(ĐGD) - Hẻm được đề cập ở đây nằm phía Tây Bắc phường Cát Lái và phường Bình Trưng Đông, Q2. Với Cát Lái, trái với phần phía Tây, phía Nam và Đông đã được quy hoạch đâu đó đang hoàng với các khu vực sản xuất khu dân cư bằng đường ô vuông vắn thì ở phần đất mình đề cập có đường xá khá là chằn chịt với các ngõ hẻm lớn nhỏ vặn vẹo không theo bất kỳ một quy tắc nào. Bình Trưng Đông cũng vậy.

< 6h18 phút sáng: khởi đầu cho một buổi... 'phượt hẻm', bọn mình đi bộ hóng gió ở một 'khu quy hoạch để ngó' đầu đường Đồng Văn Cống. Mát, thoáng và cảnh bình minh thía này đây!

Phường Cát Lái được thành lập tháng 1 năm 1997 trên cơ sở 669 ha diện tích tự nhiên và 6.567 nhân khẩu của xã Thạnh Mỹ Lợi. Phường Cát Lái có 669 ha diện tích tự nhiên và lúc ấy có 6.567 nhân khẩu. Còn Bình Trưng Đông nằm kề cận có diện tích 3,45 km².

< Sáu đó thì ghé chợ, đây là chợ Cây Xoài trên đường Lê Văn Thịnh. Chợ nhỏ nhưng người buôn bán không chỉ trong nhà lồng mà còn 'tiến công' ra trọn khúc đường hàng trăm mét, rất xôm tụ...

Quận 2 ngày nay nếu nói về ranh giới - địa bàn thì hẳn với quận 2 cũ trước năm 1976 (hay còn gọi là quận Nhì). Trong giai đoạn 1967-1976, một phần nhỏ địa bàn quận 2 ngày nay chính là quận 9 (quận Chín) cũ của Đô thành Sài Gòn và sau đó là Thành phố Sài Gòn - Gia Định. Quận 9 khi đó gồm 2 phường: An Khánh và Thủ Thiêm (tương ứng với địa bàn các phường An Khánh, An Lợi Đông, Bình An, Bình Khánh, Thủ Thiêm ngày nay).

< Nửa kia rất hảo trái cây, mỗi khi lựa có thể mua một lần năm bảy ký nếu vừa ý. Bà kia bán cam mua 3 ký, bà xã mua vắt nước: gặp cam ngọt tậu luôn... chục ký. Chủ hàng hỏi 'nhà chắc đông lắm nên mua nhiều?'. Thiệt ra có 2 ngoe thôi, bỏ tủ lạnh vắt uống dần. Lắm lúc, trong tủ lạnh có đến 'thất quả' đấy, đủ loại.

< Lựa dép trên đường. Trước giờ thích xài Biti's... thì nay bổng dưng nổi hứng ghé tậu dép nonam, chắc hàng TQ: 3 đôi trăm ngàn trong khi chừng ấy tiền chưa đủ mua đôi dép tốt. Mà hủm rày mang thử từa lưa nhưng... cũng ổn, chả rụng quai!

Ngày xưa, vùng đất quận 2 (trong đó có Thủ Thiêm) dù chỉ cách trung tâm Sàigòn 300 m đường chim bay nhưng đa phần là vùng đầm lầy hoang vu, ít dân.

< Đang chạy trên đường LVT thì bắt chợt rẽ vào con đường nhỏ mang số 21 (vị trí >). Thấy một ngõ... nhỏ hơn nên ta quẹo bừa vô... Nơi ni thuộc phường Bình Trưng Đông nhé.

< Chạy vòng vo đường hẻm thêm một tẹo thì thấy nhà thờ tuyệt đẹp này đây: Nhà thờ giáo xứ Tân Lập (vị trí >), lối kiến trúc VN 'tân cổ giao duyên' nhìn rất thích mắt. Sáng chủ nhật nên đang có thánh lễ trong ấy, tiếng ca đoàn thanh thoát bên trong tuyệt làm sao...
Ngắm một lúc rồi đi, đường ngoắc ngoéo nhánh rẽ tùm lum. lười coi bản đồ nên lúc này chạy bừa...

Do là vùng trũng, đầm lầy nên quận 2 xưa thành nơi thuận lợi cho cây bàng và lác phát triển. Người dân tận dụng lá bàng đan buồm dùng để đi ghe trên sông. Địa danh ấp Cây Bàng, bến đò Cây Bàng cũng hình thành và tồn tại đến sau này.

< Rồi đột nhiên, nhà thờ giáo xứ Mỹ Hòa xuất hiện trước mắt (vị trí >). Waoh, hai nhà thờ gần nhau dữ ta, có thể nơi đây giáp ranh 2 xứ đạo. Ngắm một tý, chộp một tấm rồi lại đi! Lúc này mù đường nên cứ nhắm hướng mà chạy bừa, xem bản đồ chi cho mệt vì ngóc ngách nhiều lắm. Phải, rồi trái... đột nhiên thấy khu nghĩa trang đầy mộ (vị trí >)! Đừng ngạc nhiên nha vì ở đây, nghĩa trang to nhỏ nhiều lắm! Thậm chí nhiều nhà còn chen giữa các mộ là chuyện quá đỗi bình thường...

< Rồi cũng ra được đường lớn hơn, có khó gì đâu? Đây là đường Bình Trưng, nhìn xa xa, lại thấy cái gì cao cao giống như một gác chuông, lại tìm đường đến đó. Ngõ này ư? Không phải, đường cụt! Ta quay xe trở ra ta tìm ngõ khác.

< Rồi chốn ni xuất hiện trước mắt với cây thập tự giá. Hình như quen quen...

Quận 2 ngày xưa, trong đó có Thủ Thiêm xưa còn ghi lại qua dấu tích hàng trăm năm của các công trình tôn giáo, nhất là hệ thống tu viện, nhà thờ của Hội dòng Mến Thánh giá còn tồn tại đến ngày nay. Vào giữa thế kỷ 19, vua Minh Mạng tìm diệt những người theo đạo Công giáo sau loạn Lê Văn Khôi nên các nữ tu chạy đến vùng Thủ Thiêm. Họ sau đó khai phá đất hoang rồi xây nên tu viện, nhà dòng… Hiện công trình tôn giáo này có lịch sử gần 180 năm.

< Đây chính là Viện Thánh Kinh Thần Học thuộc đạo Tin Lành (vị trí >). Đây cũng chưa phải ngõ vào mà là bãi giữ xe, ngõ vô bên kia. Khen cho ai thiết kế viện này, dáng thanh thoát đẹp quá.

< Chạy thêm chút nữa trên đường Bình Trưng thì gặp cái miếu giữa đường (vị trí >). Trước kia đường nhỏ: miếu cũng nằm giữa đường. Nay đương mở rộng lớn hơn, miếu vẫn yên vị - Cách giải quyết thật đơn giản không động chạm đến tính ngưỡng của dân là miếu nằm giữa, như cái bùng binh con con. Nơi này cũng là ranh giới của 2 phường Bình Trưng Đông và Cát Lái.

Quận 2 xưa cũng có rất nhiều nghĩa trang, ngày nay cón sót lại ví dụ như nghĩa trang Vân Đồn, nghĩa trang Nhân Dân Liên Xã, nghĩa trang Ngọc Lữ, nghĩa trang Vân Đồn - Phước Hải, nghĩa trang giáo xứ Tân Lập...v.v. Ngoài ra còn có rất nhiều khu vực có mộ rải rác - Nguyên nhân xưa do vùng đất này ít dân nhưng đất rộng nên nhiều khi người thân thuộc mất, người ta chọn luôn đất vườn nhà để chôn cất.

< Chạy thêm một đoạn rồi ghé quán ăn phở. Tô phở nạm bò viên giá 25k. Tuy nhiên, mình khuyên bạn đừng ăn bò viên mà chỉ nên ăn nạm hoặc tái nạm hay bún bò huế. Lý do là cục bò viên nghe... mùi cá - Một kinh nghiệm nhớ đời, mấy món kia thì ok. Quán nằm trong nhà có khoảng sân rộng, khá đông khách.

< Qua miếu một đoạn gặp cái chợ mini, ghé cho nửa kia mua ít rau. Trông giống chợ quê không hè?

Lịch sử để lại nên ngày nay, không lạ khi ta chạy trong những con hẻm tại đây dễ dàng bắt gặp chen giữa nhưng căn nhà lại là một số mộ phần do ngày nay, nhà mọc lên trên những khoảng đất trống. Vậy nên dân nói 'Người ở thế giới bên này sống cùng người thế giới bên kia' cũng chả sai.
< Đầu đường Bình Trưng là công viên (vị trí >), đối diện BV Quận 2. Công viên nhỏ thôi nhưng được chăm sóc khá tốt, bọn mình hay đi bộ nơi này.

< Rời công viên, theo đường Lê Văn Thịnh rồi rẽ sang đường 39, ở đây có chợ Đình.

Ở  khu vực Tây bắc phường Cát Lái mà mình đề cập, ngoài các trục đường chính như Nguyễn Thị Định, Lê Văn Thịnh, Đồng Văn Cống... thì các trục đường nhỏ và các hẻm đóng vai trò quan trọng trong việc lưu thông của người dân.

< Bọn mình tự gọi là chợ đình vì ngay đó có đình thần Bình Trưng. Đây là di tích thờ tự lâu năm của người dân phường Bình Trưng Tây. Lễ giỗ Ông vào 16 đến 17 tháng 2 âm lịch.

Do hẻm tự phát triển theo lịch sử xưa nên các đường hẻm này thường nhiều cây cối, quanh co, rất nhiều nhánh rẽ và cũng nhiều nhánh cụt. Đa số các hẻm đều rộng rãi, xe 4 bánh khéo tay lái có thể chạy ngon.

< Và ngay bên cạnh là chùa Quan Thánh Đế Quân. Cả 2 nơi thờ tự đều được trang trí chủ đạo là màu đỏ.

Lần trong các khu dân cư ấy là những xóm đạo với các nhà thờ rất khang trang, các chùa và trong đó có cả đình cổ... làm tăng bội phần vốn văn hóa - tâm linh của một phường...

< Chợ không có gì cần mua, vậy nên bọn mình chạy thẳng theo đường 39 rồi đến Bình Trưng (khúc sau quanh co như hẻm), trước khi ra Nguyễn Thị Định thì gặp nhà thờ này: Nhà thờ giáo xứ Công Thành (vị trí >).

Tuy vậy, do đường hẻm rất nhiều và vặn vẹo nên nếu không quen đường, vào đây ta sẽ thấy là một mê cung và không tìm đường ra dễ dàng nếu không dùng hướng dẫn chỉ đường trên bản đồ.
< Trở ra đường Nguyễn Thị Định, ta quay về Thạnh Mỹ Lợi thôi em...


↑ Google ảnh tài lanh, tự ghép hình có trong ĐT của mình thành panorama rồi réo khoe. Xem cũng chỉnh chu đấy như phần trước chiếc xế hộp... mất tiêu vì nó đang chạy mà, kha kha...

< Về cái chợ Thạnh Mỹ Lợi con con. Mình không nói đến chợ TML chính nhé mà chủ yếu nói cái chợ tự phát trong khu dân cư. Từ sau tết đến giờ, người bán đâu mất tiêu, chợ loe hoe khiếp! Vậy nhưng tôm ở đây rất tươi và rẻ hơn các chợ khác đấy!

< Ta bị Tàu rồi Pháp xâm lăng cả hơn ngàn năm, nay bà con ta lại lây bịnh xâm lăng ra... lề đường! Nhà tầng trệt nào cũng chiếm hết khoảng lề đường chung là của riêng nhưng chả ai nói hỉ? Hôm nay tôm không ngon, ta dìa thôi anh!

Vậy nhưng nếu rỗi rảnh, bạn có thể khám phá những con hẻm chi chít đó trong một ngày nghỉ. Bạn sẽ thấy những cơ sở tâm linh tuyệt đẹp, những đình, miếu cổ... mà khi người ta làm đường: họ phải tránh nó đấy! Ngoài ra, chợ quê và những hàng ăn sáng có nhiều ở đây, phục vụ người địa phương với giá rất rẻ. Bạn cũng có thể khề khà ly cà phê sớm, tán chuyện với đôi người lớn tuổi để biết thêm lịch sự hình thành vùng đất này, thú vị đó chứ? Có lẽ, mình sẽ gọi gọi đây là... 'phượt hẻm'.

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!