Nằm ở độ cao 2.412 m so với mực nước biển, đỉnh Chiêu Lầu Thi có thể coi là “nóc nhà” thứ 3 của đất Việt, chỉ đứng sau đỉnh Phan - xi - păng và Tây Côn Lĩnh.

Các nhà địa lý cho biết: Đỉnh Chiêu Lầu Thi nằm trên cánh cung Tây Bắc thuộc Bắc Việt Nam, thuộc hệ các dãy núi cao phía Tây chạy theo hướng Tây Bắc kéo xuống phía Nam Việt Nam. Chiêu Lầu Thi nằm ở thôn Tân Minh và thôn Chiến Thắng, xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, cũng là đỉnh có vị trí giáp ranh 2 xã: Ngán Chiên, Thu Tà, huyện Xín Mần, nơi được xem “Một tiếng hú hoang dã của loài khỉ núi làm động cả 3 vùng của huyện Xín Mần và Hoàng Su Phì”.
Từ lâu, tôi được nghe chuyện kể của người dân tộc Dao vùng Hồ Thầu có nhiều bài thuốc lấy từ cỏ cây rừng tự nhiên sử dụng rất hiệu quả trong việc phòng, chữa bệnh. Người ta cho rằng, những phụ nữ sau khi sinh nở được tắm bằng các loại lá cây thuốc trong rừng 3 lần, sau 3 ngày là có thể đi nương, làm rẫy bình thường.

Hoặc có những bài thuốc tắm lá cây chữa các bệnh phong tê thấp, đau nhức xương khớp rất tốt... Tuy nhiên, được nghe, nhưng chưa được thấy, nên tôi chưa từng tin điều đó là có thật. Lần này, sau 1 đêm được ăn toàn rau rừng “làm thuốc”, được uống rượu ngâm cây thuốc mọc ở rừng và được ngủ ở trong rừng, nơi sinh ra rất nhiều loại rau thuốc, cây thuốc, đã đưa tôi vào giấc mơ tiên rất sâu, để rồi tỉnh dậy sau một hồi gà rừng gáy sáng, người nhẹ như bấc, đầu óc sảng khoái, tinh thần thoải mái như chưa từng phải leo dốc ngày hôm trước suốt 13 km đường rừng để đến đây.

Lão nông Triệu Chòi Vảng dẫn tôi đi lấy các loại rau rừng ăn làm thuốc để đi núi cho nhẹ cái chân, thoải mái cái đầu, giải nghĩa: Dân tộc Dao họ Triệu chúng tôi sống ở rừng núi này đã bao nhiêu đời người nên chúng tôi hiểu rừng lắm. Đây là cây gỗ Chù Ché Toỏng, dịch ra tiếng Kinh là cây hoa Vòi Chó. Người đi rừng mệt mỏi hái cái búp cây này mang về luộc thật chín, đổ nước luộc đi, cho nước khe lạnh rửa qua, rồi đem sào lại với mỡ lợn, thêm chút muối, mì chính là ăn được. Người ta ăn cây rau Vòi Chó có vị ngọt, bùi, mùi thơm ngậy có tác dụng giải độc, hỗ trợ thận, gan, làm săn cơ bắp, tốt cho người leo núi, đi rẫy. Còn đây là cây rau móng ngựa, gọi theo tiếng Dao là Mà Tầy Tuôi. Loại rau này được nấu ăn xem ví như con ngựa leo núi, có tác dụng giúp người đi núi, đi nương rất tốt. Còn rau này gọi là Tồm Nọ Lai, nấu ăn rất ngọt, rất mát, bùi, dịch ra tiếng phổ thông là cây rau gà gô hay gà rừng, rất bổ máu, tốt cho gan, thận.

Chủ tịch xã Triệu Chòi Phú chỉ cho tôi một loại rau có dây leo tựa như dây gấc, có củ tựa như củ nâu, giải thích: Đây là loại rau thuốc rất đặc biệt được người đi rừng luôn mang trong người: Lá của loại này làm canh ăn giải nhiệt rất tốt. Củ cây rau đó được dùng làm thuốc “đặc trị” rắn độc cắn. Cho nên, cả 10 người đi rừng hoặc lên Chiêu Lầu Thi đều phải tìm đến nó để lấy “phòng thân”. Nói và kể, rồi đi tìm các loại rau ăn làm thuốc, cây thuốc chữa các bệnh thường gặp trong cuộc sống ở Chiêu Lầu Thi có lẽ tôi phải nằm cả tháng, thậm chí cả năm để theo các cư dân trong vùng ghi chép chưa chắc đã hết.

Báu vật ở Chiêu Lầu Thi còn có nhiều loại chim, thú quý hiếm đến nay vẫn tồn tại được các cư dân bảo vệ như vật báu trong “gia phả” để làm giàu vốn rừng. Trong đó, Hươu có, nai có, lợn rừng có, chim quý có và gấu, khỉ cũng có. Người trong vùng quy định nếu ai xâm phạm “vốn quý” nơi Chiêu Lầu Thi còn nắm giữ sẽ bị cả làng phạt vạ nghiêm theo luật. Ngoài rau ăn làm thuốc, chim quý, thú quý “giữ rừng” người ta còn biết đến cây “chè thuốc” mọc ngay dưới đỉnh 2.412 m. Chè thuốc là loại chè Shan tuyết rất đặc biệt. Chè mọc thành vùng tựa như những cây cổ thụ của rừng. Búp chè thuốc màu tia tía đỏ, được phủ kín một lớp lông tơ mịn, lá dày, bản lá to, búp to. Mùa này chè thuốc đang cho búp. Kể rằng, cây chè mọc ở độ cao trên 2.000 m, hứng chịu gió từ 4 phương, sương 4 mùa mà tạo nên những tinh chất rất quý có tác dụng như “thuốc” bồi bổ sức khỏe con người.

Mỗi năm người trong vùng chỉ tìm hái chè thuốc 2 lần, đó là lần 1 vào cuối xuân, lần 2 vào cuối hè, chớm thu về. Muốn hái chè thuốc Chiêu Lầu Thi người ta phải lên núi từ ngày hôm trước. Người hái chè phải làm lễ tế trời đất, tế lễ tổ tiên đã để lại các cây chè cổ, xin phép thần rừng để hái chè về làm thuốc cho người già, người thường xuyên ốm yếu, bệnh tật... Sau lễ tế, người hái ngủ lại trên núi, chờ sớm dậy, sương còn đọng trên lá, mặt trời lên cao chưa quá cây sào phải hái xong. Hái quá thời điểm trên, chất thuốc trong chè sẽ giảm và còn rất ít tác dụng chữa bệnh. Bởi vậy, vào mùa này các trai làng thường rủ nhau đi núi hái chè về sao làm thuốc cho cha mẹ, ông bà.

Chủ tịch xã Hồ Thầu Triệu Chòi Phú cho biết: Năm nay anh 39 tuổi và không còn nhớ mình đã cùng các trai tráng trong làng lên Chiêu Lầu Thi hái chè thuốc bao nhiêu lần nữa, chỉ biết rằng, trở thành thanh niên, từ đó đến nay năm nào cũng lên. Việc con, cháu lên Chiêu Lầu Thi hái chè thuốc biếu ông bà, cha mẹ uống tĩnh tâm, dưỡng khí đã trở thành nét văn hóa truyền thống trong vùng. Quả thật chè Shan tuyết trên đỉnh Chiêu Lầu Thi đã trở thành một trong những báu vật nổi trội của Hồ Thầu từ đời này qua đời khác truyền lại là thế.

Vượt qua bạt ngàn rừng trúc cần câu, rừng chè cổ thụ, rừng cây giai lão, chúng tôi tiến gần tới đỉnh thứ 8 trong 9 đỉnh núi cao khu vực Chiêu Lầu Thi. Lúc này, mặt trời đã vượt qua chừng 2 cây sào trúc (nói theo kiểu của lão cư dân Triệu Chòi Vảng) đỉnh núi cao thứ 8 đã đến gần. Càng lên cao, cây cối càng lùn tịt lại, chỉ có gió là mỗi lúc một mạnh lên. Không gian gần đỉnh “nóc nhà thứ 3” trở nên quang đãng, rộng mãi ra theo tầm nhìn. Không khí càng gần đỉnh 2.412m tưởng loãng như nước đá tan chảy, cùng tiếng gió rin rít bên tai. áng chừng còn vài chục thước nữa là đến đỉnh thứ 8, lão cư dân Triệu Chòi Vảng, hô to: “Tất cả hãy cúi xuống mà... bò kẻo gió ru đổ”. Cả đoàn gần chục người cứ thế làm “con kiến” leo dần lên đỉnh núi. Chuyện kể lại, thời Pháp thuộc, để xác định vị trí địa lý đặt căn cứ quân sự và chinh phục Chiều Lầu Thi người Pháp đã lên đây.

Chúng tôi đã làm “con kiến” bò qua dải yên ngựa nhiều chỗ bé tẹo teo chừng nửa mét, 2 bên vách núi hun hút, cùng gió rét và cái lạnh của không khí loảng mà mặt mày tái sám, gai ốc nổi lên khắp người. Nơi đỉnh núi thứ 9 Chiêu Lầu Thi cao 2.412 m đến nay còn lại dấu ấn của người Pháp để lại là hố cột cờ rộng chừng 1m2, sâu nửa mét. Đặt được lá cờ Pháp trên đỉnh “nóc nhà thứ 3” này, người Pháp đã bỏ lại đây 1 mạng người do sơ xẩy bị gió ru xuống vực mất xác cho đến ngày nay chưa tìm thấy. Bật mí với tôi, lão cư dân Triệu Chòi Vảng, cho hay: Nơi đỉnh núi này và bao quanh nó ta nhìn ra cả huyện Hoàng Su Phì, nhìn sang Xín Mần, bao quát cả một vùng núi non thuộc miền Tây Bắc Hà Giang.

Đứng nơi đây ai cũng có quyền tự hào, Tổ quốc Việt Nam nơi Tây Bắc trập trùng, hùng vĩ, gắn liền với một lịch sử dân tộc oai hùng trong quá trình đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Còn cúi xuống chân ta, đỉnh Chiêu Lầu Thi - đỉnh cao thứ 3 của “nóc nhà” Việt Nam còn đem lại cho ta một báu vật nổi tiếng đó là cây thảo dược, xếp dạng “biệt dược” Hoàng Liên. Loài thảo dược quý hiếm chỉ mọc ở đỉnh núi Phan - xi - păng cao 3.142 m và đỉnh Chiêu Lầu Thi cao 2.412m. Phải chăng đó là sự trùng lặp giữa 2 đỉnh “nóc nhà” trên đất Việt? Hay là sự hùng vĩ, sự giàu có mà Chiêu Lầu Thi được trời đất ban tặng để dâng tặng cho cuộc sống con người Hồ Thầu? Hãy đến khám phá “nóc nhà thứ 3” bằng sự hiểu biết và lòng can đảm. Mùa du lịch Hà Giang đang đến gần.

Theo báo Hà Giang