(TĐO) - Bắt đầu chuyến hành trình dọc sông Hồng, nơi hợp lưu của những luồng di dân từ hàng ngàn năm trước, không mấy ai biết rằng giữa đất Thăng Long – Hà Nội vẫn còn những dấu vết của người Chăm Pa đóng góp vào không gian văn hoá đồ sộ của mảnh đất kinh kỳ. 

Nép mình bên chân cầu Thăng Long, ven con sông Hồng uốn lượn, ngôi làng cổ Phú Gia (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) vẫn còn nhiều dấu tích của người Chăm cổ để lại.

Đến làng Phú Gia, ta vẫn được nghe về những câu chuyện đầy tự hào của một ngôi làng giàu truyền thống, nhất là những nét đặc trưng của người Chăm cổ vẫn còn phảng phất trong kiến trúc đền chùa, trong những câu chuyện về lịch sử hình thành hay tên các dòng họ.

Ông Công Văn Tung – người phụ trách lịch sử làng Phú Gia kể, theo sử sách ghi lại, thời vua Lý Thánh Tông (1023 – 1072) một số người Chăm đã được phép di cư đến vùng đất này sinh sống và lấy tên theo tiếng Chiêm Thành, gọi là Đa Gia Ly (sau gọi chệch đi là Bà Già Hương hay thôn Bà Già).

Chính sử Việt Nam cũng từng nhắc đến ngôi làng này trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư: “Trần Nhật Duật thường cưỡi voi đến chơi ở thôn Bà Già. Thôn này có từ thời Lý Thánh Tông. Sau khi đánh Chiêm Thành về, vua Lý bắt được người Chiêm rồi cho về ở đấy, theo tiếng Chiêm mà đặt tên thôn là Đa Gia Ly, sau người đời gọi chệch đi thành thôn Bà Già. Trần Nhật Duật đến chơi thôn này, có khi đến ba, bốn ngày mới về”.

Nhưng phải đến thời vua Trần Thái Tông (1225 – 1258), ngôi làng mới được đổi tên thành làng Phú Gia – nghĩa là trù phú – khi nhà vua cho mở rộng kinh thành Thăng Long làm phòng tuyến chống giặc Nguyên – Mông.

Trải qua biến cố thăng trầm của lịch sử, hiện nay làng Phú Gia vẫn còn lưu giữ được rất nhiều di vật cổ mang dấu ấn của người Chăm.

Điển hình, tại di tích chùa Bà Già, người quản lý di tích chùa cho biết, trong chùa hiện còn một pho tượng hộ pháp cổ mang dấu ấn phong cách Chăm ở bàn thánh hiền của chùa.

Trước cửa chùa hiện vẫn còn đặt một đôi phỗng đá mang đậm dấu ấn của người Chăm Pa.

Đôi phỗng được làm bằng đá sa thạch, có chiều cao khoảng 1m, đầu tượng có búi tóc, mặt vuông nhìn thẳng, trán ngắn, mắt to tròn, mũi lớn, má bạnh, cằm nhọn, miệng rộng, môi dày, tai dài, đang mỉm cười. Tượng có bụng phệ, mông cong được che bởi một chiếc váy có hông tạo thành nút và dây buộc đúng với phong cách người Chăm cổ.

Đặc biệt, dấu tích văn hóa Chăm tại làng Phú Gia còn được thể hiện qua tên các dòng họ. Cụ Công Văn Cự, 82 tuổi một vị cao niên trong làng từng kể lại với khách đến chơi làng rằng ở Phú Gia trước đây chủ yếu có hai họ sinh sống là họ Ông và họ Bố (nay họ Ông được đổi sang họ Công, họ Bố được đổi sang họ Hy). Hai họ này nhiều khả năng chính là họ của người Chăm xưa kia.

Mặc dù trong lịch sử làng Phú Gia có những nét văn hóa rất riêng biệt so với các làng khác ở Hà Nội bởi nơi đây từng là nơi sinh sống của người Chăm, nhưng hiện nay, do cuộc sống đô thị hóa, con người ít quan tâm tới những giá trị truyền thống, nên các dấu tích người Chăm cổ đang có nguy cơ mai một đi rất nhiều.

Theo Dương Minh Khôi (Thời Đại)

Du lịch, GO!