(AGO) - So với dãy Thất  Sơn hùng vĩ, những ngọn núi trong cụm núi Ba Thê quá nhỏ bé. Tuy nhiên, không vì thế mà những cái tên như núi Chóc, núi Chọi, núi Tượng, núi Nhỏ lại kém phần hấp dẫn. Có những ngọn núi phát ra âm thanh như tiếng gõ mõ, sáo diều, có núi gắn chặt với những giai thoại mãi lan truyền trong nhân gian.

“Chùa” không cần… chuông, mõ

Trên tuyến Tỉnh lộ 943 chạy dọc từ núi Sập vào Ba Thê, nếu không để ý sẽ rất khó nhận thấy ngọn núi Chóc. Dù núi nằm ngay phía sau UBND xã Vọng Đông (Thoại Sơn) nhưng bị che chắn bởi những ngôi nhà phía trước. Nhìn từ trên cao, trông núi Chóc cứ như một điểm đen lọt thỏm giữa đồng bằng. Tuy vậy, ngọn núi này lại thu hút nhiều người ở tận Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long, kể cả TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai... tìm đến xin may mắn, bình an. Sức hút ấy đến từ ngôi chùa hang trên núi, mà người ta quen gọi là “chùa Ông Mười” hay “hang Ông Mười”.

Từ UBND xã Vọng Đông, đi men theo con đường nhỏ phía sau, qua dãy nhà tường dựa vào lưng núi, trèo thêm mấy đoạn bậc thang, chưa kịp đổ mồ hôi đã lên đến “chùa ông Mười”. Gọi là “chùa”, chứ thật ra đó chỉ là hang đá bình thường như bao hang núi khác, bên trong có bàn thờ Phật. “Chánh điện” được tạo thành bởi 2 tảng đá lớn gác lên nhau.

Nếu ở những ngôi chùa lớn, người ta đúc tượng Phật thì ở “chùa ông Mười”, do diện tích hang nhỏ hẹp, chủ yếu sử dụng những bức hình Phật dựng lên trên bàn thờ nhưng vẫn thể hiện được vẻ trang nghiêm. Phía trước hang, cặp hông chùa là mộ ông Mười, đã bị chìm khuất dần theo thời gian, nếu không để ý sẽ khó nhận ra.
Dulichgo
Điều làm nên sự thu hút đặc biệt của ngôi chùa này chính là chiếc mõ khổng lồ được tạo từ phiến đá tự nhiên phía trên “mái chùa”. Khi dùng hòn đá nhỏ gõ vào phiến đá này, âm thanh phát ra vang vọng như tiếng chuông, tiếng mõ. Theo người dân địa phương, cách nay khoảng nửa thế kỷ, chính vì phát hiện chiếc mõ kỳ lạ này, mà ông Mười đã quyết định lập chùa ngay hang núi phía dưới để tu hành. “Nghe nhiều người kể lại, mỗi ngày, ông Mười đều trèo lên phiến đá ngồi gõ mõ, tụng kinh vào thời điểm cố định. Âm thanh của tiếng mõ vang xa, thanh hơn cả những ngôi chùa lớn” – ông Đỗ Quốc Khanh, Chủ tịch UBMTTQVN xã Vọng Đông, thông tin.

Sau khi ông Mười qua đời, người dân lập mồ ngay phía trước ngôi chùa mang tên ông. Một số người lên thắp nhang lễ Phật, thử gõ mõ đá và khấn vái ông Mười ban cho may mắn, bình an hay cầu duyên, cầu học hành, thi cử lại được linh ứng. Từ đó, tiếng lành đồn xa, nhiều người ở địa phương ngoài tỉnh cũng tìm đến. “Một số người cầu được may mắn nên quay trở lại sửa sang “chùa ông Mười”, lát gạch bông dưới nền cho sạch sẽ. Người dân địa phương thì thường lên nhang khói” – ông Khanh chia sẻ.

Để “mục sở thị” chiếc mõ đá kỳ lạ, tác giả đã nhờ cán bộ xã Vọng Đông dẫn đường, trực tiếp trèo lên phiến đá gõ thử. Chúng tôi nhận thấy, phần mõm của phiến đá khi gõ vào phát ra thanh âm rất trong, vang vọng như tiếng mõ ở chùa. Khi gõ càng sâu vào trong, âm thanh càng giảm lại, đến giữa phiến đá thì âm thanh giống như hòn đá bình thường. Do phiến đá này nằm thoi loi bên ngoài nên không thể nói là hiện tượng dội âm giống như trong hang động.
Dulichgo
Có người giải thích, do phiến đá rỗng phía trong nên mới phát ra âm thanh giống như tiếng mõ. Tuy nhiên, chúng tôi hoài nghi giả thuyết này khi quan sát phiến đá rất chắc chắn, độ dày chỉ khoảng 2 tấc nên rất hiếm có khả năng rỗng bên trong. Hơn nữa, nếu là đá rỗng, âm thanh gõ vào cũng khó có tiếng vang trong trẻo đến vậy.

Ông Trần Văn Dũng, Trưởng ban Quản lý Văn hóa và Du lịch huyện Thoại Sơn, cho biết, trên tuyến đường du lịch từ Long Xuyên vào Óc Eo phải đi ngang núi Chóc. Đơn vị sẽ giới thiệu về chiếc mõ đá kỳ lạ này để du khách ghé qua tham quan, trải nghiệm.

Thần phù hộ bình an

Trong kháng chiến chống Mỹ, núi Trọi (thuộc xã An Bình, Thoại Sơn) được Mỹ sử dụng như pháo đài kiểm soát quân cách mạng ở khu vực vành đai phía dưới. Tuy nhiên, cũng chính ngọn núi này lại gây khó dễ cho chúng. Những người lớn tuổi trong vùng kể lại, trên đỉnh núi Trọi khi ấy có tảng đá lớn cỡ cái thúng giạ (loại thúng đan bằng tre có thể chứa được 1 giạ, tương đương 20kg lúa). Quan sát xung quanh, tảng đá này giống như người ta mang đặt lên, “chẳng thấy dính dáng gì” đến đỉnh núi. Tuy nhiên, tảng đá lại cản trở tầm quan sát của quân Mỹ-ngụy. Bực mình vì không cách nào “bứng” tảng đá đi được, chúng cho trực thăng cỡ lớn tròng dây vào kéo đi cũng chẳng xi- nhê. Quân giải phóng của ta lợi dụng góc khuất được che chắn tự nhiên bởi tảng đá, súng không bắn xuống được mà tiến công vào tiêu diệt sào huyệt của địch.
Dulichgo
Người dân địa phương tin có “thần núi” giúp đỡ cho cách mạng, đánh thắng giặc. Điều kỳ lạ là tảng đá này “lớn” rất nhanh, chỉ sau 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã to lên gấp cả chục lần. Kỳ lạ hơn, phía dưới chân núi bỗng xuất hiện những gò đá nhỏ tạo thành hình người nằm sấp, kế bên là “nồi cơm”, “mẻ cá kho”... Vùng núi Trọi, núi Tượng trước đây đất hoang hóa nhiều, toàn là đồng năng với nhiều loài rắn độc nguy hiểm. Lưu dân đến núi Trọi đã khấn vái “ông Tà” giữ núi phù hộ cho tránh được nguy hiểm, mùa màng thuận lợi.

Nhờ “ông Tà” đáp ứng lời nguyện cầu nên hàng năm, sau khi thu hoạch lúa mùa nổi, vào ngày 16 tháng Chạp, người dân trong vùng lại tổ chức lễ cúng “ông Tà”. Ngày nay, dù không còn lúa mùa nổi nhưng người dân vẫn tổ chức nghi lễ tươm tất. Những người con xa quê, nhiều người ở các địa phương khác cũng đến tham gia. Mọi người mang heo quay, gà, vịt, cá lóc nướng... lên miễu ông Tà núi Trọi cúng, rồi cùng nhau quây quần ăn uống, vui chơi như ngày hội. Cho đến bây giờ, mỗi khi bị mất đồ hay vật nuôi bị bệnh, trong nhà có người đau ốm, người dân vẫn khấn vái “ông Tà”.

Người ta còn lưu truyền giai thoại, thời Mỹ-ngụy có cặp rắn hổ mây rất lớn hay xuất hiện gần khu vực núi Tượng (cách núi Trọi khoảng 4km), tiếng thở của cặp rắn nghe như giông bão. Một lần, đám lính ngụy canh bắn chết một con rắn cái, “khoanh tròn bỏ vào thúng giạ không hết”, còn rắn đực bỏ đi đâu chẳng rõ. Vài chục năm sau, người ta bỗng thấy con rồng vàng bay lên từ núi Trọi, mất hút vào trời xanh.
Dulichgo
Nhiều người tin rằng, sau khi rắn cái chết, rắn đực đã bỏ lên núi Trọi tu luyện và hóa rồng. Bằng chứng là bây giờ trên núi Trọi vẫn còn xuất hiện vết hằn nổi lên mặt đá giống như đường rắn bò. Vết hằn này kéo dài từ hang núi đi qua nhiều khối đá, lúc xuất phát nhỏ và cứ lớn dần, rồi gián đoạn ở vị trí mà người ta tin rằng rồng bay lên trời.

Chẳng biết những giai thoại dân gian có thật hay không, chỉ biết rằng vùng núi Tượng, núi Trọi, núi Chóc, Ba Thê, núi Sập... đều từng là những căn cứ trọng yếu của Mỹ-ngụy và cũng là những nơi mà chúng chịu thất bại cuối cùng. Những vùng đất hoang sơ ngày nào giờ đã trở thành “vựa lúa” của cả tỉnh. Người dân tin tưởng các “thần núi” không phải theo kiểu mê tín dị đoan, mà coi như động lực để thi đua sản xuất, đóng góp xây dựng quê hương...

Ngoại trừ núi Ba Thê đạt độ cao 221m, những ngọn núi còn lại trong cụm núi này, kể cả núi Sập (không thuộc cụm núi Ba Thê), chỉ cao vài chục mét, còn thấp hơn cả… ngọn đồi. Tuy nhiên, do từng gắn bó với những thời kỳ khai hoang, mở đất, nhiều ngọn núi ở Thoại Sơn luôn được mọi người tin tưởng là có “thần núi” trấn giữ, giúp người dân chống chọi với khó khăn, phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Theo Ngô Chuẩn (Báo An Giang)
Du lịch, GO!