Từ thủ phủ Lào Cai lên Sa Pa vốn đại đa số du khách sẽ đi theo con đường chính chỉ 30km và đã được cải tạo tiện nghi, rộng thênh thang bốn làn xe chạy băng băng. Nhưng nhìn lên bản đồ, cung đường từ Lào Cai lên Y Tý có vẻ hứa hẹn nhiều điều kỳ thú, bởi sẽ ngược theo dòng sông Hồng.

Quê của người Hà Nhì

Xúc động biết bao những điểm khởi đầu, dù là khởi đầu một dòng sông, con suối khi nhập vào đất mẹ. Và dù không có ý định lên tới tận A Mú Sung, nhưng chúng tôi vẫn quyết đi men bờ, ngược dòng sông chở nặng phù sa nuôi dưỡng cả vùng châu thổ sông Hồng từ hàng triệu, hàng vạn năm nay để được chiêm ngưỡng những cảnh sắc của vùng biên thuỳ phóng khoáng.

Nơi đó là huyện Bát Xát, lừng danh bao năm nay với chất men say của rượu Sán Lùng nấu từ mầm thóc, nơi có những địa danh tuy xa xôi nhưng gắn bó với rất nhiều trái tim ưa mạo hiểm và theo chủ nghĩa xê dịch, đó là Y Tý, quê hương của cộng đồng Hà Nhì có kỹ thuật dựng nhà trình tường độc đáo. Rồi Mường Hum với dòng suối xưa kia nổi danh bởi độ hung dữ mỗi mùa mưa rừng về.

Chỉ rời khỏi thủ phủ Lào Cai vài cây số, cảnh vật đã thay đổi hoàn toàn, không còn nữa hào hoa phố thị, không còn cảnh mua bán biên mậu, chỉ miên man núi rừng, và ở một bên đôi lúc lại gặp dòng sông Hồng hiện ra dưới tầm nhìn. Đường lên Bát Xát cho tới nay vẫn là cung đường khó, cua tay áo liên tục, khi dốc ngược thẳng lên đỉnh trời, khi sầm sập lao xuống vực sâu.

Chạy trên đường tỉnh lộ thì có cái thú ngắm mây trời, còn rẽ xuống các con đường nhỏ để vào bản thì hơi vất vả nhưng lại được hoà mình vào cuộc sống của cư dân bản địa Hà Nhì, Dao, Mông…

Trong lúc đám nam thanh niên đã tỏ ra khá nhanh nhẹn để tiếp cận tiện nghi thì nữ giới ở đây gắn bó với truyền thống quê hương hơn nhiều. Những cậu thanh niên chúng tôi gặp ở mỏm đá đầu bản đang đeo tai nghe, gật gù theo nhạc của điện thoại, cạnh đó là lũ trẻ chơi đùa với một que gỗ quay sát đất, một kiểu chơi nhảy dây giống trẻ em miền xuôi.

Nhà đẹp như trong cổ tích

Những ngôi nhà trong cộng đồng Hà Nhì từ bao đời nay vẫn có dáng vẻ độc đáo riêng, tất yếu tạo nên những khuôn hình rất đẹp trong ống kính. Nhà tường đất vàng rộm như sắc màu của rơm ngày mùa, vuông vắn và xinh như cổ tích vẫn được dựng nên giữa núi rừng, chỉ đáng tiếc đa phần mái nhà không còn được lợp rơm, rạ như xưa, mà thay bằng tôn công nghiệp, tuy tiện ích nhưng rõ ràng làm mất đi bản sắc truyền thống một cách đáng buồn.

Cũng là người Hà Nhì nhưng kiểu cách dựng nhà ở đây khác hẳn với mạn Lai Châu, Điện Biên, điển hình là cụm cư dân ở A Pa Chải, nơi được biết tới như điểm cực Tây của đất nước, ở đó nhà dựng bằng gỗ, có gian chính và gian phụ hai bên, đủ để hàng chục người cùng ngồi uống rượu với câu “cù li cù la” tức “có đi có lại”.

Đã biết bao dân phượt phải chắp tay xin hàng trong những bữa rượu ở bản Hà Nhì, cũng biết bao trái tim của các lớp thanh niên miền xuôi phải rung động vì vẻ đẹp thanh tú của thiếu nữ Hà Nhì.

Tại vùng Bát Xát này, nhà của người Hà Nhì khác hẳn, trình bằng đất sét, càng lâu theo thời gian càng cứng như bêtông, chống lại mọi tác động của nắng mưa. Trong một bản khác, chúng tôi xúm xít quanh người đàn ông đang cặm cụi dùng dao, rựa để đẽo một cái cày, kỹ thuật không tinh xảo gì nhưng thao tác thành thục như trăm năm trước ông bà tổ tiên ông ta vẫn làm để khai phá các thửa ruộng bậc thang.

Cũng rất ngộ khi từ xưa tới nay người ta chỉ nhắc tới danh thắng ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái mà không biết ruộng bậc thang Bát Xát cũng có vẻ diễm lệ không thua kém, khi thấp thoáng sau tán tre rừng, khi lồ lộ chào mời ven đường tỉnh lộ. Những dải ruộng bậc thang cứ men theo đường mà phô bày vẻ đẹp, chỉ tới khi qua Mường Hum, theo đường Bản Khoang để nhập về đèo Ô Quy Hồ thì những tán rừng nguyên sinh của dải vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn mới chiếm lĩnh hoàn toàn tâm trí khách viễn du.

Ngay cả cung leo núi từ Sa Pa lên đỉnh Fansipan cũng không phải lúc nào cũng bắt gặp tán rừng hoang sơ và um tùm như ở địa phận Bản Khoang. Con đường trải nhựa như thắt lại, mất hút trong tầm khuất của tán cây xanh, đôi chỗ mở bừng ra khoảng trời trên cao để ánh nắng xuyên xuống soi tỏ mặt người.

Cứ miên man đi xuyên dưới tán rừng như vậy, chợt tới một lúc vỡ ra cả mảng trời xanh, đèo Ô Quy Hồ đã hiển hiện trước mắt. Và chỉ cần đi thêm vài cây số nữa là đã về tới Sa Pa. Nơi đó, những người bạn của chúng tôi đang chờ với nồi thắng cố thơm ngào ngạt, sưởi ấm không gian đêm giá lạnh bằng vị hoa hồi, thảo quả… làm nóng sực lòng người.

Cách dựng nhà trình tường

Phương cách làm nhà trình tường của đồng bào Mông ở thôn Hồng Ngài rất đặc biệt. Theo ông Vàng A Sử, dân tộc Mông, năm nay 44 tuổi, Chủ tịch UBND xã Y Tý, thì trước khi làm nhà trình tường, các gia đình người Mông phải xem ngày giờ tốt, chọn miếng đất lành bằng phẳng, rộng cỡ 40 - 50 m2, rồi mổ gà nấu xôi cúng tế, cầu mong cho ngôi nhà mình sắp làm sẽ bền vững, thọ tới trăm năm.

Để có bốn bức tường đất bao quanh nhà cứng như thép nguội, đạn bắn không thủng, bà con phải chọn loại đất núi có độ kết dính cao. Trước khi giã đất, đồng bào Mông ở thôn Hồng Ngài phải đi chọn loại đá núi bằng phẳng ở các con suối, khe sâu, đem về đặt móng cho tường nhà. Móng được đặt ngay trên mặt đất bằng mà không phải đào sâu xuống lòng đất như người dưới xuôi xây nhà, sau đó chọn ván khuôn đặt xuống nẹp lại cho chắc như ta đổ bê-tông.

Nếu ngôi nhà định làm có diện tích 40 m², thì tường phải dày cỡ 40 cm. Sau khi đặt móng, đặt khuôn, đồng bào cào đất núi đã chọn vào thúng, rành đổ vào khuôn gỗ ván, rồi cầm chày gỗ giã cật lực, giã đến khi nào đất kết dính chắc đét lại với nhau, tháo khuôn ra mà không rơi lả tả thì được.

Hết tầng lượt thứ nhất, bà con tháo khuôn đặt tiếp lượt tầng thứ 2, mỗi lượt tầng ván khuôn cao cỡ 40 cm, rồi đổ đất giã tiếp cho kết dính thật chặt với lượt tầng vừa làm xong. Cứ như thế, ròng rã hằng tháng trời, tường đất của ngôi nhà rộng 40 m² mới làm xong.

Thường thì mỗi ngôi nhà làm cao 5-6 lượt tầng ván khuôn là đủ, cá biệt có gia đình làm cao 7-8 tầng khuôn. Nhiều nơi như bên Pha Long, huyện Mường Khương, đồng bào làm cao tới chín tầng ván khuôn. Trình xong tường chung quanh, đồng bào lấy gỗ kháo, sồi, pơ-mu hoặc dổi làm khung nhà bên trong tường. Toàn bộ bốn bức tường không có chỗ nào bổ trụ, mà đã có các cột gỗ bên trong chống đỡ.

Làm khung nhà xong, bà con bắt đầu lợp mái. Trước đây, đồng bào Mông ở thôn Hồng Ngài thường lợp bằng cỏ gianh hoặc rơm rạ, có khi lại lợp bằng gỗ cây pơ-mu bóc ra thành từng lớp rất bền vững. Sàu này, từ khi có Chương trình 135 của Chính phủ, nhà trình tường của bà con đã được "hiện đại hóa" lợp bằng phi-brô-xi-măng.

Nhà trình tường của đồng bào Mông ở Y Tý, Bát Xát khi làm xong có một cửa ra vào ở chính giữa nhà và một cửa phụ ở đầu hồi nhà bên trái, hoặc bên phải để ra chuồng trâu, chuồng ngựa phía sau.
Ngoài ra, đồng bào còn làm thêm một, hoặc hai cửa thông gió ở bên trái, hoặc bên phải lối ra vào, nhìn xa như lỗ con tò vò. Nhà trình tường của người Hà Nhì ở Y Tý làm tương tự như đồng bào Mông, nhưng mặt tường bên trong và bên ngoài được giã, mài nhẵn và mịn trơn.

Bên trong nhà của người Hà Nhì, đồng bào còn làm thêm một bức tường phụ cũng bằng đất nện chạy song song với tường chính ở cách cửa ra vào khoảng 1,5 m. Sau bức tường phụ này là bếp và giường ngủ của người làm chủ gia đình. Nhà của người Hà Nhì đa số là hình vuông, khác với nhà hình chữ nhật của người Mông.

Về mùa đông, cho dù trời rét xuống độ âm, trong nhà đồng bào vẫn ấm. Còn về mùa hè, nếu nắng nóng đến 37°-38°C, ngồi trong nhà đồng bào vẫn mát mẻ. Chất lượng của nhà trình tường thì khỏi nói, trâu bò húc vào tường không rung rinh, đạn AK bắn gần không thể thủng, một người to khỏe lấy hết sức bình sinh đạp cả hai chân, bức tường nhà vẫn trơ trơ.

Đứng ở trên cao nhìn xuống, những ngôi nhà trình tường của đồng bào các dân tộc xã Y Tý trông giống như những cây nấm khổng lồ mọc bên sườn núi, rất xinh đẹp và ngoạn mục.

Du lịch, GO! - Theo Thái A (SGTT),Voyagersapa, internet