(TTO) - Đỉnh núi Tà Xùa sừng sững nhô lên giữa rừng nguyên sinh huyện Trạm Tấu, Yên Bái. Trải dài từ độ cao khoảng 2.600m lên đến tận đỉnh cao nhất của núi Tà Xùa với chóp inox ghi độ cao 2.865m đẹp ma mị, huyền bí được ví như vương quốc của loài rêu.

Đỉnh núi này nằm trong top 20 đỉnh núi cao nhất Việt Nam với những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đặc biệt là khu rừng rêu cổ tích, huyền bí... Vùng núi Tà Xùa không chỉ thu hút du khách địa phương mà còn là điểm hẹn của rất nhiều tay leo núi chuyên nghiệp.

Thử thách giữa rừng nguyên sinh

Vào ngày hè nhưng thời tiết ở vùng rừng núi Tà Xùa khá mát mẻ, nhiệt độ thường chỉ dao động từ 18-25 độ C. Chúng tôi đi theo lối mòn dẫn lên núi. Theo người dẫn đường - một chàng trai người Mông ở Tà Xùa (xã Bản Công, Trạm Tấu), con đường này được hình thành do người Mông bản địa thường xuyên leo núi để hái măng, lấy củi và gần đây là đi chăn thả dê, ngựa...

Lên đến từng độ cao, mọi người được trải qua nhiều khung cảnh, lúc thì bao la hùng vĩ của trời xanh, nắng vàng, khi lại chìm vào màn sương mờ giăng khắp chốn. Từ độ cao 2.000m so với mực nước biển, những thân cây cổ thụ cao vút, mấy người ôm không xuể xuất hiện dày đặc. Đến chiều muộn, mấy kẻ leo núi nghiệp dư như chúng tôi bắt đầu thấy cơ bắp, chân tay rệu rã.

Ngủ nhờ một đêm trong lán của người Mông dựng sẵn, chúng tôi dậy rất sớm vào buổi sáng hôm sau để ngắm biển mây bồng bềnh, ôm ấp cả dải đỉnh núi mang biệt danh "Sống lưng khủng long" kỳ vĩ. Những đợt thay đổi của lớp vỏ địa chất từ hàng triệu năm đã kiến tạo ra một dải núi Tà Xùa nhô lên cao với ba đỉnh không thể ấn tượng hơn.
Dulichgo
Đường đi trên đỉnh dải núi chỉ có một lối mòn nhỏ, hai bên là màu xanh bao la của những vạt rừng già. Đi trên độ cao khoảng 2.500m so với mực nước biển, chúng tôi có cảm giác bồng bềnh thật khó tả, được thưởng thức bản hòa tấu lảnh lót của nhiều loài chim giữa khu rừng hoang vắng. Gần trưa mà sương mù lại càng dày đặc. Không khí trở nên ẩm ướt, chúng tôi phải lấy những chiếc áo mưa thủ sẵn trong balô để mặc và bảo quản máy móc, vật dụng.

Khám phá vương quốc rêu

Xuyên qua hàng loạt cung đường núi với đầy gai góc, đến độ cao khoảng 2.600m so với mực nước biển, chúng tôi bắt gặp hình ảnh khu rừng đầy huyền bí. Cả một cánh rừng bao la, rộng hàng trăm hecta hiện ra trước mắt mọi người với loài rêu xanh, thảm thực vật bám sống đầy trên thân cây, cành lá...

Ngay dưới chân cũng là những thảm rêu êm ái vẫn còn đọng các giọt nước nhỏ li ti. Được đi trên thảm rêu đặc biệt này, quả thực mang lại cho chúng tôi nhiều cảm giác thú vị. Loài rêu xanh, rồi thẫm ngả vàng ngự trị ở khắp mọi nơi. Những thân cây rêu bám kín đã biến thành chiếc kem bông khổng lồ màu xanh. Những người lần đầu đến đây đều mắt tròn mắt dẹt, há hốc mồm đầy lạ lẫm, thích thú.
Dulichgo
Có chỗ thân cây phủ rêu uốn cong như chiếc võng, khiến anh Nguyễn Duy (quê Thái Bình) - một thành viên trong nhóm - không thể kiềm chế được cảm xúc đã tiến ngay tới để ngồi và nằm thử. Sau đó chỉ bằng một cử chỉ giơ ngón tay cái lên của anh Duy, chúng tôi cũng đủ biết độ tuyệt vời, thích thú đến mức nào.

Thỉnh thoảng chúng tôi còn bắt gặp những cây cổ thụ đổ vắt ngang qua đầu, như một chiếc cầu với những đám rêu xanh thẫm vẫn bám đầy. Lúc mệt, cả nhóm kéo nhau cùng lên cây cầu gỗ tự nhiên này để nghỉ chân, chụp ảnh. Màn sương mờ ảo, mát mẻ càng khiến cho cảnh khu rừng rêu hiện ra thêm phần ma mị.

Nhiều đoạn rêu phong bám kín những loài cây thân mềm xen lẫn loài dây leo chằng chịt vô cùng ấn tượng. Chúng tôi như đang lạc vào thảm thực vật của kỷ nguyên sơ khai, điểm xuyết bởi những bông hoa đỗ quyên vàng, đỏ tuyệt đẹp.
Dulichgo
Thi thoảng mây mù thoáng qua để hở mặt trời chiếu nắng, lúc này đóa đỗ quyên đỏ trở nên rực rỡ hơn bao giờ hết. Đỗ quyên cuối mùa rụng đầy trên lối đi, bên gốc cây, phối với màu rêu ngả vàng.

Khi đi xuống một đoạn đường rừng, chúng tôi tìm thấy con suối nhỏ, nước trong vắt và mát lạnh. Men theo con suối, chúng tôi còn khám phá ra thác nước hùng vĩ đổ từ độ cao 40-50m trên hẻm núi xuống. Người Mông bản địa ví vẻ đẹp của ngọn thác như mái tóc của những thiếu nữ Tây Bắc thủa xuân xanh.

Một số lưu ý khi leo núi Tà Xùa khám phá rừng rêu

- Phải rèn luyện sức khỏe các bài tập đi bộ, leo dốc... trước hành trình.

- Bắt buộc phải có người dẫn đường am hiểu thời tiết, địa hình.

- Các vật dụng không thể thiếu: giày leo núi, áo khoác, áo mưa, găng tay, túi - lều ngủ, đèn pin, thuốc chống côn trùng, băng gạc, các loại thuốc cần thiết khác, nước uống, đồ ăn, thiết bị định vị...

Sẽ có tuyến du lịch sinh thái Tà Xùa

Theo tìm hiểu của chúng tôi, rừng rêu ở đây là một dạng của chi thực vật biểu sinh. Những loài rêu, rêu tản và cả số ít dương xỉ, phong lan... ký sinh trên thân gỗ, trên đá. Ở Việt Nam chỉ có một số ít ngọn núi cao khí hậu quanh năm mát mẻ kiểu ôn đới như núi Tà Xùa (Yên Bái), Tả Liên (Lai Châu)... mới có khu rừng với thảm thực vật biểu sinh ấn tượng đến vậy.
Dulichgo
Theo nghị quyết 35 của tỉnh Yên Bái, trong giai đoạn 2020 - 2025, Phòng VH-TT huyện Trạm Tấu sẽ quy hoạch, phát triển tuyến du lịch sinh thái, khám phá kết hợp với nghỉ dưỡng, trải nghiệm cộng đồng ở vùng núi Tà Xùa. Tuyến du lịch này nằm trong vùng du lịch Tây Bắc, kết nối với các thắng cảnh, điểm tham quan ở địa phương khác.

Theo Hải Dương (Dulich.Tuoitre)
Du lịch, GO!

DGD: Có rất nhiều thông tin về núi Tà Xùa trong Du lịch, GO!, bạn có thể seacrh bằng từ khóa 'Tà Xùa'.