Nhắc đến Phú Yên chúng ta thường nhắc đền ghềnh đá dĩa nhưng hôm nay tôi sẽ dẫn bạn đến với một nơi cũng mang tên là “ghềnh đá” nhưng nó nằm giữa một vùng đồng bằng trù phú, giữa những cánh đồng lúa xanh ngắt một màu, đó là ghềnh đá ở xã Hòa Thằng huyện Phú Hòa tỉnh Phú Yên.
< Ghềnh đá trông như một bức trường thành che chắn cho những đồng lúa xanh tươi.
Từ trung tâm thành phố Tuy Hòa, theo quốc lộ 25 về hướng tây khoảng 8km, băng qua những cánh đồng bao la trù phú, bạn sẽ tới một điểm tham quan dân dã rất lạ. Đó là một ghềnh đá trải dài tới gần 1km ở xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa. Do địa tầng biến đổi, trải qua bao nhiêu thế kỷ “biển sâu hóa thành nương dâu”, đã hình thành nên những vạt đá răng cưa kỳ thú.
< Một phần của ghềnh đá trong nắng sớm mai.
Cách đây hàng triệu năm, khi đó nước biển còn dâng cao nên đã tao nên ghềnh đá, sau khi biển rút ra xa thì ghềnh đá đã dần hình thành với dáng vẻ ngày nay, không quá to lớn đồ sộ, không quá cao nhưng nó cũng đủ làm ta choáng ngộp trước vẻ đẹp của nó.
Ghềnh đá như sống lưng của con khủng long hóa thạch, những rìa đá, cột đá vươn cao giữa nền trời xanh, tạo nên thành trì vững chắc bao quanh những cánh đồng lúa mênh mông của thôn Mỹ Hòa.
Trông kỹ, ghềnh đá như một hòn non bộ khổng lồ nằm giữa những đồng ruộng xanh mướt. Thời gian ngắm ghềnh đá đẹp nhất là lúc bình minh, khi mà không khí còn hơi sương, ghềnh đá hiện lên thật đẹp, thật huyền ảo.
Khách du lịch có thể leo lên đến nơi cao nhất của ghềnh đá để ngắm cảnh, đứng trên nơi cao nhất: ta có thể ngắm cả một vùng trời bao la, đường chân trời là những dãy núi trùng điệp, bên dưới là những cánh đồng bạt ngàn, xa xa là ngọn Chóp Chài, ngọn núi ở phía Bắc của thành phố Tuy Hòa.
Theo dòng sử thi Sinh Nhã, họ tộc Chi La Bú của người Ê-đê Mơ-đua đã xem đây như chiếc cổng làng, là nơi dẫn lên vùng thượng đạo, miền núi non Tây Nguyên hùng vĩ, điệp trùng. Những rặng cây cột đá vươn cao giữa nền trời xanh, như thành trì vững chắc bao quanh những cánh đồng lúa bao la của thôn Mỹ Hòa.
< Xa xa là ngọn núi Chóp Chài ở thành phố Tuy Hòa.
Hòa Thắng còn có những ghềnh đá khác như: ghềnh Miễu, ghềnh Quan, ghềnh Dung, ghềnh Quýt, ghềnh Bồ, ghềnh Đuôi, ghềnh Do… với cấu tạo địa chất là các loại đá thạch anh như màu ám khói, màu sỏi, trắng đục hay tinh khiết. Trèo lên những mỏm đá cao, nhìn bao quát khắp một vùng xung quanh, du khách sẽ cảm nhận ghềnh đá Hòa Thắng không chỉ đẹp hùng vĩ, mà còn đằm thắm, dung dị với cánh đồng lúa êm đềm bên những rặng tre, làng xóm bình yên, lơ thơ làn khói bếp.
Hãy một lần đến với Ghềnh đá dù chỉ vài giờ để cảm nhận được nét thanh bình của miền quê này, để cảm nhận cái không khí trong lành nơi đây.
Du lịch, GO! - Tổng hợp từ báo Hải Quan, Xinh Xinh
1 Comments
Gành Đá – xóm Bàu
Trả lờiXóaGành Đá thuộc thôn Mỹ Hòa xã Hòa Thắng huyện Phú Hòa. Vùng này ngày nay còn nhô lên nhiều cụm đá ở gành Một, gành Miếu, gành Đê, gò Cháy, đình Phong Niên… biển cả thành ruộng dâu rồi thành ruộng lúa. Khi đào giếng, người dân thường gặp những đoạn dây leo, có nơi gặp nước mặn không uống được hoặc than bùn do cây cối vùi lấp lâu ngày. Gành Đá thuở xa xưa là vùng biển nhưng do phù sa sông Ba mỗi ngày lấp lên cạn dần.
Gành Đá có hòn lớn và hòn nhỏ hơn nằm kề nhau. Hòn lớn có chiều cao khoảng 18 mét và dài khoảng 50 mét, chiều ngang 6 mét, hòn nhỏ cao khoảng 15 mét, dài khoảng 30 mét và rộng tương tự hòn đá lớn.
Hai hòn đá lồi lõm sần sùi, những đường rạn chằng chịt, quanh quẹo, to nhỏ khác nhau. Bình minh hay lúc hoàng hôn, từng mảng ánh sáng phản chiếu một màu ửng đỏ.
Xóm Bàu và xóm Gành Đá cùng thôn. Khi làm mương dẫn thủy và tỉnh lộ đã chia Gành đá, xóm Bàu ra làm hai xóm. Gành Đá phía ngoài con mương, xóm Bàu phía trong con mương. Được mang tên xóm Bàu vì thuở trước xóm là một vũng nước sâu làm thành cái bàu, lâu ngày đất phù sa phủ kín thành ruộng, dân cư đến lập nghiệp sinh sống.
Gành Đá sau ngày giải phóng có đường rộng xe ra vài dài hơn nửa cây số, xóa đi hình ảnh hòn cù lao nằm giữa biển cả mênh mông ngày xưa. Nơi đây có nghề truyền thống như mộc, nề, rèn, dệt vải, nhuộm…
Nghề đan lát nổi tiếng đã thành truyền thống của Mỹ Hòa. Cả xóm chuyên đan giỏ thưa nên nhân dân vẫn gọi là Xóm Giỏ.
Làng Tân Phú ở Mỹ Hòa có Vườn Đình nơi tập luyện 300 người thuộc “Thứ Xá” - đội quân Cần Vương mà Đề đôn người Mỹ Hòa chỉ huy. Bên Vườn Đình có lò đúc súng thần công và lò rèn gươm giáo. Thứ xã còn lập trường dạy võ tại Vườn Học ở ấp Mỹ Hòa mà thầy dạy là Nguyễn Hải (Ba Thung), Nguyễn Cương (Ba thời) người trong ấp. Đội quân thứ Xá phải rút lui trước vũ khí tối tân của địch vào năm 1887 tại chợ Hôm (TP Tuy Hòa).
Làng Tây Phú có ông Đào Tấn Tú 18 tuổi đỗ tú tài Hán học đầu tiên của Phú Yên và cũng là người Phú Yên đỗ khoa đầu tiên tại trường thi Huế năm Ất Dậu (1837), bốn năm sau đỗ cử nhân. Mãi đến 17 năm sau mới có người Phú Yên đỗ Tú tài tại trường thi này là ông Trương Chánh Đường làng Mỹ Thạnh xã Hòa Phong.
Năm 1936 Mỹ Hòa có ông Trần Hoang đậu bằng sơ học Pháp Việt mở trường tư dạy học. Ông Đào Tấn Nhu sống đến 93 tuổi được vua ban sắc “Tứ Thọ Dân”.
Theo Nguyễn Đình Chúc (báo Phú Yên)
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.