(TTO) - Làng nghề thúng chai Phú Mỹ (xã An Dân, huyện Tuy An, Phú Yên) vẫn còn giữ cách làm truyền thống từ vật liệu thô đến các công đoạn chế tạo. Nhiều khu du lịch, các công ty nước ngoài rất yêu thích mặt hàng này.
Làng nghề thúng chai (thuyền thúng) Phú Mỹ đã trải qua hàng chục năm phát triển. Thời cao điểm có khoảng 50 hộ làm thúng chai, nhưng do thu nhập bấp bênh, đến nay chỉ còn ít hộ bám trụ với nghề. Một trong số đó là cơ sở của ông Trương Văn Trung và vợ là bà Trương Thị Bích Kiều. Họ vẫn duy trì toàn bộ công đoạn làm thúng chai thủ công.
Kỳ công làm thúng
Đến trực tiếp nơi làm thúng chai mới thấy rõ sự kỳ công, tỉ mẩn của những người thợ. Dùng chiếc chày lớn giã vào phần đáy thúng cho đều, ông Trung cho hay để làm ra một chiếc thúng chai đẹp phải chọn loại tre mỡ, không già cũng không non.
"Tôi quê gốc Nghệ An, vào đây làm cũng đã hơn 20 năm rồi. Toàn bộ công đoạn làm thúng chai đều do hai vợ chồng làm hết. Làm thúng chai thủ công cực lắm, nên ít ai mặn mà", ông Trung nói.
Những cây tre này được lấy từ nhiều khu vực ven sông huyện Tuy An chẻ nhỏ, đều, rồi đem phơi 4 - 5 ngày nắng. Khâu then chốt là làm mê thúng (đáy thúng), tre được vót mỏng và đan đều khít với nhau. Tiếp đến là công đoạn lận vành. Người thợ đào hầm đất làm khuôn rồi đặt nguyên tấm mê thúng đã đan xong xuống hầm.
Theo ông Trung, đây là một trong những công đoạn quan trọng quyết định đến chất lượng sản phẩm để chiếc thúng sau khi lận cả vòng thúng và vành phải tròn đều, cân bằng và không biến dạng, thậm chí phải dùng cùm vành để siết và nắn vành.
"Tuyệt chiêu" chống thấm truyền đời của dân làng nghề thúng chai
Ngay khi chiếc thúng chai hoàn thiện, bà Kiều lại lăn chiếc thúng ra ngoài phơi nắng, sau đó để đến công đoạn đặc biệt giúp thúng luôn bền chắc và có màu nâu óng như sáp ong.
Bà Kiều bê từng xô phân bò tươi và trát đều lên mặt thúng. Cách làm này nhằm bịt kín các kẽ hở của nan tre. Sau khi lớp đầu tiên khô, thợ lại trét thêm lớp thứ hai. Đợi phân bò khô, bà Kiều dùng nhựa dầu rái quét thêm hai lớp. Lúc đó, thúng chai mới hoàn thành. "Kỹ thuật chống thấm bằng phân bò và nhựa dầu rái được truyền lại từ đời cha ông, giúp thúng có màu đẹp chống mối mọt. Phân bò bịt kín kẽ hở của các nan tre, sau đó nhựa dầu rái thấm vào, kết dính lại với nhau rất bền.
"Lớp chống thấm này tồn tại trong môi trường nước biển 4 - 5 năm. Công đoạn này rất cực, phải dang nắng, người thì hôi mùi phân bò, nhưng nghề của cha ông thì ráng mà làm", bà Kiều tâm sự. Tùy theo kích cỡ, giá thúng chai dao động từ 1,5 - 3 triệu đồng. Số lượng thúng gia đình bà Kiều bán ra phụ thuộc vào đơn đặt hàng. Đa số thúng chai được ngư dân dùng để câu mực, hay các khu du lịch mua về để chở khách, thậm chí xuất khẩu.
"Ưu điểm của thúng chai Phú Mỹ là rất khó bị lật khi đi biển, dễ xoay trong không gian hẹp bởi dạng hình tròn. Hơn nữa, thúng chai làm bằng tre khi bị rách, thủng có thể đem về trét và vá lại được. Làm thúng chai chủ yếu lấy công làm lời. Nhà tôi nhờ kiếm được đầu ra với vẫn còn giữ cách làm truyền thống, nên khách hàng khá ưa thích", bà Kiều chia sẻ.
Theo ông Võ Văn Khương - chủ tịch UBND xã An Dân, địa phương đang vận động người dân bám nghề, kết nối với các doanh nghiệp để tìm đầu ra cho thị trường, đăng ký sản phẩm OCOP để lan tỏa thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh cho thúng chai Phú Mỹ.
Theo Minh Chiến (Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.