

Nơi đây, xưa kia Phan Huy Chú đã viết thành công tác phẩm Bách khoa cổ vĩ đại “Lịch triều hiến chương loại chí”. Cũng chính nơi đây, Bác Hồ đã từng sống, làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đến với chùa Thầy du khách không chỉ tham quan các di tích lịch sử cách mạng, mà còn được hòa mình cùng khung cảnh núi non hùng vĩ của Sài Sơn, với vẻ đẹp của một thắng cảnh nổi tiếng được thiên nhiên ưu đãi, được trải lòng mình trong không gian tĩnh mịch, thanh bình đậm chất thôn dã của những ngôi chùa cổ nơi làng quê.

Rủ nhau lên núi Sài Sơn
Ai làm đá ướt đường trơn hỡi mình?
Hỏi non, non những làm thinh
Phải rằng non đã vô tình với ai?
Nước non ví chẳng chiều đời
Mắt xanh đâu lẽ phụ người tình chung?
Yêu nhau ta dắt nhau cùng
Non bao nhiêu đá nặng lòng bấy nhiêu.
(Á Nam Trần Tuấn Khải)
Xem thêm >

Theo LangvietOnline
Du lịch, GO!