(CAO) - Theo quan niệm của người J'rai ở các huyện phía đông tỉnh Gia Lai, khi gặp nhiều điều không may mắn họ sẽ sắm heo, sắm rượu ra dòng sông Ba làm lễ và tắm để nước sông cuốn đi những xui xẻo, phiền toái, rắc rối và mang lại cho bản thân cùng gia đình nhiều điềm may mắn.

< Anh Ksor Ythe và con gái tắm xả xui và làm lễ.

Krông Pa (Gia Lai) là một huyện vùng sâu nằm bên dòng sông Ba huyền thoại. Sống khép mình giữa đại ngàn, hàng trăm năm qua người Jrai ở Krông Pa từng tồn tại nhiều phong tục kỳ lạ. Tắm sông xả xui là một trong những tập tục kỳ lạ có từ thời xa xưa của người Jrai.

Lễ xả xui được thực hiện khi cư dân trong làng liên tục gặp những điều không may mắn. Lễ sẽ do già làng chủ trì và làm ngay tại dòng sông Ba để xin các Yàng (thần linh) phù hộ.

Lễ xả xui thường diễn ra những ngày cuối năm (phải là ngày quang đãng không mưa). Người được xả xui sẽ chuẩn bị mấy ghè rượu, một con heo, một con gà. Dân làng đến dự mỗi người mang một ít lễ vật tùy theo điều kiện gia đình đến góp cùng gia chủ.

< Dân làng và người thân của người làm lễ ra sông tham dự và chứng kiến.

Trước khi làm lễ xả xui, người làm lễ chọn ngày, sau đó thông báo cho toàn bộ dân làng trước đó khoảng một tuần để họ thu xếp công việc và chuẩn bị rượu cần. Trong thời gian này, người được xả xui hạn chế đi xa để tránh gặp phải điều xui xẻo tiếp nữa.

Chúng tôi may mắn được giữ lễ xả xui ở buôn H’Nga, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa do già làng Nay Bé chủ trì, 2 người được xả xui là ông Ksor Ythe (48 tuổi) và Nay H’Sương (30 tuổi).

< Già làng làm lễ xả xui dưới sông Ba cho chị H’Sương.

Sau khi chuẩn bị xong các lễ vật, già Nay Bé lấy 2 cành cây được đem từ trên rừng về cắm xuống dòng nước đang chảy cuồn cuộn, sau đó buộc 1 sợi dây màu trắng vào.

Vừa cắm cành cây xuống dòng sông Ba, già Nay Bé vừa giải thích cho chúng tôi. “2 cành cây phải được lấy từ rừng về vì nó tượng trưng cho thần linh và thuần khiết. Còn sợi dây màu trắng là biểu hiện của sự trong sáng, may mắn”.

< Nay H’Sương sau khi tắm xả xui được già làng làm lễ, uống rượu xả xui.

Khi được sự đồng ý của già làng, chị H’Sương choàng lên mình một tấm áo rách rồi bơi qua sợi dây trắng theo hướng ngược dòng chảy. Khi bơi qua sợi dây trắng, chị H’Sương cởi bỏ chiếc áo rách, để dòng nước sông Ba cuốn đi. Những điều không may cũng theo đó mà dòng nước cuốn đi xa.

Sau khi hoàn tất lễ ở dưới sông, chị H’Sương kể về những điều xui xẻo của mình trong năm qua: “Năm trước mình phải mổ để sinh con, đầu năm nay lại phải mổ vì đau ruột thừa. Chưa kể còn nhiều chuyện không vui liên tiếp đến với gia đình. Nhiều tai họa cứ giáng xuống gia đình, khiến chị phải vay nóng lên đến 60 triệu đồng trang trải”.

< Lễ vật tuỳ theo khả năng mỗi người, có thể là một con heo nhỏ, có khi chỉ cần 1 con gà.

Còn về những điều xui xẻo xảy ra với mình, ông Ksor Ythe kể: “Chỉ trong vòng mấy tháng qua, mình gặp phải 2 tai nạn. Đầu tiên là đi vào rừng bị ngã gãy tay. Trong khi tay chưa lành, mình lại bị ngã gãy răng. Xui với mình đến thế là cùng! Do vậy, mình bàn với gia đình sắm heo, sắm rượu để nhờ già làng làm xả xui, cho sang năm gặp nhiều may mắn hơn.

< Dân làng chuẩn bị đồ ăn để chia vui cùng gia chủ sau khi được xả xui.

Nghi thức cho dòng nước mang theo hết những vận đen trên người đi kết thúc, mọi người lại quay về nhà ông Ythe và bà H’Sương tiếp tục làm lễ. Lúc này tại mỗi nhà đã chuẩn bị đầy đủ 3 chum ghè rượu, 1 con heo, 1 con gà. Già Nay Bé tiếp tục chủ trì nghi lễ xin Yàng, tổ tiên phù hộ cho ông Ythe và bà H’Sương gặp nhiều may mắn. Chủ nhân của buổi xả xui, sau đó rót rượu, mời mọi người đến tham dự một ly để cảm ơn.

< Lễ vật được chuẩn bị để cho già làng cúng Yàng.

Từ đây, những giây phút vui vẻ của người tham gia buổi lễ bắt đầu. Mọi người vây quanh các hũ rượu cần uống. Gia chủ rất hiếu khách, khi bất kì vị khách nào may mắn đi ngang qua gặp được bữa tiệc trên thì cũng đều được gia chủ mời vào, đón tiếp nồng nhiệt “không say không được ra khỏi làng”.

“Tắm sông Ba, làm lễ xả xui là một trong những phong tục lâu đời, một trong những nét văn hoá độc đáo của người J’rai. Những người trong một thời gian ngắn mà bản thân hoặc gia đình liên tục gặp chuyện không may, khiến họ bất an, lo lắng bị thần linh quở phạt, thì họ sẽ làm lễ này. Người chủ trì buổi lễ là già làng, hoặc các bậc cao niên có uy tín trong buôn làng. Ngày nay, tục này vẫn duy trì, nhưng không mang màu sắc mê tín dị đoan. Nghĩa là người dân đã biết nếu bệnh nặng, bị tai nạn thì phải đến bệnh viện chứ không chỉ dựa vào thần linh”, ông Ksor Phúc, Phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Sở VH-TT-DL tỉnh Gia Lai.

Theo Chí Dũng (Công An online)
Du lịch, GO!

Bắt nguồn từ độ cao 1.549m, trên dãy Ngọc Linh, thuộc tỉnh Kon Tum, sông Ba chảy theo sườn phía Đông của dãy Trường Sơn, qua các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên trước khi đổ ra Biển Đông. Có vô vô số huyền thoại trên con sông này, mà đoạn sông Ba chảy qua huyện K’rông Pa của tỉnh Gia Lai còn được người J’rai coi là con sông Thần, có thể rửa sạch muộn phiền, xui xẻo.