Dọc con đường nhựa nhỏ từ thị trấn Tri Tôn đi về phía Ma Thiên Lãnh - Ô Tà Sóc, hai bên là những rừng trúc hoang sơ, hàng hàng lớp lớp; lác đác có những tảng đá khổng lồ đứng chơ vơ.

Loáng thoáng, ẩn hiện vài bóng nhà của bà con người Khmer trong vườn cây sum suê. Thỉnh thoảng du khách gặp vài chiếc xe bò đủng đỉnh, lăn bánh cọc cạch…

Khu di tích Ma Thiên Lãnh - Ô Tà Sóc, thuộc ấp An Ninh, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn (An Giang) nằm trên ngọn Sà Lon thuộc núi Dài (Ngọa Long Sơn), trong cụm Thất Sơn hùng vĩ.

Từ chân núi Sà Lon, du khách có thể đi lần theo những bậc đá quanh co, khúc khuỷu để khám phá Ô Tà Sóc. Cảnh vật hai bên đường hoang vu, thơ mộng. Du khách sẽ gặp những lạch nhỏ nước trong vắt chảy róc rách len qua muôn ngàn phiến đá thiên hình vạn trạng. Xen giữa đá núi, cây rừng hoang dại là những cây xoài, điều, mít, chuối xanh mướt.


Ô Tà Sóc có nghĩa là suối Ông Sóc, đây là một vùng rừng núi hoang dã nằm trên ngọn Sà Lon thuộc núi Dài (Ngoạ Long Sơn), trong hệ thống dải Thất Sơn. Núi Dài có chiều dài 8.000m, cao 580m. Sau khi xả hơi, thư giãn dưới chân núi Sà Lon, du khách có thể đi lần theo những bậc đá quanh co, khúc khuỷu để xâm nhập, khám phá Ô Tà Sóc.

Cảnh vật hai bên đường hoang vu, thơ mộng. Du khách sẽ gặp những lạch nhỏ nước trong vắt chảy róc rách len qua muôn ngàn phiến đá thiên hình vạn trạng. Xen giữa đá núi, cây rừng hoang dại là những cây xoài, điều, mít, chuối xanh mướt lạ kỳ.


Rừng Ô Tà Sóc có rất nhiều chim. Ta hay gặp những chú chim chìa vôi lửa nhảy nhót, hót líu lo trên những “vồ” đá cheo leo. Chim sâu ríu rít trong những tán trâm rừng chín mọng. Thỉnh thoảng du khách còn được nghe tiếng chim “bắt cô trói cột” đồng vọng, xa xăm giữa núi rừng hoang vắng. Trên đường ta còn gặp các bác nông dân, các cô gái Khmer gánh củi, chuối, rau quả từ trên rẫy về rất khoan thai, thư thả. Cuộc sống nơi rẻo đất hẻo lánh nầy thật thanh bình, yên ả.

Những năm khoảng từ 1962 đến năm 1967, căn cứ của tỉnh ủy An Giang đóng ở những hang động của Ô Tà Sóc. Điện Trời Gầm là nơi chỉ huy. Các cơ quan, đoàn thể đóng rải rác trong một hệ thống hang động có đường mòn nối liền nhau từ Bụng Ông Địa đến Ô Vàng, vồ Út Mươi, có bán kính gần ba cây số. Các hang động ở Ô Tà Sóc rất kiên cố, chứa được nhiều người. Xâm nhập vào điện Trời Gầm, hang Phụ Nữ, hang Quân Y, hang Hậu Cần… du khách sẽ thán phục trước sự kỳ vĩ của thiên nhiên, những khối đá granit khổng lồ chồng chất lên nhau, ăn thông nhau như một mê cung kỳ bí!

Đến với đồi Ma Thiên Lãnh huyền thoại, du khách sẽ được nghe câu chuyện thật cảm động về những chiến sĩ đã hy sinh trong hang đá. Đồi cao chừng 80 mét, nằm cách căn cứ Ô Tà Sóc khoảng 1.000 mét. Đây là một đồi đá chỉ có một con đường độc đạo từ phía tây lên. Năm 1969, máy bay địch ném bom đánh sập, bít kín miệng hang, bảy chiến sĩ thuộc tiểu đội tiền tiêu của Ðoàn 61, chủ lực Miền, bị kẹt trong hang. Lúc đầu, đơn vị tiếp lương thực bằng cách dùng ống tre đưa sữa, cháo loãng vào hang. Mấy ngày sau, địch càn quét, đánh phá ác liệt nên đơn vị phải rút về rừng U Minh. Bảy chiến sĩ ấy đã vĩnh viễn ở lại trong hang.

Ba mươi tám năm sau, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh An Giang tiến hành phá cửa hang Ma Thiên Lãnh để tìm hài cốt các liệt sĩ. Sau 24 ngày làm việc cật lực, chiều ngày 08-7-2007, cửa hang được mở ra, hài cốt của bảy chiến sĩ được tìm thấy. Ngày nay, tại cửa hang Ma Thiên lãnh có dựng bia kỉ niệm và bên dưới có bàn thờ các liệt sĩ.

Ở trên đỉnh Ma Thiên Lãnh ta có thể quan sát một vùng rộng lớn từ Ô Tà Sóc vòng qua xóm Mới, lên xóm Thúng của xã Lương Phi. Trên đồi, có nhiều cổ thụ như bằng lăng, sao, dầu, vông rừng, sung núi… và rất nhiều cây thuộc họ dây leo chằng chịt bám vào đá núi.

Về Ô Tà Sóc - Ma Thiên Lãnh thăm lại di tích chiến trường xưa, khám phá những hang động, dạo chơi sẽ cho bạn nhiều ấn tượng khó quên!

Khám phá Ô Tà Sóc

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ SGT, Giaoduc.edu và nhiều nguồn ảnh khác