(BCB) - Bản Giuồng, xã Tiên Thành (Quảng Hòa) có hơn 280 nhân khẩu sinh sống, 100% là người dân tộc Tày. Cả bản có 74 nhà sàn cổ được dựng liền kề nhau, lưng tựa vào núi, mặt hướng ra cánh đồng, tạo nên không gian cổ kính, đậm bản sắc của người Tày Cao Bằng.

< Làng Tày cổ Bản Giuồng.

Điểm nổi bật nhất ở Bản Giuồng là những nhà sàn cổ có niên đại trên trăm năm, được dựng theo kiến trúc nhà 3 gian, trong nhà được phân chia thành các khu vực, như: nơi thờ cúng, nơi tiếp khách, buồng ngủ, nhà bếp, nơi để nông cụ, lương thực, thực phẩm. Nhà được làm bằng gỗ, lợp ngói máng, vì vậy, nhà nhìn đẹp mắt, thoáng mát và bền theo thời gian.

< Đường vào xóm được bê tông hóa xuyên qua những ruộng ngô, lúa xanh mướt.

Ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày của người dân Bản Giuồng là tiếng Tày; tiếng phổ thông chỉ dành để giao tiếp với người ngoài, khách đến thăm và làm việc tại bản. Màu sắc trang phục của người dân chủ yếu là màu chàm và màu đen, trong đó, trang phục của nữ có thân dài, đai màu đen và đeo xà tích; trang phục nam dáng ngắn, túi 2 bên, khuy áo được làm bằng vải. Hiện nay vào các dịp lễ, tết người dân nơi đây (chủ yếu là người già) vẫn mặc trang phục dân tộc. 

< Những ngôi nhà sàn cổ có tuổi đời hàng trăm năm, gắn bó với bao thế hệ người dân nơi đây.

Bên cạnh nghề dệt, người dân nơi đây còn có nghề đan lát truyền thống, sử dụng nguyên liệu chủ yếu là tre, trúc để làm ra những loại sản phẩm phù hợp phục vụ đời sống sinh hoạt, lao động như: chiếu, cót, bàn, ghế… khá đặc sắc, tinh tế và bền chắc.  

Văn hóa ẩm thực của người dân rất đa dạng, độc đáo và mang đậm dấu ấn đặc trưng của người Tày. Các món ăn được chế biến chính từ các loại rau tự trồng và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

< Người dân vẫn sử dụng cối xay bằng đá, làm những món ăn truyền thống có hương vị đặc trưng.

Ngoài ra, có một số món đặc biệt mang đậm chất vùng quê, như: canh chuối rừng nấu với đỗ tương, lõi chuối rừng để làm chua, cây chuối non giã nát nấu với thịt, canh măng giang, bánh trứng kiến, khẩu lam…

Đời sống văn hóa tinh thần của người Tày Bản Giuồng rất phong phú, có các tập tục, nghi lễ, làn điệu dân ca dân tộc mang đậm nét riêng biệt. Đặc biệt, Bản Giuồng là nơi tổ chức Lễ hội Nàng Hai - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2459/QĐ-BVHTTDL ngày 20/6/2017 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

< Các thế hệ người Tày ở Bản Giuồng luôn ý thức bảo tồn, gìn giữ và phát huy những nét truyền thống văn hóa.

Bản Giuồng là xóm duy nhất của xã giữ được trọn vẹn những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo và được mệnh danh là “làng cổ” của người Tày. Nơi đây có sự hội tụ của cảnh sắc tự nhiên, văn hóa ẩm thực, phong tục tập quán đậm đà bản sắc nên có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch cộng đồng, hiện xóm có 5 hộ dân kinh doanh dịch vụ homestay.

Để đẩy mạnh công tác tuyên tuyền gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, chính quyền địa phương đã xây dựng Dự án bảo tồn văn hoá làng Tày cổ Bản Giuồng đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các hạng mục đáp ứng yêu cầu để mở tour du lịch cộng đồng.

< Lễ hội Nàng Hai, Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được tổ chức vào ngày mùng 2/3 âm lịch hằng năm.

Đây sẽ là tiền đề để cộng đồng dân cư Bản Giuồng tham gia làm du lịch với mục tiêu gìn giữ, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể dân tộc Tày, bảo vệ môi trường sinh thái và môi trường xã hội nhằm phát triển du lịch bền vững, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa vật chất, tinh thần cho người dân.

Đến với Bản Giuồng để cảm nhận những giá trị xưa với nhiều nét đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày. Bản Giuồng thanh bình được bao quanh bởi cánh đồng lúa, ngô bát ngát, xen giữa là những con đường nhỏ, dòng suối nước trong mát uốn lượn quanh làng với những món ăn bình dị đậm chất hồn quê của vùng sơn cước, người dân hiếu khách và ngắm nhìn những ngôi nhà sàn đã hàng trăm tuổi vẫn được gìn giữ gần như nguyên vẹn kiến trúc nhà sàn cổ là một trải nghiệm khó quên với bất kỳ ai.                   

Theo Thanh Huyền (Báo Cao Bằng)

Du lịch, GO!