(BNA) - Hầu như thầy mo nào cũng có một đôi thẻ tre. Đây là một trong những công cụ thực hành tâm linh của họ. Người ta tin rằng với những chiếc thẻ tre được vót, chuốt khá cẩn thận, thầy mo có thể liên lạc với thế giới tâm linh.

Theo quan niệm của các cộng đồng dân tộc thiểu số thì thế giới tâm linh có vô vàn các vị thần và hồn vía. Thầy mo thường bắt đầu buổi cúng bằng việc gọi tên những thần linh liên quan đến buổi lễ.

Để “kiểm tra” xem các vị thần đã đến đông đủ hay chưa, thầy mo gõ hai chiếc thẻ tre vào một khúc gỗ đã chuẩn bị sẵn, để cho chúng tung lên rồi rơi xuống. Nếu một chiếc sấp, một chiếc ngửa thì tất cả các vị thần đều đã đến đông đủ. Còn nếu chúng cùng sấp hoặc cùng ngửa thì vẫn chưa.

“Liên lạc” với đấng siêu nhiên

Cũng như nhiều thầy mo khác, thầy mo Cụt Thanh Hải trú ở bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn luôn mang theo một đôi thẻ tre khi làm lễ. Đôi thẻ tre ấy có thể được ông mang từ nhà đi, hoặc cũng có khi đến nơi hành lễ mới chặt tre, nứa để làm bởi nó cực kỳ đơn giản.

Một ống tre hoặc ống nứa được chẻ làm đôi rồi vót cẩn thận. Người ta cũng có thể chẻ nhỏ và cắt ngắn đi nhưng không cạo bỏ phần vỏ xanh để phân biệt được hai mặt khác nhau, như khi đồng xu sấp hay ngửa vậy. Thẻ tre này liên quan đến việc thực hành tâm linh của các thầy mo nhưng khác về bản chất so với trò bói toán.

Dù là với nghi lễ nào thì các thầy mo đều phải cúng thần. Nhưng người trần chẳng bao giờ nhìn thấy các thần linh. Thầy mo cũng chỉ là người trần nên không có ngoại lệ, nghĩa là họ cũng chẳng nhìn thấy thần linh. Vì thế, tín hiệu từ chiếc thẻ tre giúp họ liên lạc với các đấng siêu nhiên.

“Người với người thì dùng điện thoại để gọi nhau. Còn mo gọi thần linh bằng cái này” - ông Cụt Thanh Hải cầm chiếc thẻ tre lên và nói vẻ ví von.

Những tín hiệu từ chiếc thẻ tre

Những chiếc thẻ tre thường được các thầy mo người Thái và Khơ mú dùng khi thực hành tâm linh. Quan niệm trong việc sử dụng cũng như những “tín hiệu” từ chiếc thẻ tre không mấy khác biệt. Điều này cũng dễ hiểu bởi hai cộng đồng này khá gần gũi trong việc giao thoa văn hóa.

Mặc dù vậy, thẻ tre không phải là "phương tiện liên lạc" duy nhất của thầy mo với thế giới tâm linh. Nhiều thầy mo còn sử dụng một bó đũa để làm nghi lễ “hỏi chuyện” ma nhà, ma rừng, núi hay thần thánh. Trong số này phải kể đến ông Lương Xeo Coóng, trú bản Kèo Lực 1, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn.

Trong một dịp tình cờ gặp mặt, ông Lương Xeo Coóng khoe với chúng tôi một ống đũa được truyền lại từ người thầy quá cố. Những chiếc đũa nhỏ vốn không bao giờ dùng gắp thức ăn đã lên nước bóng loáng.

Ông Coóng năm nay đã bước sang tuổi 85 cho hay đã dùng những chiếc đũa này khoảng nửa thế kỷ nay. Mỗi khi làm lễ, thầy mo Coóng cầm lấy một số que đũa rồi rút ra khỏi bó. Nếu số lượng đũa lẻ thì coi như thần linh đồng ý, còn số chẵn thì không đồng ý.

Một số thầy mo ở huyện Con Cuông lại dùng tiền xu mạ đồng để tung trên chiếc đĩa mỗi khi làm lễ. Dù có chút thay đổi như vậy nhưng quan niệm về các “tín hiệu” của những công cụ như thẻ tre hay tiền xu thì không thay đổi.

Người Thái ở Con Cuông vẫn gọi việc tung đồng xu hay gõ thẻ tre là “thìm lé”. Dù là thẻ tre, đồng xu hay chiếc đũa thì đó đều là những cách để thầy mo liên lạc với thế giới tâm linh.

Theo Hữu Vi (Báo Nghệ An)
Du lịch, GO!