(VNE) - Cây lim xanh hàng trăm năm tuổi hiếm hoi còn sót lại ở Vườn quốc gia Bến En sau nhiều lần bị lâm tặc âm mưu đốn hạ.

Bến En từng được coi là thủ phủ lim xanh nổi tiếng miền Bắc một thời, song cách đây vài ba thập kỷ, nạn chặt phá rừng ồ ạt khiến gỗ quý trong đó có cây lim hầu như đã bị đốn sạch. Tuy nhiên, tại vạt rừng thưa giáp ranh giữa địa phận hai xã Xuân Khang, huyện Như Thanh và xã Tân Bình, huyện Như Xuân còn sót lại một cây lim cổ thụ, có tuổi đời hàng trăm năm, được xem là "báu vật" của khu rừng.

Cây lim nằm ven con đường liên huyện từ UBND xã Xuân Khang đi về hướng lòng hồ Sông Mực, cao sừng sững, đứng cách xa cả cây số vẫn có thể dễ dàng trông thấy. Theo kết quả đo đạc của Ban quản lý Vườn quốc gia Bến En, cây lim cổ thụ này có chiều cao gần 50 m, đường kính ngang ngực gần 1,8 m, phần gốc nhiều vè, bạnh và phải 4-5 người lớn ôm mới hết.

Nhiều người cho rằng, tuổi đời của cây có thể lên đến hàng nghìn năm, song chưa có cơ sở khoa học khẳng định chính xác. Theo các cụ cao niên ở thôn Xuân Tiến, đời cha ông họ lớn lên đã thấy cây lim lừng lững giữa đất trời. Trên thân cây hiện có nhiều loài địa y hay thực vật ký sinh bám đầy ở những mảng vỏ sần sùi, u cục...

Lãnh đạo UBND xã Xuân Khang cho hay, những năm 90 của thế kỷ 20, vùng này lim xanh nhiều vô kể, song quản lý lỏng lẻo khiến cây rừng cứ thế bị đốn hạ dần. "Cụ cây" còn sót lại có thể do quá lớn nên lâm tặc thời đó chưa có phương tiện cơ giới chặt hạ. Tuy nhiên, sự sống của cây lim quý này từng nhiều lần bị đe dọa.

Khoảng những năm 2000, một nhóm lâm tặc đột nhập vào rừng với ý định xẻ thịt cây gỗ quý nhưng bị dân làng phát giác nên bỏ đi. Song ở gần gốc cây còn hằn nguyên một vết cắt ăn sâu một phần tư thân và không thể lành. Ít năm sau, nhóm người khác tiếp tục lén lút dùng cưa cắt một số vè bạnh quanh gốc, rồi cưa thêm một nhát ở phía đối diện vết cắt cũ. Nhát cưa sau cũng ăn vào thân cây 30–40 cm nhưng cây không đổ.

Nhiều lần bị phá hoại khiến phần thân sát gốc cây lim chỉ còn bộ lõi và vài vị trí sót lại ít lớp vỏ khiến nó không thể sinh trưởng bình thường. Hơn 10 năm nay, cây lim già không còn ra hoa quả như trước. Nhận định cây còn bị lâm tặc nhòm ngó, Vườn quốc gia Bến En đã cho đặt ngay một trạm kiểm lâm cách đó vài trăm mét để bảo vệ cây gỗ quý.

Khoảng 5 năm trước, vào một ngày thời tiết hanh khô, trên ngọn cây lim bỗng xuất hiện đám cháy. Do lửa bốc cao hàng chục mét, người dân không thể dập, chính quyền địa phương phải nhờ phương tiện chữa cháy chuyên dụng của kho đạn K826 đóng trên địa bàn huyện Như Thanh mới có thể dập tắt.


Lực lượng chức năng và người dân không hiểu vì sao đám cháy lại xuất hiện trên tán cây. Khả năng có kẻ lén đốt gần như bị loại trừ do thân cây quá to, khó có thể trèo lên được vì tán cao tới trên 40 m so với mặt đất. Nhiều người suy luận rằng, do trên tán lá có nhiều tổ chim quấn bằng rác và cỏ khô cùng nhiều cành già bị mục nên khi người dân địa phương đốt nương làm tàn lửa bay sang, gây cháy. Từ sau lần đó đến nay, cây lim không bị xâm phạm thêm lần nào khác, hiện cành lá xanh tốt.

Ông Đặng Hữu Nghị, Giám đốc Vườn quốc gia Bến En cho hay, cây lim cổ thụ được coi như báu vật không chỉ vì giá trị thương mại mà còn có ý nghĩa lớn về mặt bảo tồn, duy trì nguồn gen quý hiếm.

Vườn quốc gia Bến En đang thực hiện dự án bảo tồn và phát triển loài lim xanh (Erythrophleum Fordii Oliv), trong đó có một nội dung quan trọng là phục tráng và bảo tồn cây lim cổ thụ bằng nhiều biện pháp như: xây dựng hàng rào bảo vệ, tuyên truyền cho cộng đồng dân cư về công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn cây lim xanh nói riêng; phát dọn dây leo, bụi rậm; phun thuốc xử lý nấm, diệt mối quanh gốc; kích thích sinh trưởng, dùng thuốc liền vết thương...

Vườn Quốc gia Bến En có tổng diện tích tự nhiên hơn 14.000 ha, trong đó có hơn 12.000 ha đất lâm nghiệp. Đây là nơi phân bố giống lim xanh nhiều nhất ở tỉnh Thanh Hóa.

Lim xanh có tên khoa học là Erythrophleum fordii, thuốc loại thực vật phân họ Vang Caesalpiniaceae họ đậu Fabaceae. Ở Việt Nam, lim xanh được xếp nằm trong nhóm gỗ "tứ thiết" quý hiếm (đinh, lim, sến, táu).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, đến nay địa phương đã trồng mới được khoảng 20.000 ha rừng có lim xanh, bằng 10% diện tích trước đây. Tỉnh này đang đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ khôi phục và phát triển thêm 10.000 ha lim xanh, nâng diện tích toàn tỉnh lên 30.000 ha. Dự kiến đến năm 2030, riêng Vườn quốc gia Bến En cũng sẽ trồng mới thêm khoảng 1.000 ha rừng lim xanh.

Theo Lê Hoàng (Vnexpress)

Du lịch, GO!