Lên tới xã Hà Lang (thuộc huyện Chiêm Hoá, Tuyên Quang) trời đã sẩm tối. Bí thư Đảng ủy xã Ma Văn Lâm nói: “Muốn lên được Thác Lụa phải qua rừng nguyên sinh Cốc Nghè, sáng sớm mai sẽ có người dẫn đường cho nhà báo, nhưng phải chuẩn bị tâm lý trước do đường lên Thác Lụa “bất khuất” lắm”. Tôi hiểu được ngụ ý về những khó khăn, vất vả ngày mai đã được dự báo trong hai từ “bất khuất” của anh.

Bữa cơm tối giữa cán bộ UBND xã Hà Lang và chúng tôi thật dân dã mà ân tình. Chủ quán người dân tộc Tày nâng chén rượu lên bảo: “Hôm nay nhà nấu mẻ rượu nếp nương mới, chén đầu tiên “kin sưởn” - uống hết nhé, từ chén sau thì “Kin cơ huơ cơ đáy” đấy” (nghĩa là: Uống được đến đâu thì uống).

Tất cả cùng nâng chén chúc cho nhau có một sức khỏe dồi dào, một đôi chân dẻo dai để mai lên với Cốc Nghè, Thác Lụa. Bí thư Đảng ủy xã nói: “Đã có người chuẩn bị cơm lam cho bữa trưa mai trên rừng rồi, yên tâm mà đi thôi”. Chẳng biết có phải vì hương thơm ngào ngạt của rượu nếp nương hay vì lòng mến khách của con người nơi đây khiến tôi thấy lâng lâng.

5 giờ sáng hôm sau, từ bản Hiệp mười người đoàn chúng tôi bắt đầu lên đường gồm Bí thư Đoàn xã, cán bộ Trạm Kiểm lâm xã Hà Lang và sáu người dân bản Hiệp. Đích đến cuối cùng là Thác Lụa, nhưng để đi đến được đó chúng tôi phải đi qua rừng nguyên sinh Cốc Nghè.

Chặng đường lên rừng nguyên sinh Cốc Nghè đi bộ chừng 10 km, qua bốn con suối lớn là: Hăm Vè, Nà Thước, Hiệp, Cốc Nghè. Mặt trời đã lên cao, càng vào gần đến rừng nguyên sinh Cốc Nghè càng mát lạnh.

Theo con đường mòn, vượt qua ba con dốc thẳng đứng, chúng tôi phải nhờ vào những đoạn cây làm gậy chống lấy đà đi tiếp. Qua khu rừng mỡ phải có đến hàng trăm cây gỗ to, cao vút. Đồng chí Lê Tiến Chi, cán bộ Trạm Kiểm lâm xã Hà Lang nói: “Qua rừng mỡ là đến rừng nguyên sinh Cốc Nghè rồi đấy”.

Cả đoàn rẽ trái để vào rừng nguyên sinh Cốc Nghè. Con đường mòn không còn. Lúc này cả đoàn mới thấy hết tài nghệ của “Nhà leo núi” Hoàng Seo Nhà, dân tộc Mông bản Hiệp. Đôi chân đã quen với đường rừng cứ thoăn thoắt đạp cỏ rừng, mở đường dẫn chúng tôi đi. Những chùm hoa lan tai trâu, lan đuôi chồn, lan me, lan kiến, lan hài đua nhau bám vào những cây gỗ cao, rủ hoa xuống. Những buồng chuối rừng chín vàng ruộm lơ lửng trên cao. Rau dớn ở đây mọc thành rừng, có chỗ ngọn vươn cao ngang đầu gối. Ở đây cũng có cả những cây kim tuyến, óng ánh muôn sắc màu mọc lên từ đất.

Người dân bản Hiệp trong đoàn cho biết, đây là loại cây chỉ mọc ở những nơi đất ẩm, có nhiều mùn và nếu ở khu rừng bình thường thì hầu như không thấy loại cây này.

Những bước chân của người đi sau cứ theo những bước chân của người đi trước mà bước. Tất cả dụng cụ cần dùng khi lên Thác Lụa đều được các chàng trai bản Hiệp đảm nhận mang theo. Chính họ là những người đi sau cùng giúp đoàn chúng tôi vượt gềnh suối, núi cao an toàn. Ở họ toát lên một sự phóng khoáng, mạnh mẽ, đôi chân trần phăm phăm bước trên những tảng đá nhọn hoắt dẫn chúng tôi đi.

Đi thêm chừng 2 km, phía trước mặt chúng tôi là vô số những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Cả đoàn dừng lại bên cây phay to mười người ôm không xuể.

“Từ nhiều đời nay, người dân bản Hiệp đã coi việc bảo vệ rừng như bảo vệ cuộc sống của mình rồi. Người dân bản Hiệp kiên trì bám rừng nên tình yêu với rừng lớn lắm” - anh Lưu Văn Vững, dân tộc Tày, bản Hiệp nói. Đôi chân nhanh như sóc của ông Nhà, anh Vững, chị Thảo cùng đi với chúng tôi có lẽ đã đi khắp những quả đồi, suối sâu ở đây, trong họ đều mang tình yêu với rừng xanh để những cây cổ thụ kia cứ vươn cao mãi, trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây.

Đồng chí Lê Tiến Chi, cán bộ Trạm Kiểm lâm xã Hà Lang nói: Để làm được một ngôi nhà gỗ, người dân ở đây phải mất 4 đến 5 năm, có khi cả chục năm ròng mới làm xong. Nguyên liệu để làm nhà được người dân lấy từ các cây gỗ bị gió, bão quật ngã, bị đổ, gãy trôi theo các dòng suối. Bao nhiêu năm nay, làm nhiệm vụ ở địa bàn này anh chưa từng thấy người dân nào chặt cây rừng lấy gỗ cả. Vì thế, rừng nguyên sinh Cốc Nghè cứ sừng sững, hiên ngang trường tồn cùng năm tháng.

Qua đoạn có nhiều cây cổ thụ, ông Hoàng Seo Nhà chỉ cho chúng tôi xem phân khỉ thỉnh thoảng xuất hiện dọc các phiến đá. Ông liền lấy cán dao gõ ba tiếng vào thân cây báo hiệu. Sắp đến Thác Lụa.

Huyền thoại mở ra Thác Lụa

Chúng tôi tiếp tục lên cao hơn qua một lối nhỏ toàn đá, không ít lần chúng tôi phải đu vào các cành cây để leo lên. Thác Lụa!

Cả đoàn ngước mặt nhìn lên. Hình ảnh thật hiện ra mà ngỡ như đang trong mơ. Hàng triệu triệu hạt nước nhỏ li ti từ thác nước như sương phả vào mặt chúng tôi. Tất cả đều trầm trồ, thán phục trước vẻ đẹp tuyệt mỹ của thác.

Tiếp nhận dòng nước của nhiều dòng suối nhỏ, vượt qua bao núi rừng, ghềnh thác, Thác Lụa băng băng, bất ngờ đổ thẳng xuống từ độ cao trên 70 mét để rồi giao hòa cùng với suối Khuổi Muồi, Nậm Bún và hợp lưu với sông Gâm. Nhìn từ xa, Thác Lụa như một dải lụa từ trên trời buông xuống núi. Có thể sẽ còn đa dạng, đa hình phong phú hơn nhiều với sự tưởng tượng và cảm nhận của du khách. Còn với tôi, Thác Lụa giống như một khúc giao tấu hùng tráng của núi rừng hoang sơ.

Người dân ở đây kể rằng: Ngày xưa, có một đôi vợ chồng sống trong rừng già, người chồng rất giỏi săn bắn, một hôm người chồng nhận được lệnh Thiên sứ lên trời làm nhiệm vụ, chàng trai đã đến đỉnh núi Cốc Nghè nhìn người vợ lần cuối và theo Thiên sứ lên trời.

Rồi người vợ cứ chờ đợi và đi tìm chồng. Nàng cũng đến đúng đỉnh Cốc Nghè, nơi Thác Lụa đổ xuống ngày nay mà chờ, mà đợi chồng mặc cho mưa gió, bão bùng. Nước mắt nàng đã chảy thành suối. Câu chuyện ấy đã trở thành huyền thoại về Thác Lụa. Cũng chính vì vậy, mà càng vào những ngày mưa, Thác Lụa càng trong xanh lạ kỳ.

Rừng núi, bản làng, đất đai nơi Thác Lụa chảy qua từ bao đời đã tạo nên một bản sắc văn hóa của các dân tộc Mông, Tày, Dao dưới chân núi Cốc Nghè. Người Mông bản Hiệp sống gắn bó với rừng, vừa có kinh nghiệm canh tác trên nương rẫy vừa có kinh nghiệm canh tác ruộng bậc thang. Người dân tộc Tày ở đây lại có tài bắt cá, đan lát. Đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Tày có thể dệt nên những chiếc mành cọ độc đáo.

Nơi đây còn gìn giữ và lưu truyền qua bao đời những làn điệu dân ca của người dân tộc Tày, Mông. Cùng đi với chúng tôi có ba cô gái người dân tộc Tày, đứng trước món quà mà thiên nhiên ban tặng, họ cùng cất lên những điệu then nghe tha thiết như gió rừng mênh mang thổi. Tôi tin có thể trong số họ, mai kia sẽ là hướng dẫn viên du lịch trên quê hương mình.

Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hà Lang Ma Văn Tích tâm sự với chúng tôi, cách đây hai năm anh đã đến tham quan Khu du lịch sinh thái Thác Đa nằm trong quần thể du lịch nổi tiếng Ao Vua, Khoang Xanh, suối Mơ, suối Tiên (Hà Nội).

Nơi đây được quy hoạch thành một khu vui chơi giải trí, có bể bơi, hồ câu cá, khu phục vụ ăn uống các món ăn đặc sản từ rừng, những “Đài vọng cảnh” trên cao phục vụ du khách. Những điệu “Sênh tiền” của người Mường, kèn lá gọi người yêu của người Mông, hát mừng năm mới của người Tày cũng trở thành những sản phẩm văn hóa thu hút khách du lịch ấn tượng. Anh bảo, nơi đây nếu được đầu tư một cách tích cực, hợp lý thì rừng nguyên sinh Cốc Nghè, Thác Lụa sẽ trở thành một khu du lịch sinh thái sánh vai với những khu du lịch sinh thái nổi tiếng trong nước.

Thác Lụa bao đời nay đã trở thành niềm kiêu hãnh và khát vọng của đồng bào các dân tộc bản Hiệp, xã Hà Lang. Với muôn loài hoa thơm, quả lạ, rừng nguyên sinh Cốc Nghè có thể đầu tư trở thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn du khách. Khi ấy, không chỉ những con dốc thẳng đứng qua rừng nguyên sinh Cốc Nghè sẽ được đầu tư xây dựng thành những con đường bậc thang đưa du khách đến với Thác Lụa, mà nơi đây còn có thể đầu tư thành các khu nhà nghỉ mi ni dưới tán rừng, khu phục vụ ăn uống các món đặc sản của rừng. Những bể bơi, hồ câu cá được tạo nên từ nước Thác Lụa... Con đường từ xã Hà Lang vào bản Hiệp sẽ tấp nập người, xe khi Thác Lụa được đầu tư.

Hai giờ chiều, đoàn chúng tôi từ Thác Lụa xuống núi Cốc Nghè trở về bản Hiệp. Cận chân núi là một thung lũng nơi ở của đồng bào các dân tộc, trong tương lai sẽ là một Làng văn hóa du lịch nằm trong khu du lịch sinh thái Thác Lụa. Tôi tin như thế!

Du lịch, GO! - Theo báo Tuyenquang, Ttvnol

Nên biết:

Có một dòng thác khác cũng có tên thác Lụa. Thác này thuộc địa phận xã Sơn Tinh (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi). Nhìn từ xa du khách sẽ thấy nó như một tấm dải lụa trắng xóa với những tầng nước chảy quanh năm. Mỗi tầng thác lại mang một vẻ đẹp khác nhau.

< Thác Lụa Sơn Tây

Thác Lụa Sơn Tây với vẻ đẹp vừa hùng vĩ, vừa hoang sơ với tiếng nước đổ ầm ầm ngày đêm mang âm hưởng của rừng thiêng sâu thẳm. Thêm vào đó là những tán cổ thụ phủ kín cả khu rừng với một màu xanh của bạt ngàn cùng tiếng chim hót líu lo, những tầng dây leo chằng chịt làm cho cảm xúc của mỗi chúng ta như hòa quyện vào thiên nhiên hoang dã.

Dưới chân Thác Lụa, theo dòng nước chảy tạo thành con suối Xà Ruông quanh co, khúc khuỷu với những tảng đá to, nhẵn bóng, xếp chồng nối tiếp nhau làm mê hoặc người lữ khách.
ĐGD