Đêm đến, bên ánh lửa bập bùng, trong tiếng mã la vang vọng lay sông gọi núi, khi men rượu đã ngấm, khi ánh mắt chẳng thể rời nhau, khi cái lòng lưu luyến với bao điều muốn nói, muốn gửi gắm yêu thương, vậy là từng đôi, từng cặp lẳng lặng dìu nhau về phía nhà sàn. 
.
Trong không gian thinh lặng, ấm cúng, họ nằm cạnh bên nhau, gửi trao cho nhau niềm thương và nỗi mong ước, những khát vọng về một mái ấm gia đình êm đềm, đủ đầy, hạnh phúc… 
Vào cuộc, PV Chuyên đề ANTG mới rõ tục "ngủ thảo" của người Raglai ở tỉnh Ninh Thuận là mỹ tục ẩn trong nó nhiều ý nghĩa sâu xa chứ không "tệ nạn" như ai đó lầm nghĩ.

Như câu chuyện các cô sơn nữ người Thái, người Mèo, người H'mông "tắm tiên" ở vùng cao Tây Bắc, khi biết người Raglai ở 2 huyện miền núi Ninh Sơn và Bác Ái thuộc tỉnh Ninh Thuận có tục "ngủ thảo", chúng tôi  nhanh chóng lên đường. Không ngất ngây, mê đắm sao được khi nhiều người râm ran rằng với tục ngủ thảo ấy, chàng trai khi thích cô sơn nữ xinh đẹp nào đấy sau ánh mắt chan chứa xuân tình trao gửi, chỉ việc chờ tối đến gõ cửa và từ đây sẽ thỏa ước mơ được chung chăn chung gối với người đẹp miền sơn cước?!

Làng Ma Oai dưới chân núi Tà Năng (xã Phước Thắng, huyện Bác Ái) một chiều tháng 6 đón khách trong khung cảnh buôn làng bình yên đến lạ. Trong tiếng mã la vui nhộn (nhạc cụ bằng đồng như cồng chiêng ở Tây Nguyên nhưng không có núm, vỗ bằng tay chứ không gõ bằng dùi), nghe hỏi chuyện "ngủ thảo", nghệ nhân Pi-năng Thị Tâm, nữ nghệ nhân tinh thông nhiều nhạc cụ cổ truyền của tộc người Raglai, là niềm tự hào của buôn làng, nhoẻn miệng cười bật mí rằng từng có một thời, chàng trai cô gái người Raglai trước khi thành vợ thành chồng đều trải qua những đêm ngủ thảo: "Ngủ thảo là ngủ chung với nhau để tâm tình, để hiểu nhau rồi yêu nhau chứ không được làm chuyện vợ chồng bậy bạ".

Tục ngủ thảo có từ bao giờ, nghệ nhân Pi-năng Thị Tâm cùng những người già Raglai ở làng Ma Oai không ai rõ, chỉ biết rằng đó là tập tục đẹp được duy trì qua hàng trăm mùa rẫy trong tộc người, là tập tục đón khách khác giới nghỉ chân qua đêm tại nhà mình: "Nguyên gốc tục này chỉ dành cho nam nữ gặp nhau trong những đêm trăng sáng khi làng có hội, như lễ ăn đầu lúa, lễ cưới, nhất là lễ bỏ mả…" - già làng Pi-năng Tư, ngoài 70 tuổi, nói.

Giọng trầm trầm, già làng Pi-năng Tư cho biết khi đã phải lòng nhau, những đôi trai gái "ngủ thảo" không chỉ ngủ một đêm mà rất nhiều đêm để thổ lộ, chuyện trò, tỏ bày hết lòng mình với nhau, để thấu hiểu lòng nhau, để khi biết rằng chẳng thể sống rời nhau, thường thì đôi trẻ sẽ đi đến hôn nhân. "Sau những đêm ngủ thảo, nếu không ưng thuận, không hiểu được nhau thì đôi trai gái chia tay. Nhưng lòng vẫn giữ những kỷ niệm đẹp, không có chuyện oán trách, dỗi hờn. Không là tình yêu thì là tình bạn trong sáng".

Tại xã vùng cao Ma Nới thuộc địa phận huyện Ninh Sơn, Chamaléa Âu - già làng và cũng là nghệ nhân duy nhất ở Ma Nới biết làm và khảy đàn chapi, loại nhạc cụ cổ truyền của người Raglai mà "ai nghèo cũng có" và khi rung lên thì "đong đầy hồn người Raglai (Giấc mơ Chapi - Trần Tiến), có tâm tình khác. Ông nói ngày trước, chẳng nề hà chuyện gái-trai, hễ thích nhau, ấn tượng nhau thì cô gái chủ động mời chàng trai "ngủ thảo" hay ngược lại: "Thường thì khi trai gái mời nhau ngủ thảo nghĩa là họ đã phải lòng nhau rồi. Khi "ngủ thảo" với nhau, không bao giờ có chuyện chàng trai hay cô gái nay "ngủ" với người này, mai "ngủ" với người khác. Người như vậy là không đứng đắn, không nghiêm túc. Người như vậy đi đến đâu cũng bị mọi người xa lánh, đuổi đi, không chấp nhận được".

Sẻ chia của lão nghệ nhân Chamaléa Âu cũng như nhiều già làng Raglai khác ở núi rừng Ninh Sơn - Bác Ái như vẽ ra trước mắt chúng tôi không gian êm đềm trong đêm thanh vắng giữa núi rừng bạt ngàn, hùng vĩ. Trong những mái  tranh nhà sàn đơn sơ, từng đôi trai gái sau những rung cảm đã dìu nhau, nằm bên nhau, cùng chìm trong cõi mộng yêu thương với những sẻ chia, những tỏ bày mong ước về một mái nhà đơn sơ ấm êm hạnh phúc với đàn con khỏe mạnh. Trai gái Raglai đến với nhau trong những đêm "ngủ thảo" chỉ đơn giản như thế thôi. Chân tình, giản dị, trong sáng như ánh trăng soi trên mặt nước!

Đêm Ma Nới se lạnh. Bên ánh lửa bập  bùng, bên ché rượu cần ngào ngạt hương lúa rẫy, thơm mùi rừng, đậm mùi rừng, nghệ nhân Chamaléa Âu cho biết, thường thì trai gái Raglai gặp nhau, mời nhau "ngủ thảo" trong những đêm làng làm lễ bỏ mả. Người Raglai quan niệm lễ bỏ mả là những ngày vui bởi đây là thời điểm mà người chết không còn bị thần đất đai giam cầm trong không gian đen tối. Lễ bỏ mả là thời điểm người chết được tự do, được lên khỏi mặt đất, được người sống đãi đằng cho ăn uống no say và quan trọng nhất là được siêu thoát về với ông bà tổ tiên… Vui với niềm vui của người chết nên trong những đêm bỏ mả, người Raglai cùng làng và người đến từ những làng khác cùng nhau tấu mã la, hát đối đáp, uống rượu cần... Đây cũng là dịp để trai gái các làng lân cận gặp gỡ, tìm hiểu, trao đổi tâm tình với nhau với những ước mong nên duyên nên lứa.

Khi đến xã vùng cao Phước Chiến ở huyện Bác Ái, chúng tôi được một số già làng hồi ức vào những đêm bỏ mả, bà con Raglai ở các xã lân cận như Phước Thắng, Phước Đại… đổ về chung vui như hội. Lúc này, hàng chục ghè rượu cần được trải dài tại rừng ma (nơi chôn người chết) với thịt cá, rau rừng ăm ắp. Trong khi những người già, người lớn tuổi tề tựu uống rượu, ăn uống, hút thuốc thì thanh niên các làng đến giao lưu, tìm hiểu và hát giao duyên, hát đối đáp, biểu lộ tài năng sử dụng các loại nhạc cụ dân gian cũng như trao gửi tâm tình với người khác phái bằng các loại đàn môi… Trong quá trình giao lưu ấy, nếu thấy hợp mắt, thấy cảm mến, thấy cái lòng lưu luyến, đôi trai gái sẽ trò chuyện với nhau, cùng nhau tấu mã la và sau cùng mời rủ nhau "ngủ thảo".

Sau những đêm ngủ thảo, sẽ có nhiều đôi lứa tâm đầu ý hợp nảy sinh tình yêu. Thường thì sau giai đoạn ấy, cô gái bắt chồng (người Raglai theo chế độ mẫu hệ, con gái chủ động bắt chồng, con sinh ra lấy họ mẹ) bằng cách về thưa với bố mẹ để người lớn quyết định chuyện trăm năm. Lúc này cha mẹ phía chàng trai lẫn cô gái sẽ hỏi các bậc cao niên trong làng xem mối quan hệ ấy nếu tiến đến hôn nhân có vi phạm những nguyên tắc loạn luân, trùng huyết thống hay không. Nếu không thì đến lượt các yếu tố ngoại hình, tính nết, sức khỏe của chàng trai, cô gái… mới được hai bên gia đình xem xét!

Và khi không có gì trở ngại, từ đây nhiều cặp trai gái "ngủ thảo" ngày nào trở thành vợ chồng và sinh con đẻ cái. Điều này phản ánh quy luật trong sinh có tử, trong tử có sinh, sự sống bắt đầu từ cái chết trong đêm bỏ mả của người Raglai: Khi một người chết đi đã mở ra cơ hội, khai sinh sự sống cho nhiều người khác tiếp tục gia nhập cộng đồng.

Đêm ngủ thảo là nét sinh hoạt văn hóa trong sáng, mang đậm tính triết lý nhân sinh của người Raglai là thế. Những người già Raglai mà chúng tôi tiếp xúc đều khẳng định trong những đêm ngủ thảo, trai gái có thể ngủ với nhau đến sáng nhưng luật tục cấm mọi hành vi quá trớn, đi ngược với thuần phong mỹ tục, sự trong sáng của đêm ngủ thảo. Chúng tôi hỏi già làng Pi-năng Tư: "Nếu đôi trai gái không giữ được mình thì chuyện gì sẽ xảy ra?". Già ôm bụng cười khùng khục, nói nếu đôi trẻ ăn cơm trước kẻng, thường thì làng phía cô gái sẽ lên án tội lỗi của chàng trai và phạt nặng, buộc anh chàng quá đà phải nộp heo, nộp trâu cho làng và cho cả gia đình cô gái mà anh ta mạo phạm: "Làng phạt vạ nặng lắm. Làng phạt heo, phạt gà để đãi làng. Rồi phạt dòng họ của đứa trai đứa gái, buộc phải làm lễ tạ lỗi vì làm xấu mặt làng xóm, ô uế dòng họ…".

Cùng chung sẻ chia ấy của già làng Chamaléa Âu, ông Đá Mài Soai, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ma Nới khẳng định "ngủ thảo" không như người ta đồn đoán xằng bậy, suy diễn trật giuộc rằng trai gái thích thì cứ việc tìm để ngủ chung với nhau rồi mai này đường ai nấy đi, chẳng có bất kỳ ràng buộc gì.

"Tục ngủ thảo của đồng bào rất trong sáng, không có chuyện vượt rào. Ngủ thảo để thanh niên nam nữ tìm hiểu nhau thôi, cháu ơi! Không có chuyện đứa trai xấu bụng nào chăm chăm mời con gái của làng ngủ thảo để làm  chuyện bậy bạ đâu. Khi đứa trai ở làng khác đến giao lưu với cô gái ở làng sở tại, khi đồng ý ngủ thảo, cô gái xem giò chàng trai rất kỹ. Nếu anh ta không khỏe mạnh, không vỗ mã la hay, không có dáng vẻ của người đàn ông tháo vát, săn bắn giỏi, không được những người ở làng quý mến… thì sẽ không nhận lời ngủ thảo đâu" - ông Đá Mài Soai, bộc bạch.

Người Raglai xem tình dục rất thiêng liêng, có thần linh giám sát. Ai vi phạm những điều cấm kị trong hôn nhân như quan hệ bất chính, quan hệ tình dục bừa bãi, quan hệ tình dục tiền hôn nhân mà nhiều người gọi nôm na là "ăn cơm trước kẻng"… bị xem là làm theo, nghe theo lời ma quỷ xúi giục và sẽ bị làng phạt rất nặng. Các già làng kể rằng người phạm tội sẽ bị trưởng làng bắt úp mặt xuống đá rồi quất bằng roi lên khắp cơ thể, lên lưng, mông, bắp chân trước sự chứng kiến của đông đảo dân làng. Không những thế, có vùng đôi trai gái vi phạm còn bị buộc phải vào chuồng heo, vục mặt xuống máng ăn cám heo vì cho rằng chỉ có loài súc vật như con heo, con chó mới quan hệ tình dục bừa bãi. Nếu tái phạm sẽ bị đuổi ra khỏi làng.

Luật tục Raglai trừng phạt cho cái tội chửa hoang, "ăn cơm trước kẻng" là vậy. Vì sợ phạt, sợ xấu hổ với người thân, sợ làm cho dòng họ bị ô danh, sợ bị những dòng họ khác chê cười và quan trọng nhất là sợ xúc phạm thần linh (Yàng)… nên khi "ngủ thảo", cả chàng trai-cô gái luôn ý thức chuyện giữ mình. Điều này cho thấy sức mạnh của tín ngưỡng, của niềm tin tâm linh và luật tục vô hình đã điều chỉnh, duy trì đạo đức truyền thống xã hội của người Raglai trong một chừng mực nào đó nhiều khi có hiệu quả hơn pháp luật.

Bà Katơ Thị Sính ở thôn Maty, xã Phước Tân, huyện Bác Ái, cho biết bên cạnh việc xử tội nặng với những cô gái chửa hoang, những đôi trai gái "ngủ thảo" nhưng làm chuyện vợ chồng, luật làng luật tộc Raglai cũng nghiêm cấm và xử phạt nặng những người cùng huyết thống kết hôn với nhau, dẫu rằng đôi trai gái ấy tính theo dòng họ mẹ dù xa mấy đời.

Luật cũng quy định người cùng một họ, cùng nhánh cũng không được lấy nhau. Bà Katơ Thị Sính bật mí những lệnh cấm ấy có từ ngàn xưa và nay vẫn được những lớp con cháu đời sau tuân thủ nghiêm ngặt: "Ở palơi (làng), nếu ai phạm arih (tội nặng nhất, tội loạn luân) thì làng sẽ bị Yàng (thần linh) phạt nặng, làm cho đau bệnh, dịch bệnh, làm cho hạn hán mất mùa. Vì tội loạn luân là tội nặng nhất nên người phạm tội sẽ chịu hình phạt nghiêm khắc nhất".

Cần nhấn mạnh rằng trong quá trình tìm hiểu về vấn đề hôn nhân của người Raglai nói chung, tục ngủ thảo nói riêng, chúng tôi biết được rằng người Raglai ở Ninh Thuận sống rất chuẩn mực. Những vấn đề đi ngược với những nền tảng đạo đức sống như loạn luân, quan hệ tình dục bừa bãi, ngoại tình… và hẳn nhiên, quan hệ tình dục trước hôn nhân hiếm khi xảy ra. Và cũng cần nói rõ rằng tồn tại đến đầu những năm 90, tục ngủ thảo - nét văn hóa đặc sắc đồng thời là cách để người Raglai luôn nhắc nhau phải sống đẹp, sống có tâm hồn… ngày nay hầu như không còn nữa.

Những năm sau này, trước sự xâm nhập, tấn công của nhiều luồng văn hóa khác nhau, những giá trị truyền thống của tộc người Raglai dần mất đi, quan hệ tình dục tiền hôn nhân xảy ra ngày càng nhiều dần làm tan rã những giá trị truyền thống. Chính những chuyển biến không mong đợi ấy mà tục "ngủ thảo" bị lợi dụng, biến tướng nên dần bị lãng quên, để rồi "ngủ thảo" nay đã ngủ vùi trong ký ức của những người Raglai.

Du lịch, GO! - Theo T.Dũng – H.Sơn (ANTG), internet