(NLĐ) - Những ngày này, khi các đồi sim rừng ở huyện An Lão, tỉnh Bình Định bắt đầu chín, nhiều người dân địa phương mang theo dụng cụ, lương thực đổ xô lên các xã vùng cao An Toàn, An Tân và An Quang để hái, bán cho thương lái.

< Du khách chụp hình kỷ niệm tại đồi sim rừng ở huyện An Lão.

Bên cạnh đó, nhiều du khách cũng đến đây để thưởng thức những trái sim rừng chín mọng và "check in" đồi hoa sim tím bạt ngàn.
Cách trung tâm huyện An Lão hơn 45 km với con đường bê-tông uốn lượn qua các triền đồi, dốc núi cheo leo, xã An Toàn có độ cao hơn 1.050 m so mặt nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ. Có lẽ nhờ thiên nhiên ưu đãi nên nơi này có đồi sim rộng hơn 200 ha mọc tự nhiên.

< Nhiều người đi hái sim chín ở huyện An Lão, tỉnh Bình Định.

Cách xã An Toàn không xa, tại tiểu khu 33 (giữa xã An Tân và An Quang) cũng có đồi sim rừng mọc tự nhiên rộng trên 320 ha. Đây cũng là đồi sim có diện tích lớn nhất huyện An Lão. Trái sim ở An Lão chỉ to tầm đầu ngón tay trỏ người lớn nhưng ngọt lịm, không có vị chát như sim ở nhiều nơi khác.

Trước đây, vào mùa sim chín, người dân các xã vùng cao huyện An Lão khi đi lên rẫy, chăn thả gia súc, ngang qua đồi sim chỉ hái một ít trái chín ăn chơi. Thi thoảng mới có vài người dưới xuôi lên chơi, ghé đồi sim hái vài ba cân về làm quà hoặc ngâm rượu uống, ít ai nghĩ đến giá trị kinh tế của trái sim.

< Thanh niên địa phương đi thu hoạch sim trên đồi sim rừng An lão.

Cách đây khoảng 4 năm, khi một doanh nghiệp đến huyện An Lão đặt vấn đề thu mua trái sim chín với giá 12.000 đồng/kg, các đồi sim ở địa phương này mới bắt đầu được đánh thức. Thời điểm này, người dân địa phương ùn ùn kéo lên các đồi sim hái quả bán cho thương lái. Nhờ đó, cây sim bắt đầu trở thành một trong những loại cây "thoát nghèo" của người dân các xã vùng cao An Lão.

Ở thời điểm này, trái sim ở huyện An Lão trở nên hấp dẫn do được giá, trung bình khoảng 15.000 đồng/kg. Có thời điểm, giá lên đến hơn 20.000 đồng/kg. Đó là giá bán cho thương lái, còn trên thị trường bán lẻ có lúc lên đến 40.000 đồng/kg.

Theo cụ Đinh Văn Ôi (75 tuổi; ngụ thôn 1, xã An Toàn), mùa sim chín ở địa phương kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8 âm lịch hằng năm. "Vào mùa, mỗi người trong làng nếu làm siêng đi hái sim sẽ kiếm được vài trăm ngàn đồng/ngày. Thậm chí, có gia đình kiếm được hàng chục triệu đồng trong một mùa sim chín" - cụ Ôi cho biết. Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện An Lão có hơn 500 ha rừng sim tự nhiên nằm trên đất lâm nghiệp. Trong đó, tại tiểu khu 37 (xã An Toàn) có gần 200 ha cây sim và tại tiểu khu 33 (giữa xã An Tân và An Quang) có trên 320 ha.

Nhận thấy giá trị kinh tế mà cây sim mang lại, đồng thời xác định việc phát triển kinh tế gắn với việc bảo tồn và phát triển cây sim rừng, kết hợp với du lịch là một hướng đi mới, UBND huyện An Lão vừa xây dựng 2 đề án về phát triển lâm nghiệp bền vững và phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết hiện chính quyền địa phương đã chủ trương giao diện tích các đồi sim tự nhiên cho người dân bảo quản, thu hoạch trái sim dưới tán rừng, góp phần tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài huyện đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất rượu sim, từng bước xây dựng thương hiệu "Rượu sim An Lão" nhằm phục vụ cho phát triển du lịch và tiểu thủ công nghiệp trong giai đoạn tới tại địa phương.

Theo Anh Tú (Người Lao Động)
Du lịch, GO!