(SGTT) – Tọa lạc tại xã Liêu Xá - huyện Yên Mỹ - tỉnh Hưng Yên, làng Ông Hảo từ lâu được xem là “thủ phủ” đồ chơi Trung thu truyền thống. Thời điểm này, người dân trong làng lại tất bật làm “mặt nạ giấy bồi” – món đồ chơi Trung thu gắn liền với tuổi thơ của bao người.

Những ngày này, không khí Tết Trung thu đã xuất hiện sớm ở làng Ông Hảo. Đây là nơi làm ra các sản phẩm “mặt nạ giấy bồi” Trung thu truyền thống, cung cấp cho các tỉnh, thành trong nước.

Từ các nguyên liệu đơn giản như các loại giấy trắng, giấy báo và bìa carton tái chế cùng với hồ dán nấu từ bột sắn, những người thợ sẽ “bồi” chúng thành những chiếc mặt nạ, đầu sư tử… sinh động và ngộ nghĩnh.

Nhìn bề ngoài, mặt nạ giấy bồi có vẻ đơn giản, nhưng để có được sản phẩm hoàn hảo, nghệ nhân phải tốn khá nhiều công sức… 

…với việc bồi thô, sơn vẽ và hoàn thiện, đóng gói

Đầu tiên là tạo hình mặt nạ bằng cách bồi giấy bìa, giấy báo, giấy vở cũ… lên khuôn xi măng đúc sẵn, trước đây là khuôn bằng đất nung hoặc bằng gỗ.

Mặt nạ thường được bồi thô ba lớp giấy, lớp trong cùng là lớp lót; lớp giữa bồi bìa carton và bên ngoài sẽ được bồi giấy trắng. Người thợ sẽ dùng hồ bột sắn để kết dính các lớp giấy này.

Bồi xong, mặt nạ được mang đi phơi khô tự nhiên từ 1-3 ngày, tùy điều kiện thời tiết để giữ nguyên hình dạng.

Sau khi mặt nạ khô, người thợ sẽ tô màu – khâu quan trọng để quyết định phần “hồn” của chiếc mặt nạ. 

Theo chia sẻ của những người thợ cao tuổi ở làng, để làm mặt nạ giấy bồi đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, từng nét vẽ.

Trong đó, công đoạn khó nhất là vẽ đầu lân, đầu sư tử… để thành phẩm có thần thái, có được cái “hồn”, đặc biệt là chi tiết râu, mắt… 

Những chiếc “mặt nạ giấy bồi” thành phẩm.

Làng Ông Hảo còn nổi tiếng với nghề làm trống ếch. Những chiếc trống ếch làng Ông Hảo có màu sơn đỏ, tiếng đanh, được ưa chuộng không kém những chiếc “mặt nạ giấy bồi”.

Theo Nguyễn Hồng Sơn - Đăng Huy (Sàigòn Tiếp Thị)

Du lịch, GO!