(TNO) - Ca dao Bình Định có câu: “Tiếng ai than khóc nỉ non/Ấy vợ chú lính trèo hòn Cù Mông”. Vậy, câu ca dao này có từ khi nào?

Đất Bình Định núi non trùng điệp với dải Trường Sơn như một xương sống lớn nằm chếch phía tây và nhiều nhánh núi từ mạch Trường Sơn xỉa chếch về đông. Trong đó nhánh núi phía nam là ranh giới tự nhiên giữa Bình Định và Phú Yên. Đèo Cù Mông nằm trên nhánh núi phía nam tỉnh Bình Định, ngày xưa đường đèo Cù Mông là con đường chính nối Phú Yên với Bình Định (QL1A).

Sách Nước non Bình Định của Quách Tấn chép: “Đèo Cù Mông nằm gần biển. Tuy không dốc như đèo An Khê nhưng dài và quanh co khó đi. Ngày xưa nơi đây tiêu điều vắng vẻ, nước độc ma thiêng, cực chẳng đã lắm người dân Bình Định mới lên xuống”.

Liên quan tới ngọn đèo này, ca dao Bình Định có câu: “Tiếng ai than khóc nỉ non/ Ấy vợ chú lính trèo hòn Cù Mông”. Vậy, câu ca dao này có từ khi nào?

Xuất hiện vào thời Tây Sơn - Nguyễn Nhạc hay thời Tây Sơn - Cảnh Thịnh?

“Thời nhà Tây Sơn” đối với câu ca dao này, là tính từ khi khởi nghĩa Tây Sơn và thời vua Thái Đức - Nguyễn Nhạc trị vì, bởi đèo Cù Mông ở ranh giới Phú Yên - Bình Định, từ khi Quang Trung - Nguyễn Huệ ra Phú Xuân rồi lên ngôi vua thì ông chưa từng quay lại lối này thêm lần nào nữa.

Sách Quốc văn đời Tây Sơn (Hoàng Thúc Trâm, Nhà in Vĩnh Bảo Sài Gòn, 1950) chép: “Trong 8 năm ấy, đánh cựu Nguyễn, chống quân Trịnh [từ năm khởi nghĩa 1771 đến năm Nguyễn Nhạc lên ngôi, 1778 - NV], Nhạc tất phải “động viên” số đông dân chúng ở miền mình đã kiểm soát, nhất là Qui Nhơn, để dưới cờ có thể có một số binh khá đông ngõ hầu mới ứng phó được với tình thế.

Trong các gia đình quân nhân, khi tiễn chồng đi trận, lòng chinh phụ nào mà chẳng dằng dặc buồn, mắt chinh phụ nào mà chẳng hoen mờ ngấn lệ. Lại thấy chồng phải trèo đèo Cù Mông với bao vất vả nhọc nhằn, rồi dần dần chìm khuất trong lùm cây kẽ đá, người chinh phụ càng “nhìn rặng núi” càng “ngẩn ngơ nỗi nhà”, càng có thể òa lên mà than, mà khóc. Cho nên bấy giờ dân gian có câu: “Tiếng ai than khóc nỉ non/ Ấy vợ chú lính trèo hòn Cù Mông”.

Tuy nhiên, cụ Quách Tấn đã phản bác lại ý kiến của cụ Hoàng Thúc Trâm. Cụ Quách Tấn cho rằng thời ba anh em Tây Sơn mới dấy binh khởi nghĩa, những của cải lấy được của bọn tham quan ô lại hay bọn cường hào ác bá, thì đều được chia cho nghĩa quân (gồm cả dân binh) một nửa, nửa còn lại dùng vào việc quân lương. Vì thế ngoài việc xung phong đăng lính, nhiều người dân còn tự nguyện đi theo nghĩa quân để làm các công việc phục vụ hậu cần.

Tới khi vua Thái Đức lên ngôi, ông cư xử với quân và dân của mình cũng rất có tình, nên thời đó mới có câu ca dao khác: “Ơn vua Thái Đức chí tình/ Cù Mông vắng vẻ nhưng mình vẫn vui”. 

Rồi cụ Quách Tấn kết luận: “Câu “Tiếng khóc nỉ non” kia có lẽ sản xuất thời Cảnh Thịnh, lúc cháu đã cướp ngôi bác và đưa người từ Phú Xuân vào cai trị dân địa phương… Hoặc cũng rất có thể câu kia đã ra đời lúc Nguyễn Ánh đã cướp được thành Qui Nhơn bắt dân Bình Định đi lính để đánh lại quân Cảnh Thịnh”.

Bởi cụ lý giải rằng suốt 143 năm dưới triều Nguyễn (1802 - 1945), người Bình Định vẫn bí mật thờ ba anh em Tây Sơn ở ngay tại đình Kiên Mỹ - “đến khi [anh em Tây Sơn - NV] chết rồi mà còn thế, huống hồ lúc sống lẽ nào lại có lời thán oán như kia”.

Tuy nhiên, đèo Cù Mông ở phía cực nam đất Bình Định trên con đường bộ chính của các đoàn quân các bên tham chiến nên người vợ trong câu ca dao chắc chắn là nhìn theo bóng chồng leo núi về nam. Mà với điểm tựa là phương nam, quân Nguyễn chỉ có hướng tiến ra phía bắc, vì vậy chuyện câu ca dao kia “ra đời lúc Nguyễn Ánh đã cướp được thành Qui Nhơn bắt dân Bình Định đi lính để đánh lại quân Cảnh Thịnh” - như cụ Quách Tấn nhận định là không hợp lý.

Nguyễn Ánh đánh Cảnh Thịnh gần như hoàn toàn chỉ có đánh từ nam ra bắc.

Nói gần như, bởi cũng có lúc những toán tàn quân Tây Sơn trốn lánh được ở đất Phú Yên khi quân Nguyễn đánh thốc ra và lướt qua, nhưng những toán tàn quân Tây Sơn ở phía nam (của đất Bình Định) đó hoàn toàn không đủ khả năng uy hiếp trở lại Bình Định. Nguyễn Ánh vì vậy không cần bắt lính ở Bình Định trèo lên đèo Cù Mông hướng về phía nam. Chỉ có thể là do vua Cảnh Thịnh bắt lính ở Bình Định lên đèo Cù Mông để chống quân Nguyễn đang từ nam đánh ra mà thôi.

Theo Nam Hoa (Thanh Niên)

Du lịch, GO!