(VOV) - Vùng đất này toát lên vẻ đẹp hút hồn của cao nguyên với những lớp lớp “măng” đá cùng với sức sống mãnh liệt hoang sơ của người dân bản địa.

Cách thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) khoảng 130km về phía Đông Bắc, huyện Tủa Chùa là huyện miền núi xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên.

Để lên được đến Tủa Chùa, phải vượt qua quãng đường vượt núi, vượt dốc, băng qua vực sâu, những con đèo dốc uốn lượn.

Nằm ở độ cao 1.400m so với mực nước biển, 70% diện tích của huyện là núi đá vôi,...

... vùng đất này lại toát lên vẻ đẹp hút hồn của cao nguyên với những lớp lớp “măng” đá cùng với sức sống mãnh liệt hoang sơ của người dân bản địa.

Nơi đây luôn có sức hút thú vị đối với những du khách ưa thích du lịch trải nghiệm và du lịch mạo hiểm vùng địa hình núi non hiểm trở.

Cách thị trấn chừng 30 km, cao nguyên đá Tủa Chùa cũng được ví như một "Đồng Văn” thu nhỏ...

... là sự hội tụ sự độc đáo về lịch sử kiến tạo vỏ trái đất, những cảnh quan đặc sắc cùng với truyền thống văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc văn hóa của cộng đồng cư dân bản địa.

Đây là vùng tập trung người H’Mông đông nhất của tỉnh Điện Biên.

Cao nguyên đá tập trung nhiều nhất tại các xã: Tả Phình, Tả Sìn Thàng và xã Xá Nhè.

Từ bao đời nay, người dân bản địa trên cao nguyên đá Tủa Chùa (chủ yếu là dân tộc H’Mông, chiếm 70% dân số của huyện) đã sống chung với đá, có kỹ thuật canh tác hốc đá và canh tác lúa nước vùng thung lũng.

Tận dụng các khe đất nhỏ giữa các lớp đá tai mèo gieo trồng cây lương thực.

Đồng bào dân tộc Mông cần cù chịu khó, sinh sống hài hòa với thiên nhiên trên cao nguyên đá.

Tủa Chùa được đánh giá là nơi có nhiều tiềm năng về du lịch văn hóa và sinh thái, chứa đựng các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.

Theo Lưu Hồng Sơn/VOV
Du lịch, GO!

Cao nguyên đá Tủa Chùa