(BQN) - Nếu nhàm chán những ồn ào nơi phố thị, thì du khách hãy tìm về những vùng quê yên bình của xứ Quảng như bàu Cá Cái, Ba Làng An hay làng Gò Cỏ... để tìm một cảm giác nhẹ nhàng, thư thái.

“Mắt biển” Ba Làng An

Xã Bình Châu (Bình Sơn) nổi tiếng với nhiều địa danh du lịch. Trong đó không thể không kể đến “Mắt biển” Ba Làng An. Đây là điểm đến lý tưởng vào thời điểm nắng nóng.
Về Ba Làng An du khách sẽ đắm say ngay từ con đường thơ mộng. Trải dài hai bên đường là hàng dương liễu xanh mát. Trước hiên những ngôi nhà nhỏ xinh có giàn hoa giấy, cây lộc vừng, bàng vuông... thu hút hướng nhìn của khách lạ. Cảm xúc sẽ vỡ òa khi sóng biển vỗ về trên rạng đá đen thu vào tầm mắt.

Đến Ba Làng An, nhiều du khách chia sẻ rằng, nơi đây quá đỗi mộc mạc, trong lành. Hình ảnh những chiếc thúng đủ sắc màu mà ngư dân dùng để đánh bắt hải sản cũng trở nên sinh động. Từng đợt sóng nhẹ làm thúng lắc lư, hòa quyện với ánh mặt trời tạo thành sắc màu long lanh, óng ánh.


< Ngọn hải đăng ở Ba Làng An.

Du khách Phạm Thanh An cho biết: “Cùng bạn bè trò chuyện, ngồi nhìn sóng biển và đợi ngư dân mang hải sản vừa đánh bắt vào bờ để mua những con tôm, cá tươi rồi thong thả nhóm lửa nướng là mọi muộn phiền đều tan biến. Cần gì đi đâu xa, Ba Làng An đã đủ giúp chúng tôi nạp thêm năng lượng”.

Đến đây, du khách đừng quên leo lên Trạm Hải đăng, để từ nơi “mắt biển” cao 36,5m này ngắm khung cảnh bao la, hùng vĩ của biển cả.

Ngồi thuyền ở bàu Cá Cái


< Khu vực bàu Cá Cái nằm gần biển, được chính quyền quy hoạch trồng cây cóc trắng thành rừng phòng hộ chắn sóng và cải thiện môi trường sinh thái.

Cũng thuộc huyện Bình Sơn, bàu Cá Cái, ở xã Bình Thuận hấp dẫn du khách bởi rừng ngập mặn rộng đến 110ha. Những rặng cây đước, cóc thẳng tắp, trải dài trên mặt nước, xanh mướt, thanh bình. Giữa hai hàng đước, cóc cách nhau một khoảng rộng đủ để hai chiếc ghe khua mái chèo.

Ngay từ đầu thôn Thuận Phước, lối dẫn vào rừng ngập mặn bàu Cá Cái cũng rất thi vị, khi đường bê tông uốn lượn giữa ruộng đồng. Người dân thôn quê hồn hậu sẽ nhiệt tình trò chuyện, giới thiệu vẻ đẹp sông nước đã gắn bó với họ từ bao đời nay.

Cứ mỗi buổi chiều, những hộ dân sống tại đây lại lên ghe thả lưới bắt cá, tôm để phục vụ cho bữa cơm chiều. Người dân nơi đây chia sẻ: Rừng ngập mặn bàu Cá Cái thu hút rất nhiều loài vật sinh sống. Ngoài các loại thủy sản, những đàn chim, cò, vạc cũng tấp nập kéo về đây trú ngụ.

Khi đến bàu Cá Cái du khách đừng quên tận hưởng cảm giác ngồi trên ghe của những tay chèo lão luyện để nhè nhẹ len qua từng dãy cây xanh, hít thở bầu không khí trong lành, mát rượi.

Thả hồn trên thềm đá Gò Cỏ

Khi đến thăm làng Gò Cỏ, ở phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ), ngay từ đầu làng, du khách sẽ trải nghiệm cảm giác bước đi trên những con đường đá trải dài có từ thời cổ xưa. Tại ngôi làng này chỉ có khoảng 80 nóc nhà, với diện tích vỏn vẹn 105ha nằm lọt thỏm giữa hai quả đồi, tách biệt với sự xô bồ, tấp nập bên ngoài.

Những ngôi nhà nơi đây bao phủ bởi những bờ thành đắp bằng đá. Từng mảng đá lớn, nhỏ xếp tầng tạo bờ thành, nối từng căn nhà, xóm nhỏ với nhau để chống lại cuồng phong của thiên tai, bão lũ hình thành từ thời xa xưa đến nay vẫn được dân làng gìn giữ. Những lũy tre làng lâu năm càng tô đậm nét yên bình cho làng Gò Cỏ.

Theo lối dẫn của đá sẽ đưa du khách ra bãi biển với bờ cát rộng, dài. Dừng chân nghỉ ngơi dưới bóng dừa tại bãi biển, nghe dân quê kể về những chiếc giếng cổ cung cấp mạch sống, những chuyến phiêu lưu trên biển, hay nghe dân làng ngâm nga những câu hát bài chòi hòa cùng tiếng sóng biển tạo nên nhịp điệu ấn tượng, khó phai.

Theo Đăng Sương (Báo Quảng Ngãi)
Du lịch, GO!